Khởi nghiệp: Nhiệt huyết và sự cầu thị

06/12/2014 11:48

Khởi nghiệp: Nhiệt huyết và sự cầu thị


Có lẽ hầu hết những người khởi nghiệp mà tôi gặp đều là những người đầy nhiệt huyết. Họ đều rất đặc biệt và có niềm tin lớn lao về sự thành công của mình. Câu chuyện của họ luôn tạo ra nguồn cảm hứng thật mạnh mẽ.


Nếu nói theo cách riêng của mình, tôi đương nhiên thích nghe câu chuyện mà họ muốn kể về sự thành công của công việc kinh doanh của họ, về sức hấp dẫn trong công việc mà họ đang muốn làm. Nhưng đứng ở vai trò của nhà đầu tư tôi lại càng muốn nghe nhiều hơn về câu chuyện mà họ không muốn nhắc tới. Tại sao ư? Với tôi, thực tế thương trường còn khắt khe hơn cả những người khe khắt nhất. Thực tế là cho dù dự án của anh được xây dựng, được trù tính hoàn hảo đến đâu chăng nữa, luôn luôn có những rủi ro tiềm tàng. Bởi vậy trên thế giới có hàng triệu công ty nhưng những công ty thành công chỉ chiếm phần rất nhỏ.

 

 

Khi quan sát các cuộc thi khởi nghiệp, tôi thấy có một thực tế rất thú vị về cách phần lớn người khởi nghiệp đối diện với những vấn đề thực tế mà các vị giám khảo đưa ra. Tại các cuộc thi như vậy ta thường thấy một ban giám khảo gồm những vị có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn, còn những ứng viên khởi nghiệp thì thường rất trẻ. Sau phần trình bày ý tưởng của các ứng viên thường đến phần hỏi đáp giữa ban giám khảo và ứng viên. Do đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên các câu hỏi của các vị giám khảo thường rất sát thực và gây go. (Tôi tin đôi khi chính các vị giám khảo đó cũng từng hoặc đang đối mặt với vấn đề mà họ đang đặt câu hỏi). Có khi có vị còn cho ý kiến về những mặt được và chưa được trong ý tưởng của thí sinh nữa.

 

Tiếc thay, phần lớn những câu trả lời cho những tình huống này đều là “vấn đề khó khăn đó có thể được chinh phục với quyết tâm và niềm tin của ứng viên và đội ngũ của mình”. Đó thực sự là câu trả lời thiếu tính thuyết phục và gây thất vọng. Người đặt câu hỏi mong tìm được một giải pháp hơn là quyết tâm và niềm tin đơn thuần.

 

Những ứng viên của những cuộc thi trên, những người khởi nghiệp hay sắp khởi nghiệp hoàn toàn có thể giành được sự tôn trọng lớn hơn ngay tại các cuộc thi đó, nếu họ dám dũng cảm thừa nhận là có cái mình không biết hết. Không những thế - và thậm chí còn quan trọng hơn cả những giải thưởng trong những cuộc thi như vậy, trên hành trình triển khai ý tưởng của bạn vào trong thực tế, thái độ cầu thị và sẵn sàng tiếp thu những nhận xét (dù có) gay gắt của người khác về những gì bạn đã làm, đang làm và sẽ làm, chính là một tài sản quan trọng mà bạn may mắn có được. Những người khen bạn có thể cho bạn thêm động lực, nhưng những người đem lại những ý kiến trái chiều chính là những “thiên thần” thực thụ khi họ cho bạn thấy có những ngóc ngách khó khăn mà bạn quên chưa nghĩ tới. Và nếu họ nằm trong phân khúc khách hàng tiềm năng của bạn, thì rõ ràng họ đang cho bạn biết trước một kết quả, trước khi bạn phải tự mình trải nghiệm một cách vất vả để hiểu được điều họ muốn nói.

 

Cách tiếp cận vấn đề bằng sự cầu thị như vậy thật sự đem lại hiệu quả đáng kể. Không chỉ cho nhà đầu tư mà cho chính cả người muốn khởi nghiệp. Việc nhận diện rõ hơn và sâu hơn về nhiều vấn đến mà một dự án khởi nghiệp phải đối mặt sẽ dẫn đến một thái độ và phương án xử lý tốt hơn cho họ và cho số tiền mà cả hai phía cùng bỏ ra cho dự án đó. Đôi khi điều đó còn có ý nghĩa là nhà đầu tư sẽ không đầu tư và dự án sẽ không được khởi động, nhưng điều đó không hẳn là xấu đâu nhé. Steve Jobs từng nói: “Thực ra tôi tự hào về những điều chúng tôi chưa làm cũng nhiều như những điều chúng tôi đã làm. Sáng tạo là nói không với cả ngàn thứ”.

 

Không thể sống mà không có nhiệt huyết, nhưng chắc chắn bạn hãy rèn luyện cho mình một thói quen quan trọng là biết lắng nghe ý kiến trái chiều từ người khác. Cho dù ý kiến đó có thể đến với bạn cách nào đi nữa (hoặc là dễ nghe hoặc là khó nghe), nếu nó thực sự có ích cho bạn thì nó cũng đáng giá như những lời động viên. Bạn cũng nên tìm cho mình những người bạn, hay những bậc đàn anh có óc quan sát và phân tích tốt mà bạn có thể chia sẽ cho họ về những ý tưởng của bạn và tìm ở họ những lời phản biện sắc sảo. Nhiệt huyết có thể giúp bạn khởi động mạnh mẽ và sự cầu thị sẽ giúp đứa con khởi nghiệp của bạn đi xa đấy.

 

“Một người nói hay không bằng một người nghe giỏi” – ngạn ngữ Trung Hoa.

 

Hiệp Đỗ - Cựu Phó tổng giám đốc IDGVV, hiện đang phụ trách dự án USR

Theo Forbes