Doanh nghiệp xã hội

10/09/2014 11:14

Doanh nghiệp xã hội


Xu hướng doanh nghiệp xã hội đang bùng nổ khắp nơi, bởi những người trẻ hiện nay rất hăng say với các mục đích tốt đẹp.


Họ gom đồ ăn thừa chia sẻ lại cho người vô gia cư (mạng lưới tái chế thực phẩm FRN), nỗ lực giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường (Công ty Cổ phần Đi Chung), hỗ trợ trẻ em lang thang lập nghiệp (nhà hàng KOTO),… Vì thế, có thể nói DNXH mang trong mình thông điệp nhân văn sẽ là một xu hướng mới và dự đoán sẽ cất cánh trong tương lai.

 

“Thế giới đang thay đổi, sự thịnh vượng trong kinh doanh cũng đang thay đổi và chúng ta nhận thấy có một điều quan trọng hơn những thứ khác là làm những việc tốt”

Không chỉ doanh nghiệp xã hội (DNXH), ngay cả những doanh nghiệp đang kinh doanh vì lợi nhuận cũng đang chậm rãi chuyển sang xu hướng kinh doanh với những mục đích tốt cho cộng đồng. “Thế giới đang thay đổi, sự thịnh vượng trong kinh doanh cũng đang thay đổi và chúng ta nhận thấy có một điều quan trọng hơn những thứ khác là làm những việc tốt”, chuyên gia Melody Hossaini, người Anh gốc Iran, cho hay.

Những chia sẻ của TS. Trương Thị Nam Thắng - Chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về trách nhiệm xã hội, quản trị công ty và DNXH tại Đại học Kinh tế Quốc dân và CFVG dưới đây sẽ là hành trang hữu ích giúp những ai xuất phát từ cái Tâm thật thà, tận tụy, sẻ chia với xã hội thấu hiểu về hình thức kinh doanh này.

 

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Không chỉ tìm kiếm các mục tiêu về lợi nhuận, các DNXH ra đời để hiện thực hóa các ý tưởng, tạo ra những sản phẩm hay dịch vụ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội hay môi trường.

Theo quan điểm của TS. Trương Thị Nam Thắng, mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp xã hội là giúp đỡ con người. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, các doanh nghiệp cần sử dụng tốt các mạng lưới và mối quan hệ.

trương thị nam thắng, doanh nghiệp xã hội, doanh nhân xã hội, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, từ thiện, trách nhiệm xã hội

TS. Trương Thị Nam Thắng chia sẻ mô hình của doanh nghiệp xã hội.

Ngân hàng Grameen ở Bangladesh do ông Muhammad Yunus sáng lập năm 1976 là mô hình DNXH, hoạt động tín dụng của Grameen Bank không yêu cầu thế chấp và chủ yếu phục vụ người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Hiện ngân hàng này đã cho khoảng 6,61 triệu người vay, trong đó 97% là phụ nữ với tổng số vốn lên đến hơn 5 tỷ đô la Mỹ, tỉ lệ thanh toán lên đến hơn 98%.

Hơn một nửa số thành viên của ngân hàng đã thoát nghèo. Ngân hàng và các công ty con hiện có trị giá trên 7 tỷ đôla Mỹ. Mô hình Grameen Bank đã được áp dụng trên 40 nước đang phát triển trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, Nhà hàng KOTO (viết tắt từ Know One Teach One - Biết một dạy một) do Jimmy Phạm thành lập năm 1999 được cho là một mô hình DNXH điển hình, nhằm hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên lang thang, gặp hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc thành lập trường đào tạo về kỹ năng sống và nghiệp vụ nhà hàng miễn phí cho trẻ, anh Jimmy mở nhà hàng KOTO để vừa là chỗ cho các em thực tập, vừa là để tạo nguồn thu ổn định để hỗ trợ các em.

Trải qua nhiều khó khăn trong giai đoạn ban đầu, KOTO đã tự chủ về tài chính. Lãi thu được từ kinh doanh nhà hàng và các hoạt động gây quỹ khác được Jimmy dùng để phát triển mô hình ra các địa bàn khác trong nước và quốc tế.

Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) ở Việt Nam cũng là một tổ chức phi lợi nhuận. Trung tâm có nhiều hoạt động đa dạng với người khuyết tật và cộng đồng nhằm thúc đẩy sự tham gia và tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội. Các hoạt động của Trung tâm đều không thu phí mà chủ yếu dựa vào nguồn huy động từ các nhà tài trợ cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước.

 

DNXH khác DN truyền thống và các tổ chức xã hội thế nào?

- Nhân lực: tình nguyện viên, nhân viên ở các DNXH thông thường được trả lương thấp hơn thù lao của thị trường hoặc cũng có thể là sự kết hợp giữa các nhân viên được trả thù lao trên thị trường và các tình nguyện viên.

- Nhà cung cấp: DNXH hoàn toàn sử dụng các mô hình kinh doanh của DN, song cũng có những chiến lược kinh doanh riêng của mình.

Sau khi tạo ra lợi nhuận, các DN truyền thống sẽ sử dụng để tái đầu tư và chia sẻ lại bằng hình thức cổ tức và các hình thức khác cho cổ đông. Trong khi đó, DNXH chủ yếu sử dụng tiền để tái đầu tư, mở rộng quy mô, tạo ra hiệu ứng về mặt xã hội.

 

Doanh nhân xã hội là ai?

Doanh nhân thông thường có rất nhiều cách xếp loại như sáng tạo, luôn tìm kiếm cơ hội như một con dao pha, tức là việc gì cũng giải quyết được và là người luôn đưa ra các sáng kiến và lãnh đạo các thay đổi để tạo ra giá trị.

Với doanh nhân xã hội, ngoài những phẩm chất vừa nêu, họ còn mang trong mình tính xã hội (các mối quan hệ để huy động nguồn lực, câu chuyện bán hàng, tạo doanh thu). Doanh nhân xã hội về cơ bản đến từ cộng đồng. Đầu ra của các DNXH là để phục vụ xã hội.

 

Các chiến lược nào DNXH thường theo đuổi?

 

Có bốn chiến lược DNXH cần theo đuổi. Thứ nhất, chiến lược trao quyền, ở đó người nghèo, cần sự giúp đỡ được trao quyền quản lý, điều hành hoặc sở hữu các DNXH. Ví dụ, câu chuyện của Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sapa - Sapanapro, mà ở đó chính người Dao đỏ sở hữu DNXH liên quan đến thuốc tắm mà ai có cơ hội lên Sa Pa có thể đã được biết đến.

Chiến lược thứ hai là hòa nhập xã hội, tức là những người bị lề hóa ra khỏi xã hội vì các điều kiện liên quan đến thể chất, gia đình,… như những người bị HIV/AIDS.

Thứ ba là chiến lược trung gian, theo đó, các DN sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chi phí ở mức chấp nhận được với người nghèo, có khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ đó. Ví dụ, New Light, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sinh sản cho phụ nữ khuyết tật, giúp họ tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ tốt như những người có khả năng chi trả thông thường.

Chiến lược cuối cùng DNXH theo đuổi là huy động nguồn lực. DNXH sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh gắn với mục tiêu xã hội. Nguồn lực đó sẽ được mang lại để phục vụ cho các dự án cộng đồng của mình.

 

7 lời khuyên dành cho người muốn khởi tạo DNXH:

Ashoka, một tổ chức được coi là lớn nhất chuyên hỗ trợ các DNXH khởi sự trên thế giới đã đưa ra 7 lời khuyên hữu ích:

- DNXH nên tìm kiếm vấn đề, trình bày các giải pháp với cộng đồng để thuyết phục cộng đồng yêu quý sáng kiến đó, từ đó họ sẽ tài trợ và mua hàng cho doanh nghiệp;

- DNXH nên tập hợp những chuyên gia trong lĩnh vực của mình, bởi những nhà đầu tư, người mua hàng nhìn vào sự uy tín của người khởi sự;

- Tuyển dụng nhân viên linh hoạt và có tinh thần kinh doanh. Những người này phải có những phẩm chất tương đối giống DNXH. Họ như con dao pha, có thể làm được nhiều việc và luôn tìm kiếm cơ hội;

- Tham gia vào mạng lưới, các mối quan hệ đối tác, từ đó thuyết phục họ tham gia đầu tư cho DN.

- Hãy truyền thông, hãy kể thật tốt câu chuyện của mình với quần chúng, bởi đó là cách thức chúng ta làm thương hiệu và gây được sự chú ý của các nhà đầu tư và người mua hàng tương lai;

- Lựa chọn một cách thông minh hội đồng quản trị. Hãy mời vào trong hội đồng quản trị những người có kiến thức, mạng lưới, đôi chút danh tiếng, có tầm nhìn, sứ mệnh và niềm đam mê với xã hội;

- Về cơ bản, 50% nguồn tiền cho DNXH đến từ doanh thu và 50% đến từ các hoạt động tài trợ khác nhau. Thế nên, các DNXH phải đo lường được hiệu quả, ảnh hưởng về mặt xã hội, kinh tế, từ đó có giải trình tốt hơn với các nhà tài trợ.

 

9 cách khởi sự thành công của DNXH:

- Các nhà sáng lập phải có tình yêu với xã hội;

- Tập trung vào thị trường ngách. Với DNXH, chúng ta không phục vụ một cộng đồng quá lớn;

- Phản ứng nhanh với thị trường. Điều này cũng rất đúng với khởi sự doanh nghiệp nói chung;

- Không ngừng sáng tạo, đặc điểm đúng với doanh nhân nói chung và doanh nhân xã hội nói riêng;

- Cơ cấu tổ chức đơn giản, không nên quá nhiều tầng, bậc;

- Tập trung vào hiệu quả. Một mô hình nhỏ gọn, giảm chi phí và tăng hiệu suất lao động;

- Môi trường văn hóa doanh nghiệp thân thiện, vui vẻ, gắn kết trong tổ chức.

TS. Trương Thị Nam Thắng

Chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về trách nhiệm xã hội, quản trị công ty và DNXH tại Đại học Kinh tế Quốc dân và CFVG.

TS. Thắng là thành viên của nhiều mạng nghiên cứu và nghề nghiệp quốc tế như International Corporate Governance Network (ICGN), Global Corporate Governance Forum (GCGF), AsiaPacific Business Ethics Network, đồng thời là đồng sáng lập viên cửa mạng Nguyên tắc Giáo dục Quản lý có Trách nhiệm (UN PRME) khu vực ASEAN (ASEAN chapter).

 

Theo hoclamgiau.vn