Giả sử bạn quan tâm đến việc mua một cơ sở nhượng quyền bán lại. Bạn sẽ mua lại nhượng quyền kinh doanh của người mua quyền thương mại hiện tại nhưng vẫn phải ký một hợp đồng với chủ thương hiệu, vì thế nội dung của “Tài liệu công bố các điều khoản về nhượng quyền thương mại dành cho khách hàng” vẫn quan trọng với bạn. Ngoài giá mua đã thỏa thuận với chủ nhân trước, thông thường bạn sẽ phải trả phí chuyển nhượng cho hệ thống nhượng quyền. Có trường hợp bạn không phải trả phí nhượng quyền ban đầu cho chủ thương hiệu nhưng phải trả một khoản phí đào tạo mới.
Giá mua lại một đơn vị nhượng quyền đang kinh doanh thường cao hơn giá nhượng quyền mua từ chủ thương hiệu vì bạn mua được lượng khách hàng cố định, thiết bị và lợi thế thương mại của doanh nghiệp đang hoạt động đó. Đặc biệt là địa điểm kinh doanh đã được kiểm chứng qua thời gian nên hạn chế rất nhiều rủi ro. Khi đó làm thế nào bạn xác định được liệu giá cả đơn vị nhượng quyền đó có hợp lý hay không?
Làm thế nào người mua quyền thương mại tiềm năng đánh giá được giá trị của cơ sở nhượng quyền bán lại? Ông Harish Babla – Strategic Partner của nhuongquyenvietnam.com cho biết, những doanh nghiệp đang hoạt động thường được định giá theo công thức sau: một năm lợi nhuận ròng, cộng thêm giá trị hàng tồn kho, giá trị tài sản cố định và các thiết bị, giá bất động sản (nếu được áp dụng), lợi thế thương mại. Khoản tiền thanh toán cho lợi thế thương mại được xác định là sự ủng hộ của khách hàng hoặc uy tín mà doanh nghiệp có được vượt ra ngoài khuôn khổ giá trị bằng tiền của hàng hóa, dịch vụ đang bán.
Người mua nên phân tích tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp bằng cách nghiên cứu sổ sách tài chính của chủ sở hữu. Người mua tiềm năng cần xác định liệu có thể đáp ứng được ba mục tiêu sau hay không:
1. Tỷ suất hoàn vốn đầu tư
2. Đảm bảo đủ tiền để trả nợ và thanh toán nợ dứt điểm.
3. Thanh toán một khoản lương hợp lý cho chính mình khi trở thành người điều hành cơ sơ kinh doanh.
Mua lại đơn vị kinh doanh nhượng quyền là sự lựa chọn khả thi cho nhiều nhà đầu tư. Giả sử việc kinh doanh đang thành công ở mức vừa phải, dưới đây là một vài lý do giải thích tính phổ biến của sự lựa chọn này:
1. Lợi nhuận và lưu chuyển tiền tệ nhanh chóng hơn cho Chủ sở hữu. Do không phát sinh chi phí ban đầu và việc kinh doanh vẫn đang tiến triển, bạn sẽ thu được lợi nhuận và có lương gần như ngay lập tức.
2. Lập kế hoạch đơn giản. Việc lập dự toán sẽ dễ dàng hơn vì bạn có sổ sách và số liệu từ trước là cơ sở cho những dự báo về tài chính và thị trường.
3. Nguồn tài chính được xúc tiến nhanh chóng. Thông thường chủ nhân cũ sẽ chấp nhận một khoản thanh toán trả trước, và sau đó là trả hàng tháng cho tới khi thanh toán hết số tiền mua bán đã thỏa thuận. Chủ sở hữu mới sẽ không phải tìm kiếm nguồn vốn từ việc vay mượn của các định chế tài chính hoặc các nhà đầu tư cá nhân.
4. Những lợi thế có sẵn. Chủ sở hữu mới thường được thừa hưởng đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, nhà cung cấp uy tín và khách hàng trung thành.
Không phải mọi thương vụ bán lại đều là những hợp đồng dễ có lợi. Hãy coi chừng các thương vụ bán lại mà các trang thiết bị cũ kỹ và hàng tồn kho được tính vào giá mua. Có thể bạn sẽ phải bỏ thêm tiền để hiện đại hóa các trang thiết bị này và thay thế hàng tồn kho. Mặc dù vậy, vấn đề lớn nhất có thể gặp phải là liệu bạn có mua phải một đơn vị kinh doanh nhượng quyền đang xuống cấp về mọi mặt không. Bạn có thể phải hứng chịu ác cảm của khách hàng, và việc lấy lại niềm tin của khách hàng sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Cần đọc kỹ “Tài liệu công bố các điều khoản về Nhượng quyền thương mại của chủ thương hiệu” và nhận được những lời khuyên cần thiết của các chuyên gia, cần phải tìm hiểu hợp đồng thêm một chút để xem xét nội dung trong đó thật sự không còn bất ngờ đối với bạn nữa. Tuy nhiên, nếu bạn thấy vẫn còn lo lắng và cực lực phản đối một vài quy định trong hợp đồng nhượng quyền, hãy sẵn sàng xúc tiến tìm kiếm một cơ hội khác.
Lời khuyên
Nếu bạn muốn khám phá ý tưởng mua lại doanh nghiệp nhượng quyền đang kinh doanh, bạn phải biết tìm nó ở đâu. Dưới đây là bốn lời khuyên cho bạn:
Một là, nếu bạn đã chọn được một ngành cụ thể, hãy chuyện trò với những người mua quyền thương mại khác. Họ thường biết về những vụ bán lại trong hệ thống nhượng quyền mình đang kinh doanh.
Hai là, hãy nói chuyện với chủ thương hiệu.
Ba là, hãy tìm kiếm các quảng cáo trang tin kinh doanh và nhượng quyền thương mại.
Bốn là, hãy tìm người môi giới chuyên về nhượng quyền. Những người môi giới này được trả hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị mua bán. Hoa hồng thường do người bán doanh nghiệp trả.
Theo Nhượng Quyền Việt Nam