Doanh nghiệp Việt Nam quản trị kém nhất ASEAN
22/05/2014 06:52
Việt Nam bị đánh giá là nước có hệ thống quản trị doanh nghiệp kém nhất trong 6 nước thuộc khu vực ASEAN.
Thông tin trên được ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Gám sát tài chính quốc gia đưa ra tại Lễ công bố giải thưởng quản trị doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam 2014.
Điểm quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam bình quân năm 2013 chỉ là 42,5 điểm, thấp hơn Indonesia, Philppines, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Việt Nam không được đánh giá cao là khuôn khổ quản trị còn thiếu minh bạch, không phân biệt rõ vai trò, chức năng của chủ sở hữu với người điều hành. Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính cho biết hiện chỉ có 23% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ khái niệm và nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp, còn đa phần vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm quản trị và điều hành.
Sở hữu chéo cũng là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp Việt Nam, làm gia tăng rủi ro cho hệ thống. Điều tra 31 tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước cho thấy lượng vốn đầu tư ngoài ngành lên tới 22.600 tỷ đồng, trong đó chiếm một nửa là các khoản đầu tư vào định chế tài chính. Nhiều doanh nghiệp cũng hình thành các đơn vị sân sau, có lợi thế tiếp cận vốn vay để đầu tư không đúng mục đích, chủ yếu cho các lợi ích ngắn hạn như bất động sản, chứng khoán, ông Tuấn nói.
Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây cũng chứng minh các tập đoàn, tổng công ty đang mắc cạn với các khoản đầu tư tài chính, bất động sản khi nhiều đơn vị do thua lỗ mà vốn chủ sở hữu bị âm hoặc đầu tư vượt quá vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng...
Không chỉ vậy, quyền lợi của cổ đông tại các doanh nghiệp hiện nay cũng chưa được đảm bảo khi thang điểm đánh giá các chỉ tiêu này luôn ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, khi so sánh về sự đối xử bình đẳng giữa các cổ đông, Việt Nam chỉ đạt 43 điểm, so với giới hạn trên là 73 điểm.
"Chính trách nhiệm giải trình và tính minh bạch thấp đã tạo rào cản cho các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán cũng như vốn từ các ngân hàng thương mại", ông Tuấn nhận định. Theo một khảo sát của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, chỉ có 32% doanh nghiệp Việt Nam chứng minh được năng lực quản lý khi tiếp cận ngân hàng để vay vốn.
Nhằm nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cả khối Nhà nước và tư nhân đang phải tái cấu trúc mạnh mẽ, ông Trần Văn Tá - Chủ tịch Hội kiểm toán viên ngành nghề Việt Nam cho rằng tính minh bạch và giải trình của doanh nghiệp phải đặt lên hàng đầu, bởi Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm rất cao với cổ đông, cán bộ công nhân viên về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
"Quản trị doanh nghiệp tốt sẽ là nhân tố để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay", ông Tá nhận xét.
Theo Vnexpress