Logistics: Nội ngoại cùng chia bánh

31/05/2014 08:36

Logistics: Nội ngoại cùng chia bánh


Việc các công ty trong nước xây dựng các khu nhà xưởng và khu kho vận kiểu như Tân Kim cho các công ty nước ngoài thuê đã trở thành một xu thế mới, khi thị trường logistics Việt Nam chính thức mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài kể từ ngày 11/1/2014 theo cam kết WTO.


Sau gần nửa năm khảo sát tại rất nhiều khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh lân cận, công ty chuyên sản xuất thiết bị van nước Tabuchi Corp (Nhật) mới chọn được một khu nhà xưởng cho thuê sẵn tại khu công nghiệp Tân Kim tại tỉnh Long An, để mở rộng đầu tư.

 

Ông Massaki Demura, Trưởng Phòng Vật tư của công ty này cho hay, đây là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Tabuchi Corp nên công ty muốn thuê một nhà xưởng xây sẵn, vừa giảm 20-30% chi phí vốn xây dựng, vừa giảm thiểu được rủi ro.

 

Một trường hợp thuê nhà xưởng khác cũng tại Khu Công nghiệp Tân Kim là Công ty TK Mesh Japan. Ông Masayoshi Mishima, Giám đốc Công ty, cho biết với nhà xưởng vừa thuê, doanh nghiệp này chỉ cần lắp ráp máy móc, dây chuyền là có thể đi vào sản xuất ngay.

 

Với ưu thế về công nghệ, dịch vụ, tiềm lực tài chính lẫn mạng lưới toàn cầu, các doanh nghiệp ngoại vẫn là những kẻ ngồi chiếu trên. Nhưng ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), cho rằng: “Việc sở hữu phần lớn kho bãi, nhà xưởng chính là lợi thế để khối nội vẫn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại”.

 

Bức tranh hiện tại

 

Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics trong nước hiện chiếm từ 20 - 25% GDP, tương đương 35 - 40 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện khối nội vẫn chỉ sở hữu miếng bánh khá khiêm tốn.

 

Theo VLA, cả nước có khoảng 25 doanh nghiệp logistics đa quốc gia đang hoạt động nhưng chiếm tới 70 - 80% thị trường cung cấp dịch vụ logistics. Trong khi đó, dù có gần 1.200 doanh nghiệp nội nhưng chủ yếu chỉ làm đại lý hoặc nhà thầu phụ.

 

Chẳng hạn đối với hoạt động xuất nhập khẩu, cước vận tải tàu biển là lớn nhất nhưng hầu như 100% thuộc về các hãng tàu nước ngoài, khối nội chỉ đảm trách những phần việc phụ với giá trị gia tăng rất thấp.

 

Giá cước vận tải hàng xuất khẩu đi từ TP.HCM đến New York là 2.800 USD/container 20 feet, thì các loại phí địa phương như xếp dỡ, dịch vụ đại lý, kho, lệnh giao hàng… chỉ khoảng 65 - 70 USD/m3. Nếu cộng tất cả thì phí địa phương (kể cả phí chứng từ) cho một container 20 feet chỉ khoảng 1.400 USD, bằng một nửa giá cước tàu biển.

 

Ngay cả các khâu khác như kho vận, phân phối cũng đều do nước ngoài thực hiện vì hệ thống kho lạnh của các doanh nghiệp nội khá cũ kỹ, công nghệ lạc hậu nên khách hàng không chấp nhận. “Phần ngon nhất của cái bánh logistics thì nước ngoài xơi hết rồi”, ông Quang nhận xét.

 

Nội ngoại bắt tay

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư có xu hướng tìm các khu nhà xưởng đã xây sẵn để giảm chi phí và hạn chế rủi ro. Đây chính là cửa để các doanh nghiệp nội địa trong ngành dịch vụ logistics có thể cạnh tranh với khối ngoại từ chính lợi thế quỹ đất.

 

Các doanh nghiệp logistics nội đã bắt đầu khai thác tối đa lợi thế này và ngành logistics đang chứng kiến một xu thế hợp tác mới giữa khối nội và khối ngoại: kết hợp giữa người có kinh nghiệm, năng lực tài chính và mạng lưới rộng lớn với người nắm giữ lợi thế về kho bãi và nhà xưởng.

 

Mới đây, một chủ đầu tư kho bãi trong nước là Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông và Cơ giới (HTM) đã khánh thành khu nhà xưởng cho thuê Hải Thành giai đoạn 1 tại Hải Phòng có vốn đầu tư lên tới 25 triệu USD. Một trong những khách hàng lớn đã thuê một phần diện tích khu nhà xưởng và trung tâm kho vận này là nhà cung cấp dịch vụ vận tải, kho vận toàn cầu Damco, thuộc Tập đoàn Maersk, nhằm hỗ trợ các khách hàng trong ngành bán lẻ và may mặc có nguồn cung cấp chủ yếu đặt tại những khu vực lân cận.

 

Thông tin từ HTM cho hay, ngoài Damco, 4 khách hàng nước ngoài khác là Công ty Platinum Việt Nam Inter World, Công ty Yoshino Việt Nam, Công ty Jika Jika và Công ty Caitac-Nisshin Việt Nam cũng đã ký hợp đồng thuê nhà xưởng tại đây.

 

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Damco đã đưa vào vận hành một trung tâm kho vận đa năng hiện đại rộng 26.000 m2 tại tỉnh Bình Dương từ năm 2011. Damco cũng hiện đang quản lý gần 56.000 m2 diện tích trung tâm phân phối tại các cửa ngõ trọng yếu khắp đất nước, với các trung tâm phía Nam đặt tại TP.HCM, Bình Dương, miền Trung đặt tại Đà Nẵng và miền Bắc đặt tại Hà Nội và Hải Phòng.

 

Việc thuê kho bãi của HTM là một bước đi mới của doanh nghiệp này trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực phía Bắc. Ông Marco Civardi, Tổng Giám đốc Điều hành Damco khu vực Việt Nam và Campuchia, cho biết mô hình hợp tác này của Damco và HTM là tiền đề để hai bên có thể cùng hợp tác phát triển những dự án về sau nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng tại khu vực phía Bắc.

 

Trong khi đó, ông Đào Mạnh Sến, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty HTM cho biết HTM và Damco đang hướng tới việc phát triển thêm hệ thống kho vận tại các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Về lĩnh vực đầu tư cảng biển Damco cũng đang nghiên cứu để hợp tác với HTM trong dự án Đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống cầu cảng 20.000 DWT tại khu vực cảng Đình Vũ Hải Phòng.

 

… cùng chia bánh

 

Theo ông Đoàn Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kizuna, vừa đầu tư khu nhà xưởng xây sẵn đầu tiên tại Long An, thị trường nhà xưởng xây sẵn đang có nhiều tiềm năng do số lượng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều.

 

“Đầu tư xây dựng nhà xưởng xây sẵn cho thuê đòi hỏi phải có vốn ban đầu lớn, chưa kể thời gian thu hồi vốn nhanh nhất cũng đến 10 năm nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để tham gia”, ông Đoàn Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Kizuna, vừa đầu tư khu nhà xưởng xây sẵn đầu tiên tại Long An, cho biết.

 

Theo ông, chi phí đầu tư hạ tầng rồi cho thuê đất tại khu vực giáp ranh TP.HCM hiện nay khoảng 65 USD/m2, nhưng nếu đầu tư nhà xưởng chưa kể hạ tầng phải mất tới 400 USD/m2. “Để xây dựng 30 nhà xưởng với quy mô 500-1.500 m2 (tổng cộng 24.000 m2), chúng tôi phải đầu tư hết 180 tỉ đồng”.

 

Tuy nhiên, ông cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nhà xưởng xây sẵn. Dự kiến đến năm 2017, Kizuna sẽ cung cấp ra thị trường một loạt nhà xưởng xây sẵn với tổng diện tích lên đến 100.000 m2.

 

Chia sẻ nhận định này, ông Trần Tấn Sĩ, Giám đốc Kinh doanh Khu công nghiệp Long Hậu (Long An) cho biết, Long Hậu đã tiến hành xây dựng khu nhà xưởng xây sẵn đầu tiên với diện tích 4.000 m2 từ năm 2010 và xác định các nhà đầu tư nước ngoài với quy mô vừa và nhỏ là khách hàng mục tiêu.

 

Kết quả đã vượt mức kỳ vọng khi khu nhà xưởng này nhanh chóng được lấp đầy chỉ trong vòng vài tháng. Sau đó, Long Hậu quyết định đầu tư thêm gần 32.000 m2 nhà xưởng xây sẵn và đã được khánh thành vào đầu năm 2012.

 

“Hiện chúng tôi đã lấp đầy 100% diện tích khu nhà xưởng xây sẵn với 32 nhà đầu tư, trong đó có 26 nhà đầu tư Nhật Bản và các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Hồng Kông”, ông Sĩ cho biết.

 

Logistisc tiếp tục hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng 25%/năm. Và có vẻ như các doanh nghiệp nội chuyên nghiệp và trường vốn đã tìm ra phương án hiệu quả để bắt tay với các ông lớn logistics của thế giới cùng nắm thị trường này.

 

Theo NCĐT