Kỹ sư nên khởi nghiệp như thế nào trong thời đại công nghệ hiện nay?
05/07/2014 01:14
Nhiều quan niệm cho rằng chỉ những người học và làm ở lĩnh vực Quản trị kinh doanh mới có khả năng khởi nghiệp. Thế nhưng, theo một khảo sát thì có tới 23% các CEO trong top 500 công ty lớn nhất khởi nghiệp từ ngành kỹ thuật, công nghệ hay IT. Nhà sáng lập các công ty công nghệ, thường xuất thân chủ yếu từ những người làm kĩ thuật thuần túy.
Kỹ sư là những người có tiềm năng và lợi thế rất lớn để khởi nghiệp trong tương lai. Những người khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam luôn có số lượng lớn hơn các lĩnh vực khác.
Song tỉ lệ thất bại sau hai năm lại cao hơn hẳn. Khởi nghiệp công nghệ không cần quá nhiều vốn, nhân lực, thị trường lại dễ tiếp cận. Vì vậy, tỷ lệ người tham gia và cạnh tranh rất cao. Nếu không muốn bị đào thải trong thị trường này thì sinh viên hay những kỹ sư phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng và kinh nghiệm
Anh Hoàng Linh – Phó Chủ tịch Đối ngoại Mạng lưới Khởi Nghiệp Trẻ Việt Nam (VYE) đã có những chia sẻ để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ.
Điều quan trọng nhất để thành công đó là khởi nghiệp phải bắt nguồn từ chính đam mê của bản thân. Người khởi nghiệp phải có đam mê đủ lớn để theo đuổi lĩnh vực công nghệ mà mình yêu thích.
Tỷ lệ thành công khi khởi nghiệp công nghệ thường chỉ chiếm tỷ lệ từ 1-2 % bởi người khởi nghiệp không vượt qua được khó khăn, gian khổ cũng như sự hài lòng về tiền bạc. Anh Trần Nguyễn Lê Văn – CEO của VeXeRe.Com hệ thống vé xe lớn nhất Việt Nam là một ví dụ điển hình cho khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ hai, người khởi nghiệp nên chia sẻ ý tưởng của mình cho những người bạn có cùng đam mê và lý tưởng. Khi ý tưởng được đưa ra để mọi người cùng bàn bạc, đánh giá thì bạn dễ dàng tìm ra những ưu và nhược điểm của mình.
Thứ ba, khởi nghiệp chỉ thành công khi người khởi nghiệp có một nhóm làm việc tốt. Bạn không thể khởi nghiệp một mình khi không có sự giúp đỡ của một nhóm bạn có cùng đam mê và ý tưởng. Có thể sản phẩm tốt nhưng lại không có một nhóm tốt thì người khởi nghiệp sẽ thất bại. Đó là bài học được rút ra từ các doanh nghiệp ở trong nước. Chính vì thế, kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng đối với những người bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ tư, thành công phải bắt đầu từ sự thất bại. Có thất bại thì mới có thành công. Thực tế đã chứng minh điều đó. Cứ 10.000 công ty đứng ra khởi nghiệp chỉ có 1-2 công ty có tỷ lệ khởi nghiệp cao. Vì vậy, khi người khởi nghiệp thất bại trong các năm đầu tiên thì nên lấy thất bại làm kinh nghiệm cho những lần khởi nghiệp kế tiếp.
Cuối cùng, người khởi nghiệp phải lên một kế hoạch cho tất cả các mục. Tuy nhiên, kế hoạch không cần quá chi tiết. Sau 1- 2 năm phải điều tra xu hướng của thị trường để lên kế hoạch mới phù hợp hơn. Kế hoạch không cần lâu dài nhưng phải định hướng được thị trường.
Buổi chia sẻ nằm trong chương trình “Giới trẻ và khởi nghiệp” – chuỗi chương trình Techcamp Sài Gòn Uni 2014 được tổ chức vào ngày 21.6 tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Chương trình là sự kết hợp giữa VYE và Ban tổ chức chương trình Techcamp Sài Gòn Uni nhằm mang lại cho sinh viên công nghệ những góc nhìn mới.
Ngoài ra, trong chương trình còn có các trò chơi về khởi nghiệp được tổ chức tại các gian hàng VYE nhằm giúp sinh viên tiếp cận môi trường khởi nghiệp một cách trực quan và sinh động hơn.
Theo Doanh nhân thành đạt