Cộng đồng doanh nghiệp: Gặp khó đủ đường

09/08/2014 09:28

Cộng đồng doanh nghiệp: Gặp khó đủ đường


Tiền thuê đất quá cao, khó tiếp cận lãi suất, mất quá nhiều thời gian, chi phí cho thủ tục hành chính và những vấn đề ngoài luồng khác… là những lý do khiến số doanh nghiệp (DN) tuyên bố giải thể, ngừng hoạt động ngày càng gia tăng.


"Quá trình sàng lọc, đào thải DN đã, đang và vẫn tiếp tục diễn ra khá quyết liệt trong cả nước" , đó là nhận định chung của giới chuyên gia kinh tế khi nhìn nhận về hoạt động của cộng đồng DN vừa và nhỏ hiện nay

 

Gia tăng số DN tuyên bố phá sản

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2014, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN là 37.612 DN, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng vốn của các DN thực sự khó khăn, chắc chắn phải ngừng hoạt động là 291,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng vốn bổ sung thêm trong kỳ. Cùng với đó, số DN quay trở lại hoạt động trong 7 tháng chỉ khoảng 9.428 DN, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Còn nếu chỉ tính riêng trong tháng 7-2014, số DN đăng ký thành lập mới của cả nước là 5.083 DN với tổng vốn đăng ký là 31.518 tỷ đồng. Con số này cũng giảm 16,5% về số DN và giảm 45% về vốn đăng ký so với tháng trước. Trong khi đó, số lao động dự kiến được tạo việc làm tại các DN mới thành lập trong tháng là 88.000 người, cũng giảm 1,1% so với tháng trước.

Những con số nói trên cho thấy, nội tại hoạt động của cộng đồng DN vẫn chưa hết khó khăn. Cho dù, giới chuyên gia kinh tế gần đây đã đưa ra những nhận định rằng, môi trường kinh doanh đã có điểm sáng hơn, nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy, song thực tế hoạt động của các DN vẫn rất trầy trật vì phải đối mặt với nhiều vấn đề, một trong những vấn đề lớn nhất tồn tại ở ngay chính sách hiện nay.

 

Không chỉ khó ở "cửa thuế"

Lâu nay, vấn đề thủ tục hành chính đã trở thành mối lo ngại lớn của cộng đồng DN. Đối với mỗi DN, việc phải qua "cửa thuế" luôn khiến họ cảm thấy phải đối mặt với một rào cản quá lớn trong môi trường kinh doanh hiện nay. Cùng với đó, những chi phí ngoài luồng, chi phí để "bôi trơn" cho việc qua "cửa thuế" một cách dễ dàng dường như cũng trở thành một trong những hành trang mà các DN phải có khi có ý định bước chân vào thương trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đưa ra nhận định: "Nếu GDP cả nước năm nay đạt khoảng 164 tỷ USD thì những chi phí tương đương DN phải chịu mất vì thủ tục hành chính là gần 1,5 tỷ USD. Một con số không hề nhỏ đối với cộng đồng DN mà quá nửa là DN nhỏ và vừa". Có thể thấy, không chỉ DN mà bản thân các nhà làm quản lý cũng nhận thấy những rào cản đang được chính các nhà làm quản lý xây dựng lên từ các chính sách điều hành, chính sách thuế. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về thủ tục hành chính, thuế, một trong những "cục nợ" khiến các DN lo ngại lâu nay chính là giá thuê đất. Chỉ trong vòng 2 năm (từ năm 2010 đến 2012), giá đất đã tăng tới 5-7 lần, có địa phương tăng đến 10 lần. Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, chính tiền thuê đất đang trở thành gánh nặng của các DN. Tình trạng nhiều DN bị truy thu thuế đất với số tiền rất lớn khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn và có khả năng không trả được.

Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên ám ảnh đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi họ phải thuê một diện tích rất lớn phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi. Đơn cử như phản ánh của một DN phải thuê đất để trồng cao su cho biết, hiện nay DN phải nộp 100% diện tích đất thuê, trong khi chưa đo đạc diện tích sử dụng cụ thể khiến tiền thuê đất của công ty bị truy thu lên tới hàng chục tỷ đồng từ năm 2006. Phải truy thu thuế lên đến hàng chục tỷ, trong khi vốn của DN chỉ có khoảng 50 tỷ đồng. Thực tế này có lẽ là câu trả lời lời rõ nhất cho câu hỏi: Tại sao cộng đồng DN càng ngày càng teo tóp, không thể phát triển lớn mạnh được. Cũng là lời giải cho vấn đề vì sao số DN phá sản, ngưng hoạt động không ngừng gia tăng (?)

 

Theo Đại đoàn kết