Môi trường mới cần giám đốc tài chính mới
27/05/2015 02:56
Môi trường kinh doanh ngày càng thay đổi, đòi hỏi các giám đốc tài chính (CFO) dành thời gian cho hoạt động bên ngoài (frontoffice) nhiều hơn thay vì chỉ chuyên lo công việc hậu trường (backoffice) như trước đây, theo ông Peter Cheng – CFO Microsoft Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TBKTSG Online bên lề diễn đàn “CFO – CMO Việt Nam đồng hành tạo lập giá trị” ngày 22-5, ông Cheng chia sẻ, trong quỹ thời gian công việc hiện nay, ông dành 80% để nói chuyện trao đổi cùng bộ phận bán hàng, tiếp thị và khách hàng; 20% còn lại dành cho công việc đơn thuần liên quan đến tài chính.
Việc này, theo như ông Cheng nói, sẽ giúp ông hiểu rõ công việc của bộ phận tiếp thị hơn, hiểu được thị trường tốt hơn. Do vậy sẽ biết được đâu là những khoản đầu tư hiệu quả trong rất nhiều ý tưởng kêu gọi đầu tư cho quảng cáo mà bên tiếp thị đưa ra.
Để minh chứng, ông đưa ra một ví dụ nhỏ liên quan đến câu chuyện này. Nhiều năm trước, bộ phận tiếp thị của Microsoft Việt Nam từng đề xuất in ấn brochure đặt tại các cửa hàng bán lẻ để quảng cáo cho sản phẩm. Ở vị trí CFO, nhờ hiểu rõ thị trường, ông đã bác ý tưởng này bởi nó không phù hợp và hiệu quả.
Đồng quan điểm với ông Cheng, ông Dương Hải, Phó giám đốc CFO Việt Nam, cho rằng các CFO cần quan tâm và hiểu nhiều hơn đến hoạt động của các phòng ban khác, đặc biệt là bộ phận tiếp thị, vốn luôn tồn tại cùng CFO, cũng như quan tâm nhiều hơn đến khách hàng và thị trường. Tuy nhiên, bản thân ông Hải thừa nhận nhiều CFO Việt Nam vẫn chưa thay đổi tư duy “backoffice”trong công việc của họ.
“Họ rất chăm chỉ và cầu tiến khi học các kiến thức chuyên về tài chính nhưng khi học rộng sang lĩnh vực khác thì dường như không mặn mà và thiếu động lực. Trong khi đó lại là những kiến thức cần thiết bổ sung để họ có thể trở thành một CFO chuyên nghiệp,” ông Hải nói.
Để CMO và CFO cùng nhìn về một hướng
Trong các doanh nghiệp lớn, CFO luôn đi đôi với CMO (Giám đốc Marketing – Chief Marketing Office) mà thiếu một trong hai, doanh nghiệp sẽ khó thành công. Lý do được ông Trần Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc tài chính Công ty Giấy Sài Gòn, lý giải qua hình ảnh ví von rằng một CMO thì luôn nhìn “lên trời” với các khoản chi khổng lồ dành cho phát triển thương hiệu. Nếu thiếu CFO, công ty sẽ dễ thua lỗ và đóng cửa. Còn ngược lại, nếu thiếu CMO, với một CFO chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, cuối cùng thì công ty cũng đóng cửa.
Tuy cùng tồn tại nhưng không phải lúc nào hai nhân vật này luôn tìm được tiếng nói chung bởi một người chuyên tiêu tiền, còn một người có trách nhiệm quản lý dòng tiền. Do vậy, để "bộ đôi quyền lực" này cùng nhìn về một hướng thì không chỉ cần sự nỗ lực chung của hai bên.
Nói vui như ông Nguyễn Đăng Nhuy Nhất, Tổng giám đốc của Công ty Global Elite Consulting Corporation, thì “CFO và CMO như quan văn và quan võ trong triều mà nếu vị vua là tổng giám đốc (CEO) kết hợp được họ một cách hài hòa thì sẽ rất tốt”.
Và cách để làm được như vậy, cách mà ông Trần Xuân Nam gợi ý, là công ty cần phải chuẩn hóa các quy trình làm việc phối hợp giữa hai vị trí này, ví dụ như để một chương trình marketing được thông qua thì cần có cả chữ ký của cả CMO và CFO.
Một cách khác được ông Nguyễn Đình Toàn, CMO Công ty Masan Beverage, gợi ý, đó là đưa ra một mục tiêu chung cho cả CMO và CFO. Nếu thành công, hai anh được ghi nhận, nêu thất bại, cả hai đều chịu trách nhiệm. Điều đó bắt buộc họ phải hợp tác cùng nhau.
“Tóm lại, nếu phải dùng một từ duy nhất để CMO và CFO gắn kết thì đó chính là từ tin cậy. Xây dựng được sự tin cậy, cả hai sẽ cùng đồng hành để tạo lập những giá trị cho công ty.” Ông Nguyễn Đăng Nhuy Nhất phát biểu cuối diễn đàn.
Diễn đàn do CFO Việt Nam và CMO Worldwide phối hợp tổ chức ngày 22-5 tại TPHCM.
Theo thời báo kinh tế sài gòn