Làn sóng già hóa dân số và sự tác động đến kinh tế thế giới

03/07/2014 10:24

Làn sóng già hóa dân số và sự tác động đến kinh tế thế giới


Một nửa dân số thế giới đang già hóa và một thế hệ người già sẽ được ví như "cơn sóng thần màu xám" thay đổi nền kinh tế toàn cầu.


Tỷ lệ dân số già tăng

Trong thế kỷ hiện tại, tỷ lệ sinh đã giảm dần đồng thời số lượng người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 năm. Sự chuyển dịch cơ cấu dân số này đủ để định hình lại nền kinh tế thế giới. Theo dự báo dân số của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 600 triệu người trong độ tuổi 65 trở lên, chiếm khoảng 8% tổng dân số. Tuy nhiên, vào năm 2035, sẽ có hơn 1,1 tỷ người ở độ tuổi trên 65, chiếm khoảng 13% dân số thế giới.

Đây là hệ quả tự nhiên của tỷ lệ sinh giảm khiến tăng trưởng dân số chậm lại và "tỷ lệ người già phụ thuộc" sẽ tăng nhanh hơn.

Năm 2010, trong 100 người, có 16 người tuổi từ 65 trở lên. Đến năm 2035, Liên Hiệp Quốc dự báo số lượng này sẽ tăng lên 26.

Ở các nước giàu, con số này còn cao hơn nhiều: Nhật Bản sẽ có 69 người già trong 100 người độ tuổi lao động vào năm 2035, Đức là 66 người và Mỹ là 44 người. Trong cùng thời gian, tỷ lệ phụ thuộc tại Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, từ 15 lên 36 người.

Tỷ lệ sinh giảm mạnh cũng xảy ra tương tự ở các nước đang phát triển khác như Brazil, Mexico, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á. "Lão hóa đang diễn ra gần như khắp nơi, và diễn ra nhanh hơn so với nhiều người nghĩ. Nếu chính phủ không có biện pháp khắc phục, chúng ta có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới - khủng hoảng dân số”, Babatunde Ostimehin, Giám đốc Điều hành của chương trình dân số của Liên Hiệp Quốc, nói.

Thông thường, nhân khẩu học ảnh hưởng đến nền kinh tế theo các tiêu chí: thay đổi quy mô lực lượng lao động; thay đổi trong tỷ lệ tăng trưởng năng suất; và những thay đổi trong mô hình tiết kiệm.

Amlan Roy, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Credit Suisse, đã tính toán rằng sự rút ngắn dân số trong độ tuổi lao động kéo tăng trưởng GDP của Nhật Bản trung bình chỉ hơn 0,6 điểm phần trăm một năm từ năm 2000 đến năm 2013, và trong bốn năm tiếp theo sẽ tăng lên 1 điểm phần trăm một năm.

Sự thu hẹp lực lượng lao động có thể làm giảm tăng trưởng GDP của kinh tế Đức gần một nửa điểm. Ở Mỹ, theo các giả định tương tự, thế hệ "baby boomer" nghỉ hưu sẽ khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm 0,7 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, mặc dù dân số già đi nhưng tại nhiều nước đang phát triển, quy mô lực lượng lao động không biến động nhiều.

Một phân tích số liệu từ 43 quốc gia giàu có của các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard cho thấy, từ năm 1965 đến năm 2005, tuổi nghỉ hưu trung bình tại các nước phát triển đã tăng khoảng 6 tháng, và tuổi thọ nam giới tăng trung bình 9 tuổi. Gần 20% người Mỹ trong độ tuổi trên 65 đang trong lực lượng lao động, so với 13% vào năm 2000. Gần một nửa số người Đức trong độ tuổi 60 đang làm việc, so với một phần tư một thập kỷ trước.

Xu hướng này một phần do các chính phủ nợ nần ở châu Âu đã cắt giảm lương hưu và tăng tuổi nghỉ hưu. Nhưng một yếu tố quan trọng hơn giúp lực lượng lao động thế giới ổn định là giáo dục, vì giáo dục tốt hơn giúp khả năng làm việc lâu hơn. Theo Viện Brookings, ở Mỹ chỉ có 32% sinh viên tốt nghiệp trung học trong lực lượng lao động độ tuổi từ 62 và 74. Trong khi đó, đối với những người có học vấn cao hơn, con số này là 65%.

 

 

Dịch chuyển dần cơ cấu kinh tế thế giới

Một lực lượng lao động nhỏ hơn sẽ không làm giảm tăng trưởng với điều kiện năng suất phải được tăng lên. Nhiều nghiên cứu đều cho thấy khả năng nhận thức và khả năng lao động suy giảm theo tuổi tác.

Các nhà tư tưởng người Pháp đặt ra thuật ngữ "thế giới thứ ba", lo lắng rằng thế giới sẽ trở thành "một xã hội của những người già”, sống trong ngôi nhà cổ, suy đi nghĩ lại về những ý tưởng cũ.

Tăng trưởng năng suất của Nhật Bản giảm mạnh trong những năm 1990 khi dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu thu nhỏ; hiệu suất của kinh tế Đức đã trở thành mờ nhạt như dân số già nua của quốc gia này. Nhưng tăng trưởng chậm lại của Nhật cũng có thể được gán cho nguyên nhân bong bóng tài sản và sự suy yếu năng suất kinh tế Đức bắt nguồn từ nỗ lực cải cách nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Thực tế, cả hai quốc gia lão hóa này lại có điểm số ấn tượng về đổi mới trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Sự thiếu hụt về số lượng lao động lại là động lực của các phát minh ra công nghệ, cũng như các công ty Nhật Bản đang tiên phong sử dụng robot trong các nhà máy cũng như các dịch vụ chăm sóc người già.

Mặc dù vậy, xã hội lão hóa đang tác động tới kinh tế thế giới theo nhiều cách khác nhau. Ít công nhân hơn có nghĩa là nền kinh tế cần ít đầu tư hơn. Những người già nhiều hơn người trẻ có thể dẫn đến sự thay đổi cơ cấu sản xuất. Người già ít quan tâm đến các đầu tư như sản xuất, bất động sản, thay vào đó là chăm sóc sức khỏe hoặc du lịch...

Quyết định ngân sách của nhiều chính phủ gần đây cũng phản ánh những ưu tiên của sự lão hóa. Cải cách trợ cấp hằng năm ở Anh tăng quyền tự do của người dân để chi tiêu lương hưu; ngân sách của Mỹ giảm chi tiêu cho giới trẻ và người nghèo trong khi chú ý nhiều hơn đến chi tiêu y tế...

Các chính phủ trên toàn thế giới (đặc biệt là ở châu Âu) đều cắt giảm những lời hứa về lương hưu nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách. Dự báo mới nhất của Ủy ban Châu Âu đề nghị tổng chi tiêu lương hưu trong EU sẽ giảm 0,1% GDP từ năm 2010 đến năm 2020, trước khi tăng 0,6% trong thập kỷ tiếp theo.

Một số quốc gia đang phát triển xây dựng nền kinh tế dựa trên nguồn cung cấp dồi dào của những lao động trẻ tuổi đã phải xem xét lại các kế hoạch tăng trưởng. Lực lượng lao động Trung Quốc đã giảm 2,45 triệu người vào năm 2013, buộc Bắc Kinh phải xem xét lại chính sách một con và nới lỏng các chính sách cho phép người nhập cư đến các thành phố lớn làm việc để tăng hiệu suất lao động.

 

Theo Doanh Nhân Sài Gòn