Dịch vụ taxi Uber hay GrabTaxi dường như không còn quá xa lạ với người dân Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh . Đây là một dịch vụ mới áp dụng thành tựu của công nghệ thông tin để điều hành hệ thống taxi và sử dụng xe nhàn rỗi để chở khách.
Theo đánh giá của nhiều người, đây là một dịch vụ khá tốt, giúp nhà quản lý nắm được vị trí của những xe taxi đã kí hợp đồng và điều xe đến những khách hàng gần nhất, giảm hệ số bị động trong ngành vận tải. Bên cạnh những mặt tích cực được công nhận, loại hình dịch vụ taxi mới này vẫn còn tồn tại những điều bất hợp lý khi hoạt động tại Việt Nam. Ngoài việc kí hợp đồng với những chiếc xe thuộc các hãng taxi, dịch vụ này còn kí hợp đồng với những chiếc xe ô tô nhàn rỗi chở khách với giá cước siêu rẻ, gây bức xúc và thiệt thòi cho các hãng taxi chính thống.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Chúng tôi khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Nhưng điều quan trọng nhất là phải hướng cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, thực hiện theo đúng pháp luật Việt Nam. Nếu xét ở một chừng mực nào đó, thì Uber và GrabTaxi đang vi phạm và chưa có sự cạnh tranh lành mạnh.
Họ kí hợp đồng với những chiếc xe không phải taxi dẫn đến việc khó kiểm soát. Hiện các cơ quan quản lý đang rất lúng túng vì không thể kiểm soát hết được. Theo dự báo của Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội thì riêng Hà Nội đang có hàng nghìn chiếc xe không thuộc doanh nghiệp taxi nào đang kí hợp đồng với GrabTaxi”.
Nếu khách hàng lựa chọn xe siêu rẻ sẽ được đưa đón bằng những chiếc xe không mang logo của các hãng taxi với giá cước rẻ hơn nhiều so các những xe taxi truyền thống
Hiện nay, số lượng xe không thuộc phải là taxi kí hợp đồng với dịch vụ Uber hay GrabTaxi mới chỉ nằm trong phỏng đoán. Thủ tục đăng kí và hủy hợp đồng của những dịch vụ này rất dễ khiến số liệu biến động thường xuyên. Ứng dụng như Uber hay GrabTaxi giống như một đại lý cung cấp thông tin nên chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực công nghệ - dịch vụ, khác với một doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp có những ràng buộc pháp lý khác.
Hiện các hãng taxi chính thống phải chịu những quy định quản lý của Nhà nước, thực hiện điều kiện kinh doanh của taxi như tuyển chọn, tập huấn tài xế, kiểm định xe,… Trong khi đó, có nhiều xe không phải taxi cũng được dịch vụ này huy động với chi phí thấp khiến các hãng taxi chính thống chịu không ít thiệt thòi.
Mặc dù dịch vụ Uber hay GrabTaxi khá tiện ích trong việc quản lý và điều xe nhưng gây tạo nên nhiều thiệt thòi cho các hãng taxi truyền thống khi kí hợp đồng với các xe cá giá cước siêu rẻ.
Khi được hỏi về quan điểm khi những chiếc xe không phải taxi truyền thống được huy động chở khách với giá cước rất rẻ, ông Thanh chia sẻ quan điểm: “Khi đưa ra một sản phẩm mới thì nhà sản xuất thường có khuyến mại nhưng phải ở trong một giới hạn nhất định.
Nhìn vào giá cước của những chiếc xe này, tôi thấy rất bức xúc vì giá quá rẻ, đây là một sự phá giá. Dù rằng sự xuất hiện của dịch vụ taxi này sẽ khiến vận tải truyền thống phải đổi mới nhưng cái giá cước này là bất bình thường. Điều này cần phải đưa ra kiến nghị Nhà nước, Cục Quản lý cạnh tranh để xem xét về lĩnh vực này”.
Ông Thanh cũng cho biết: “Hiện loại dịch vụ bắt taxi mới này chưa chiếm thị phần lớn bởi không phải ai cũng sử dụng được thông thạo ứng dụng GrabTaxi hay Uber. Để sử dụng những dịch vụ này, người dùng cần phải có điện thoại thông minh và 3G, trong khi đó những người biết sử dụng những dịch vụ này chưa nhiều lắm”. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đang khuyến cáo các doanh nghiệp phải tích cực đổi mới, áp dụng những tiến bộ của công nghệ để điều hành xe, mang lại hiệu quả và giảm hệ số bị động.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp taxi cũng đã thay thiết bị bộ đàm bằng những thiết bị giám sát hành trình, những phần mềm tương tự như Uber hay GrabTaxi để quản lý tốt hơn và gọi chiếc xe gần nhất đến với khách hàng. Hơn hết, các doanh nghiệp vận tải cũng phải tìm cách giảm giá cước, mục tiêu hàng đầu là làm vừa lòng khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Bộ Giao thông Vận tải thực hiện Đề án thí điểm "Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng". Theo đó, Công ty TNHH GrabTaxi là doanh nghiệp đầu tiên được phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách 9 chỗ theo hình thức hợp đồng (xe hợp đồng điện tử) tại Việt Nam.
- Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, xe ô tô vận tải hành khách phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đối với những loại xe chưa được gắn thiết bị giám sát hành trình trước khi nghị định này có hiệu lực thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện theo lộ trình được nêu rõ trong Nghị định.
- Thời gian qua, nhờ vào sự xuất hiện của phần mềm GrabTaxi, các công ty vận tải trong nước cho ra đời hàng loạt các ứng dụng phần mềm của riêng mình như: LiveTaxi, TaxiNavi, Ahamove hay Vinasun app.