Đất Nga màu mỡ

16/04/2014 06:46

Đất Nga màu mỡ Tầng lớp trung lưu Nga đang trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc về thu nhập và lối sống, dự đoán sẽ đại diện cho 86% dân số xứ sở Bạch Dương vào năm 2020 với năng lực chi tiêu đạt đến 1.300 tỉ USD. Đứng trước cơ hội lớn này, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu thị trường.

Nhà bán lẻ Anh Marks & Spencer đã tăng trưởng nhanh tại Nga nhờ tập trung vào phân khúc trung lưu

 

Thực ra, từ lâu Nga đã được giới kinh doanh, tài chính và ngân hàng Âu Mỹ để mắt. Thế nhưng, trước nhiều rào cản chính trị, văn hóa xã hội, lối sống, một số thương hiệu đã rời bỏ thị trường. Những thương hiệu lớn còn trụ lại thị trường này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như Apple, Asos và Debenhams. Còn Amazon mãi đến năm ngoái mới mở văn phòng đầu tiên tại Moscow.

 

Nhưng hiện nay, tình hình đã khác. Nga đang nỗ lực thay đổi diện mạo để trở nên thân thiện hơn bằng việc đăng cai các đại hội thể thao lớn như Thế vận hội mùa đông 2014 Sochi, hay Cúp bóng đá thế giới 2018 và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

 

Đầu năm nay, Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen cho biết việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng trưởng ổn định, lạm phát giảm và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục sẽ làm tăng mạnh sức mua của người Nga.

 

Marks & Spencer, nhà bán lẻ hàng đầu tại Anh, đã phát triển nhanh chóng ở Nga với tốc độ tăng trưởng 2 con số nhờ tập trung vào phân khúc trung lưu. Với chuỗi 38 cửa hàng, Marks & Spencer hiện là hệ thống dẫn đầu tại Nga, vượt xa các nhà cung cấp khác như Topshop hay H&M.

 

Jan Heere, Giám đốc mảng quốc tế của Marks & Spencer, cho biết đối thủ của họ không phải là các nhà cung cấp nội địa, vì các công ty nội địa gần như bỏ ngỏ phân khúc trung lưu mà chỉ tập trung vào các nhãn hiệu cao cấp. Trong khi đó, sản phẩm nội địa phục vụ cho phân khúc trung lưu thì còn non tay nghề về các kỹ năng thương hiệu và phát triển sản phẩm nên khó thu hút được khách hàng.

 

Cũng theo Heere, người tiêu dùng Nga đã tinh tế hơn rất nhiều, không quan tâm đến hàng xa xỉ nữa mà là chất lượng sản phẩm và sự chọn lọc về giá.

 

Thành công của Marks & Spencer cho thấy thời đại phô trương thanh thế bằng những hàng hóa xa xỉ của giới nhà giàu mới nổi đã qua và thời đại của một nền văn hóa tiêu dùng mới - văn hóa tiêu dùng của tầng lớp trung lưu - đã bắt đầu.

 

Tương tự như Marks & Spencer, chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng của Anh Debenhams cũng đang mở rộng thị trường tại đây. Theo John Scott, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế của Debenhams, nhiều nhà bán lẻ đã chọn thị trường Trung Đông để khai thác, nhưng Nga mới thực sự là mỏ vàng cho kinh doanh bán lẻ, đặc biệt nếu bắt đầu với Moscow, thành phố 12 triệu dân có sức mua lớn nhất không chỉ ở Nga mà còn dẫn đầu thế giới.

 

Để quảng bá thương hiệu, Debenhams đã chạy một chiến dịch truyền thông lớn. Tập đoàn đã tổ chức một chương trình thời trang chuyên nghiệp tại Đại sứ quán với sự tham gia của các nhà thiết kế nổi tiếng cũng như giới báo chí Nga. Trên Facebook, Debenhams tổ chức cuộc thi để mời người thắng cuộc đến dự tiệc. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn và được yêu thích trên các mạng xã hội. Ông Scott nhấn mạnh vào giá trị Anh và sự trân trọng của người Nga đối với văn hóa Anh là điểm mấu chốt trong việc quảng bá của Debenhams.

 

Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công tại Nga. Apple là một ví dụ. Không đạt được thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước là TeleSystems (MTS), Apple đã gặp nhiều khó khăn khi nhân rộng mô hình kinh doanh tại đây.

 

Cuối năm ngoái, MTS bắt đầu ngưng bán điện thoại iPhone, do bất đồng quan điểm với Apple về thu phí dịch vụ. Điều này đã khiến thị phần điện thoại thông minh của Apple tại Nga từ 9% giảm xuống còn 8,3% trong quý I/2013. Bên cạnh đó, văn hóa kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động kinh doanh, các vấn đề quan liêu, tham nhũng trong quản lý công cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp tại thị trường này.


 

Theo NCĐT/Marketing Week