Khi nào nên từ bỏ việc kinh doanh?

20/12/2014 03:25

Khi nào nên từ bỏ việc kinh doanh?


Kinh doanh là một hoạt động của con người, nhằm mục đích đạt lợi nhuận. Nhưng không giống nhiều hoạt động nhằm kiếm tiền khác, nghề kinh doanh đòi hỏi người ta phải đầu tư không chỉ tài chính, công sức, mà còn cả tâm trí, thậm chí đôi khi phải hy sinh cuộc sống cá nhân cho nó.


Vì vậy, chuyện từ bỏ việc kinh doanh, nhất là khi nó đang được vận hành ổn định, là điều ít ai nhắc tới.

Tuy nhiên, theo J.D. Roth - người sáng lập, biên tập viên của website tài chính cá nhân getrichslowly.org, việc nhận ra thời điểm thích hợp để từ bỏ việc kinh doanh là điều các doanh nhân rất nên quan tâm.

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, J.D. Roth đã có bài viết chia sẻ trên trang Enterpreneur như sau:

"Sau khi điều hành dự án kinh doanh của mình được vài năm, tôi quyết định bán lại nó vào năm 2009 để lấy một khoản tiền kha khá. Điều này đồng nghĩa với việc tôi chấp nhận từ bỏ giấc mộng kinh doanh của mình. Quyết định đó đúng hay sai?

Chúng ta thường được dạy rằng, “người thành công thì không từ bỏ, và người từ bỏ thì không bao giờ thành công”. Nhưng thực tế cuộc sống thường không đơn giản như những bài học trên sách vở.

“Có những trường hợp, việc từ bỏ chính là quyết định đúng đắn nhất”, Ramit Sethi - nhà kinh doanh và người sáng lập website IWillTeachYouToBeRich.com - đã từng nói.

Sethi nhấn mạnh: “Để có đủ quyết tâm từ bỏ, bạn cần phải thật sự can đảm. Làm tất cả mọi thứ để thành công rất quan trọng, nhưng những người thành công nhất thường là những người biết từ bỏ đúng lúc”.

Trong vài trường hợp, quyết định này rất dễ dàng. Nếu công ty của bạn đang kinh doanh thất bại và gần như không thể cứu vãn nữa, bạn sẽ có đủ động lực để “giải thoát” nó. Tuy nhiên, thường thì những dấu hiệu cảnh báo được thể hiện rất mơ hồ.

“Điều tồi tệ nhất là bị mắc kẹt trong một công việc kinh doanh không thất bại nhưng cũng không thành công”, Sethi nói, “Dĩ nhiên bạn muốn công ty thành công, nhưng bạn cũng muốn nó thất bại nhanh hơn để bạn có thể dễ dàng từ bỏ và bắt đầu một cái gì đó mới mẻ”.

Sethi khuyên bạn nên tự hỏi bản thân mình một câu hỏi đơn giản: Nếu bạn được biết trước những gì đang xảy ra vào thời điểm này, bạn có bắt đầu việc kinh doanh này không? Nếu câu trả lời là không, thì đây chính xác là thời điểm nên từ bỏ rồi.

Bởi vì việc kinh doanh phải mang lại sự hứng khởi và sự trưởng thành cho bạn và những cộng sự, đó chính là lý do để duy trì nó. Nếu bạn chỉ đơn giản làm vì tiền thì có khi không những việc kinh doanh mà cả các mối quan hệ của bạn, sức khỏe của bạn cũng trở nên xấu đi. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn nên từ bỏ nó và cải thiện lại cuộc sống của mình.

Sau khi từ bỏ công ty cũ, tôi giảm được hơn 20kg cân nặng, học thêm được tiếng Tây Ban Nha và tận hưởng những chuyến du lịch một cách thoải mái. Nói cách khác, tôi bắt đầu sống một cuộc sống mình thích, chứ không phải cuộc sống mà tôi ép mình phải chịu đựng khi tiến hành công việc kinh doanh trong quá khứ.

Rahim Fazal thành lập công ty nền tảng tiếp thị xã hội Involver vào năm 2007. 5 năm sau đó, ông quyết định từ bỏ nó (công ty được thu lại bởi Oracle). Mặc dù quyết định này không dễ dàng gì, nhưng nhà đầu tư thông minh như Fazal biết rằng đó là lúc để bắt đầu một cái gì đó mới mẻ hơn.

“Phải nắm bắt ngay khi thời cơ vừa chín muồi. Nếu việc kinh doanh của bạn không phát triển nhanh như mong đợi hoặc bạn đã không còn nhiệt huyết với nó nữa, đó là dấu hiệu cho biết đã đến lúc từ bỏ. Thậm chí chỉ nhờ việc tự “thẩm vấn” bản thân xem có nên từ bỏ không, bạn đã gián tiếp nhắc nhở mình về mục tiêu mà bạn đang phấn đấu”, Rahim Fazal nói.

Có thể bạn nghĩ rằng thật khó thuyết phục khi tôi sử dụng trải nghiệm tài chính cá nhân để thảo luận về vấn đề từ bỏ giấc mơ kinh doanh của người khác, nhưng không hẳn như vậy. Tôi có thể nói với bạn về vấn đề này nhờ kinh nghiệm thực tế của mình: Gầy dựng một dự án kinh doanh vì mục đích tích trữ của cải hoàn toàn không có nghĩa là bạn có thể sống một cuộc sống giàu có".

 

Theo Doanh Nhân Sài Gòn