Làm ăn với Nhật: Cơ hội rất lớn của ngư dân Việt

09/08/2014 09:21

Làm ăn với Nhật: Cơ hội rất lớn của ngư dân Việt


Chuyên gia hàng hải nhận định ngư dân Việt không hề thua kém ngư dân Nhật Bản, và việc làm ăn với công ty Yanmar sẽ là cơ hội rất tốt.


Cơ hội rất lớn cho Việt Nam

Hiện tại, công ty Yanmar của Nhật Bản có dự án hợp tác với ngư dân Việt Nam tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa trong việc khai thác cá ngừ đại dương. Theo đó, phía Nhật Bản sẽ trang bị 180 tàu cá composit hiện đại, tiết kiệm 30% nhiên liệu, rút ngắn thời gian đi biển, công nghệ hiện đại, đảm bảo cho sản phẩm đánh bắt được có chất lượng cao nhất.

Đồng thời, đầu ra của sản phẩm sẽ được Nhật Bản bao thầu với giá cao gấp gần 3 lần với giá hiện tại. Nhật Bản còn tổ chức chương trình đào tạo cho ngư dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không phải số lượng. Về giá trị con tàu, công ty Yanmar sẽ đầu tư hỗ trợ 50%, 50% còn lại sẽ do ngư dân Việt cổ phần và đứng tên làm chủ con tàu.

 

Chiếc tàu đầu tiên do công ty Yanmar hợp tác với Việt Nam đóng chạy thử trên biển Khánh Hòa. (Ảnh: TTO)

Nhận định về dự án này giữa ngư dân Việt và công ty Nhật, báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học Biển TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME). Ông Đỗ Thái Bình nhận định:

“Trước hết cần phải biết về công ty Yanmar của Nhật Bản. Đây là một trong những đối tác lâu đời nhất, gắn bó chặt chẽ nhất với nghề biển của Việt Nam. Từ những năm 60 của thế kỷ 20, khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam có quyết định hiện đại hóa ngư nghiệp thì Yanmar đã là công ty đầu tiên hợp tác làm ăn. Cho đến nay, ngư dân Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng máy móc của công ty này trên các con tàu vỏ gỗ của họ.

Yanmar có một lịch sử hợp tác lâu đời với nước ta, hiểu ngư dân Việt Nam đang có gì và cần gì. Hơn nữa, đây cũng là một tập đoàn lớn, có thể hiểu nôm na như Honda trên biển vậy. Có thể thấy đây là một cơ hội rất tốt, một vận may hiếm có khi có sự hợp tác và hỗ trợ nhiệt tình như vậy từ phía Nhật Bản.

Vì sao tôi nói đó là một cơ hội tốt? Bởi Nhật Bản không đi tay không để làm ăn với chúng ta, họ hỗ trợ tiền đóng tàu, mang công nghệ được kiểm nghiệm từ nước họ tới, và hơn nữa là họ đào tạo cho ngư dân Việt Nam quen với cách tư duy ưu tiên chất lượng.”

 

Ngư dân Việt không thua kém ngư dân Nhật Bản

Trong dự án này, người Nhật sẽ đào tạo cho ngư dân Việt Nam để thích ứng nhất với công nghệ sản xuất hiện đại, trước băn khoăn liệu ngư dân Việt có thua kém quá xa ngư dân Nhật Bản về kiến thức cũng như khả năng kỹ thuật hay không, Kỹ sư Bình cho rằng sẽ không có khoảng cách nào ở đây và Việt Nam hoàn toàn có thể bắt nhịp được.

“Theo tôi thì ngư dân Việt Nam không hề thua kém ngư dân Nhật Bản, về trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm đi biển. Thậm chí người Việt Nam còn có những tư chất rất tốt như sự ứng biến, thích ứng, thông minh, và còn có chút gì đó láu cá. Tuy nhiên, điểm yếu của ngư dân Việt so với người Nhật là tính kỷ luật trong công việc. Vì thế, nếu thực sự quyết tâm, tôi tin người Việt Nam sẽ nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật và chương trình đào tạo của phía công ty Yanmar.

Còn về cách người nhật đào tạo, theo tôi biết họ sẽ tổ chức một tổ đội để đào tạo mẫu, đưa đi đánh bắt thí điểm, rồi từ đó sẽ nhân rộng. Cách đào tạo của họ là thực tế, thực tiễn, cầm tay chỉ việc và lớp lang bài bản, khoa học.” – ông Bình cho biết.

 

Điều quan trọng là tạo dựng lòng tin

Được biết, giá tàu mà Yanmar đưa ra là 6 tỷ VNĐ, trong đó họ hỗ trợ ngư dân 50%, số còn lại ngư dân góp cổ phần và được đứng tên con tàu, tức là làm chủ phương tiện đó. Đánh giá về việc này, ông Đỗ Thái Bình nhận định:

“Tôi có tìm hiểu về con tàu làm bằng composite của Nhật Bản, cùng với sự tham gia của các bên như Công ty Tư vấn và đóng tàu Việt - Nhật, Trường đại học Nha Trang, Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy Nha Trang… Theo tôi giá 6 tỷ là một cái giá hợp lý cho một chiếc tàu với tiêu chuẩn của Nhật Bản.

 

Hợp tác với Nhật Bản là một cơ hội rất lớn với ngư dân Việt Nam (Ảnh: TTO)

 

Đồng thời với cách làm hỗ trợ vốn ban đầu của Yanmar, ngư dân Việt Nam sẽ dễ dàng sở hữu được thiết bị này hơn. Hiện nhà nước đang nghiên cứu về 10.000 tỷ cho ngư dân vay đóng tàu vỏ thép, so mẫu tàu đó với tàu bằng composite của Nhật Bản thì mỗi loại có một ưu điểm riêng, hạn chế riêng.”

Để dự án này được thành công, ông Bình cho rằng: “Đây là một sự hợp tác làm ăn bình thường giữa một công ty nước ngoài và nguồn nhân lực địa phương, tuy nhiên, nó phù hợp với chiến lược biển của cả Nhật Bản và Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đang có một cơ hội tốt, không chỉ với nghề đánh cá ngừ hay ngư nghiệp, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác sau này ở nhiều lĩnh vực khác.

Vì thế, điều quan trọng là chúng ta cần phải có một thái độ thực sự cầu thị, nghiêm túc, tạo dựng lòng tin giữa hai bên, có thể hiểu đơn giản là chúng ta đang giữ chữ tin trong kinh doanh vậy.”

 

Theo Báo Đất Việt