Cơ hội cho chứng khoán Việt

18/07/2015 03:44

Cơ hội cho chứng khoán Việt

Cánh cửa thu hút dòng vốn ngoại đã mở ra trên thị trường chứng khoán nhưng quan trọng hơn là cơ chế vận hành, chính sách cụ thể để nhà đầu tư yên tâm.


 

TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài

 

Cuối tháng 6, Chính phủ thông qua Nghị định 60/2015 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, trong đó có quy định về tăng tỉ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài ở một số ngành và lĩnh vực. Đầu tháng 7, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ, thu hút hàng trăm quỹ đầu tư và nhiều tổ chức tài chính của nước này tham dự. Cùng thời điểm này, chứng khoán Trung Quốc gặp khủng hoảng sau thời kỳ tăng trưởng vũ bão khiến hàng ngàn doanh nghiệp tháo chạy. Tất cả những thông tin này như liều thuốc xúc tác giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thăng hoa suốt từ cuối tháng 6 đến nay và dự kiến sẽ còn duy trì trong thời gian tới.

 

Mở “bung” cửa

 

Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt Vũ Thanh Tú cho biết trong tháng 6 vừa qua, VN-Index đã tăng 4,1% khi Nghị định 60 về nới room cho khối ngoại được ban hành. Từ đầu tháng 7 đến nay, thị trường tiếp tục thăng hoa đưa VN-Index vượt xa mốc 600 điểm. Với mức tăng 8,9% tính từ đầu năm nay, đây là chỉ số có mức tăng tốt nhất khu vực ASEAN.

 

Các NĐT nước ngoài bắt đầu mua ròng liên tục trên sàn chính thức. Cụ thể, trong tháng 6, khối này mua ròng 71 triệu USD, tăng 8 triệu USD so với tháng 5. Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bơm ròng 219 triệu USD vào TTCK Việt Nam. Điều này lý giải vì sao thanh khoản trên thị trường cải thiện đáng kể, tổng giá trị giao dịch trong vài tuần trở lại đây đã tăng từ 2.500 tỉ đồng/phiên lên 4.000 tỉ đồng/phiên.

 

Theo một công bố mới đây của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến hết tháng 6, cơ quan này đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 17.956 NĐT nước ngoài, trong đó có 2.687 NĐT tổ chức và 15.269 NĐT cá nhân. Tính riêng tháng 6, số NĐT nước ngoài được cấp mã số giao dịch là 66 người và 15 tổ chức.

 

Một chuyên viên môi giới đến từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng  việc mở room khiến các NĐT nước ngoài nhận định Việt Nam là một thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực khi chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập) chỉ 13,1 lần. Đó là chưa kể “dòng tiền thông minh” đang tìm cách dịch chuyển sang các thị trường lân cận sau khi bong bóng chứng khoán tại Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng quá nóng.

 

Ngoài ra, Luật Đầu tư mới đã đơn giản hóa quy định kinh doanh, cũng như Luật Nhà ở cho phép mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà có hiệu lực ngày 1-7 cũng là cơ hội lớn thu hút NĐT nước ngoài đến Việt Nam.

 

Tích cực cho thị trường

 

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của Tập đoàn VinaCapital, cho rằng với các điều khoản mới từ Nghị định 60, sắp tới đây, NĐT nước ngoài sẽ có thể tham gia sâu rộng và tích cực hơn vào sự phát triển của nền kinh tế. Đây là một sự kiện bước ngoặt, góp phần giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết với tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để các cổ phiếu của Việt Nam góp mặt trong chỉ số MSCI về các thị trường mới nổi. “Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và có triển vọng tăng 15%-20% trong thời gian sắp tới” - ông Andy Ho chia sẻ.

 

Cũng theo ông Andy Ho, TTCK Việt Nam luôn ở mức định giá thấp hơn đáng kể so với thị trường các nước khu vực do thanh khoản kém. Vì vậy, việc hạn chế về room được tháo gỡ, dự kiến nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tham gia thị trường tích cực hơn trước, cải thiện tính thanh khoản và góp phần thu hẹp mức chiết khấu của TTCK Việt Nam so với khu vực. Ngoài ra, việc mở room còn thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước khi thị trường Việt Nam được đánh giá cao hơn, thanh khoản cải thiện hơn, VinaCapital kỳ vọng thị trường sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân niêm yết.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), cho biết qua đợt xúc tiến đầu tư tại Mỹ vừa rồi, không chỉ các NĐT Mỹ mà NĐT các nước cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là sự kiện mở room gần đây. “Tuy nhiên, đó chỉ là cánh cửa đã mở, việc chào mời khách vào nhà và tiếp đón họ như thế nào còn phải thêm vài bước nữa” - TS Nguyễn Sơn nhận định.

 

TS Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC):

Còn nhiều việc phải làm

Điều các NĐT nước ngoài quan tâm nhất là việc Chính phủ thực sự cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đến đâu. Nếu được mua với một tỉ lệ cao, khoảng 20%-30% chắc chắn họ sẽ đầu tư để tham gia quản trị doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy các lĩnh vực cảng biển, hàng không, khoáng sản… nếu cho NĐT trong nước hoặc nước ngoài mua một tỉ lệ cao thì nhà nước mới bán được giá hợp lý.

Một vấn đề nữa mà NĐT nước ngoài mong muốn cải thiện là tự do hóa tài khoản vốn. Tức dòng tiền ra, vào dễ dàng và cơ chế ổn định tỉ giá. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sớm cho ra đời các sản phẩm phái sinh. Các sản phẩm dựa trên chỉ số và trên trái phiếu Chính phủ dự kiến cuối năm 2016 sẽ triển khai. Đồng thời, chúng ta cần xây dựng các cơ chế rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán, bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi đặt lệnh, mà chỉ cần có tiền vào thời điểm bù trừ, thanh toán. Đây là các nội dung mà SSC đang cố gắng hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Vấn đề cuối cùng đó là việc các doanh nghiệp trong nước phải áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty tốt và công bố thông tin minh bạch theo các thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp phải công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng:

Biến thách thức thành cơ hội

Chứng khoán Trung Quốc tuần qua chao đảo, mất hơn 3.000 tỉ USD nhưng không ảnh hưởng xấu nhiều đến Việt Nam. Vì thực tế gần 1 tháng qua, TTCK Trung Quốc đã giảm điểm cộng với Hy Lạp lo vỡ nợ nhưng TTCK Việt Nam lại “lội ngược dòng” thành công. Hiện tại, VN-Index đang ở mức cao nhất trong năm 2015. Tác động tiêu cực từ Trung Quốc rất thấp, thậm chí có thể nói là tích cực nếu áp dụng nguyên tắc nước chảy chỗ trũng. Các tổ chức sẽ nhìn thấy một Việt Nam đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thu hút NĐT nước ngoài từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp ký, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các luật, nghị định nhằm thu hút vốn ngoại.

Các NĐT đang tăng cường tham gia vào TTCK Việt Nam. Cụ thể là thanh khoản trên 2 sàn đang tăng dần đều trong thời gian gần đây và khối lượng giao dịch tuần qua cao nhất trong tất cả các tuần từ đầu năm 2015 đến nay. Dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng tăng vừa phải, cho phép dư địa tăng trưởng vẫn còn nên cơ hội cho các NĐT nước ngoài rất lớn. Đó là lý do khiến Việt Nam biến thách thức thành cơ hội thu hút vốn ngoại.

 

(Theo NLĐ)