Không có doanh nghiệp bán lẻ nào địch nổi AEON
27/08/2014 10:18
Mô hình mang tên Mori (phục vụ các gia đình mua sắm) mà AEON chọn để phát triển ở Việt Nam chắc chắn không có doanh nghiệp bán lẻ nào có thể so sánh được.
Với tổng vốn hơn 500 triệu USD rót vào Việt Nam tính đến thời điểm này cho 3 TTTM (Tân Phú, TP.HCM), Bình Dương (10/2014) và Long Biên (Hà Nội) (2015), trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử, ông Yukio Konishi Chủ tịch, Tổng giám đốc AEON Mall Việt Nam đang rất tự tin vào khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác.
Sau 1 thời gian hoạt động tại TP.HCM, kết quả có đạt như các ông kỳ vọng?
Đối với AEON Mall ở Tân Phú – TP.HCM, lượng khách đến với chúng tôi đã cao hơn dự kiến và doanh thu đạt được như với kế hoạch đề ra. Kết hợp với rất nhiều chỉ số, trượt giá tiền đồng, lương người Việt Nam ngày càng tăng lên … chúng tôi đặt mức tăng trưởng doanh thu 20%/năm.
Còn Hà Nội nằm trong kế hoạch phát triển trong cả thị trường Việt Nam của AEON. Trong kế hoạch của chúng tôi, Hà Nội và TP.HCM sẽ có 10 TTTM, mỗi thành phố là 5 TTTM. Sau 5 năm nữa, sau khi độ phủ đầy ở hai thành phố này, chúng tôi sẽ đến Đà Nẵng.
Việc mặt bằng có là thách thức với AEON?
Việc này không khó vì mục tiêu của chúng tôi không phải phát triển các TTTM rộng trong thành phố mà ở ngoại ô, diện tích trung bình cho mỗi TTTM của AEON rộng khoảng 10ha.
Với Việt Nam, chúng tôi nhận thấy nội thành đã quá đông đúc, với nhiều siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi do người Việt Nam làm chủ. Hơn nữa, sau này khi kinh tế phát triển, người Việt Nam sẽ sử dụng phương tiện ô tô nhiều hơn nên chúng tôi mong muốn xây dựng TTTM ngoài thành phố mà người Việt Nam có thể đi xe ô tô mất khoảng 20 – 30 phút.
Ở Nhật Bản, riêng công ty AEON của chúng tôi phát triển 130 TTTM, chưa kể các doanh nghiệp bán lẻ khác, thực tế Việt Nam con số vẫn còn rất ít.
Vừa rồi Metro Cash & Carry Việt Nam bán cho nhà bán lẻ của Thái Lan có thể là bằng chứng cho thấy việc các nhà bán lẻ ngoại khó sống bền ở thị trường này? Đối với AEON ông có suy tính gì?
Thương vụ đó đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, cả ở tích cực và tiêu cực đối với thị trường bán lẻ Việt Nam đang có độ hội nhập cao. Tôi không bình luận gì nhiều về thương vụ đó mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, AEON hoặc LOTTEMart đã cam kết đầu tư phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Việc kinh doanh của chúng tôi đều liên quan đến cái thiết thực nhất cho cuộc sống hàng ngày của người dân nên tiềm năng về cung – cầu vẫn rất lớn.
Ở Việt Nam hiện tại chắc chắn không có doanh nghiệp bán lẻ nào có thể so sánh với chúng tôi được. Chúng tôi có hai mảng: TTTM - bán lẻ và Đại siêu thị. Ở mảng Đại siêu thị sẽ giống như Big C hay LOTTEMart.. là nơi trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, còn TTTM chúng tôi sẽ xây dựng dịch vụ rất hữu ích mà hiện tại ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào làm được như thế.
Ở Nhật, AEON có thực hiện chiến lược chuỗi bán lẻ tổng hợp, bao gồm: TTTM Kaze (phục vụ đối tượng teen, Outlet (chuyên hàng giảm giá) và Mori (phục vụ các gia đình mua sắm).
Tại Việt Nam, chúng tôi chọn mô hình Mori. Chúng tôi sẽ hướng tới dịch vụ dành cho các gia đình đến mua sắm, vui chơi vào dịp cuối tuần. Về sản phẩm, chúng tôi chú trọng vào thực phẩm tươi ngon và chất lượng nhất. Đó là tất cả những gì chúng tôi quan tâm và thực hiện.
Còn về mục tiêu doanh số thì sao, thưa ông?
Chúng tôi xác định yếu tố khi đầu tư vào bất cứ một thị trường nào là có bao nhiêu người đến với chúng tôi mới là quan trọng chứ không phải là doanh thu. Để đạt được doanh thu mong muốn, khả năng sinh lời tương xứng thì cần tầm nhìn lâu dài. Có thể, chúng tôi không nhất thiết phải đạt doanh thu kỳ vọng ngay từ đầu mà chỉ mong nó sẽ đi theo từng bước đúng như kế hoạch mà thôi.
Vậy tỷ lệ hàng Việt Nam và hàng Nhật Bản trong AEON sẽ là bao nhiêu?
Hàng Việt Nam sẽ chiếm khoảng 50%. Tôi chắc sản phẩm ở tỷ lệ còn lại được sản xuất ở Nhật Bản mà sẽ được nhập từ nhiều quốc gia nhưng do các công ty Nhật đứng ra để quản lý chất lượng, kiểm soát quy trình vận chuyển đến Việt Nam. Thực tế các TTTM hay đại siêu thị ở Nhật thì % sản phẩm sản xuất tại Nhật chắc chỉ chiếm 1% thôi, hầu như sản xuất ở nước khác và chịu sự quản lý của các công ty Nhật.
Các nhà cung cấp Việt Nam cần đáp ứng tiêu chí gì để AEON nhập hàng?
Khi chúng tôi làm việc nhập hàng thì các sản phẩm đều có điều kiện nhất định, mỗi bên cung cấp hàng hóa cũng cần cung cấp chứng nhận nhất định cho chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đến doanh nghiệp đó, địa phương đó thăm cơ sở và tận mắt kiểm tra quy trình sản xuất và chất lượng của sản phẩm, quy mô thị trường họ cung cấp.
Như vậy có thể nói mọi hoạt động của AEON ở Việt Nam rất trơn tru?
Không thể nói thế được. Đối với lĩnh vực bán lẻ, hàng ngày chúng tôi gặp nhiều khó khăn như thủ tục xin cấp phép, xin đất, đặc biệt việc nhập hàng Nhật về Việt Nam vướng nhiều khâu liên quan đến thuế , hải quan… nhưng chúng tôi cố gắng giải quyết từng việc.
Theo tôi, giá thuê đất ở Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực ASEAN, khi chúng tôi đầu tư vào đây, chúng tôi sẽ phải mất khoản tiền lớn dành cho việc trả phí thuê đất.
Ngoài ra, về cơ sở hạ tầng, đường xá để đi lại cần phải mở rộng hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngoại thành của người dân.
Theo Báo Đầu Tư