Chứng khoán 2016: lên và xuống
14/12/2015 05:32
Khi giá dầu thô quốc tế về sát 40 đô la Mỹ/thùng ngay sau cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đầu tháng 12-2015, các nhà đầu tư chứng khoán đã nhìn thấy một tương lai ảm đạm cho cổ phiếu dầu khí, trong đó có cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí.
Cho đến giờ GAS vẫn nằm trong tốp các cổ phiếu vốn hóa lớn, có ảnh hưởng đến sự biến động của chỉ số sàn TPHCM. Với giá đóng cửa ngày 4-12-2015 ở 40.300 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của GAS chỉ còn 3,39 tỉ đô la Mỹ, bằng một phần ba so với thời điểm tháng 7-2014 lúc thị giá GAS gần 120.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh sau các đợt chi trả cổ tức bằng tiền).
Cổ phiếu dầu khí nói riêng, năng lượng nói chung sẽ là một trong những yếu tố chi phối mạnh mẽ thị trường chứng khoán năm 2016. Đây là yếu tố đứng đầu nằm ở phía bên trái - bên được giới đầu tư nhận định có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Cổ phiếu ngành khai khoáng cũng đang ở tận cùng vùng khó khăn khi giá kim loại màu trên thị trường thế giới không ngừng rơi. Hãng Bloomberg cuối tháng trước đưa tin các công ty khai khoáng kim loại màu Trung Quốc đã kiến nghị chính phủ nước này có giải pháp như mua tích trữ kim loại màu để ổn định giá thị trường. Tuy nhiên giới quan sát đã không chia sẻ kiến nghị đó bởi họ cho rằng giá năng lượng rơi sẽ giúp thị trường tìm được điểm cân bằng cung cầu nhanh hơn và từ đó giúp sự phục hồi đến sớm hơn.
Yếu tố thứ hai của phía bên trái là hoạt động của ngành vận tải biển, vốn tiếp tục trì trệ khi giá cước thuê tàu, giá cước vận chuyển hàng hóa và cả giá tàu chưa ra khỏi vùng đáy. Đáy của giá cước vận tải biển liên tục bị phá vỡ và người ta ngờ rằng chỉ số BDI (chỉ số cước vận chuyển các loại hàng khô) có thể phá ngưỡng 500 điểm trong tương lai gần. Trên cái nền trì trệ này, việc cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) sẽ gặp không ít trở ngại.
Không như những lĩnh vực khác của nền kinh tế sức tiêu thụ tăng lên khi giá giảm, đối với chứng khoán giá cổ phiếu càng giảm, người ta càng quay lưng bỏ đi. Người ta chỉ giải ngân khi thấy giá lên và giá càng chạy thì tiền đổ vào cổ phiếu càng nhiều. Làm sao hy vọng IPO Vinalines thành công khi thị giá cổ phiếu vận tải biển chỉ còn vài ngàn đồng và hầu hết doanh nghiệp trong ngành từ lớn tới nhỏ đều báo lỗ hàng chục, trăm tỉ đồng/năm?
Yếu tố thứ ba cổ phiếu của những doanh nghiệp sản xuất, khai thác, chế biến, xuất khẩu nông thủy sản chưa có khả năng kết thúc những ngày lận đận khi giá cao su, cá tra, tôm... xuất khẩu vẫn đang gặp “hạn” vì sự mất giá của các ngoại tệ mạnh so với đô la Mỹ và vì đụng phải thuế chống bán phá giá của nước ngoài.
Thị giá cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG-Hose) đang ở mức thấp nhất kể từ khi niêm yết chủ yếu do bị nước ngoài bán ròng không ngừng nghỉ với lý do chính giá cao su trên thị trường quốc tế đang thấp một cách thảm hại. Cổ phiếu của tập đoàn Hùng Vương (HVG-Hose) hay Minh Phú (đã hủy niêm yết) cũng không thể “ngóc đầu” dậy khi hàng tồn kho tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và cùng với đó là chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng tăng cao.
Từ cơ cấu ngành nghề nhìn sang vĩ mô, yếu tố bất lợi cho chứng khoán năm tới được dự báo là tỷ giá. Một sự điều chỉnh do tác động của yếu tố bên ngoài và bên trong, thí dụ tiền đồng giảm giá 4% so với đô la Mỹ, sẽ khiến cho vốn ngoại cân nhắc. Lấy gì đảm bảo giá trị danh mục của các quỹ đầu tư tăng được 10% trong năm 2016 (sau khi trừ lạm phát, trượt giá tiền đồng)? Thực ra mức 10% cũng không phải là hấp dẫn đối với một thị trường cận biên nhiều “sóng gió” như thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đầu năm đến nay (ngày 4-12-2015), VN-Index tăng 8,5%, nhưng tỷ giá hối đoái đã điều chỉnh 5%. Giả sử VN-Index kết thúc ngày cuối cùng của năm ở mức hiện tại 570 điểm, mức tăng của chỉ số còn 3,5% - liệu có chút lực hút nào cho vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào chứng khoán với con số thấp đó không?
Ở phía bên phải, nơi tụ hợp những yếu tố tích cực ảnh hưởng đến thị trường, chúng ta thấy có mặt các “anh hào”: lạm phát năm nay ở mức thấp nhất trong vòng 14 năm, dưới 1%, năm tới được dự báo ở mức 3-5%, tức chấp nhận được. Lãi suất sẽ trong chiều hướng đi lên, nhưng không phải sự đi lên một cách gay gắt, mà sẽ có chừng mực. Giá nguyên liệu đầu vào của nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ vẫn ở mức thấp như hiện tại do giá quốc tế còn điều chỉnh. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế, cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng có tín hiệu tích cực.
Về các giải pháp kỹ thuật, nới room sẽ là câu chuyện đầu tiên được nhắc đến. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư đã được ban hành. Văn bản hướng dẫn về room sẽ do Bộ Tài chính ban hành có tham khảo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, ít nhất định nghĩa thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết sẽ rõ ràng.
Kế đó việc thoái vốn của Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp đã được Chính phủ quyết định, sẽ phải tiến hành cho dù ở những tháng đầu năm hay cuối năm. Ngoài ra sự gia tăng tiềm lực tài chính của các công ty chứng khoán sẽ cung cấp thêm nguồn tiền cho thị trường dưới hình thức ký quỹ. Riêng chứng khoán phái sinh, nếu kịp triển khai năm tới, sẽ là một cú hích kích thích dòng tiền mới vào thị trường.
Để lại dấu ấn tốt trên thị trường sẽ không thể nào khác được là sự cải thiện doanh thu, lợi nhuận của các công ty niêm yết. Cho dù VN-Index ở trạng thái nào, tiền của nhà đầu tư vẫn tìm đến các công ty có chỉ số cơ bản đẹp, không có nợ ngân hàng hoặc nợ thấp, doanh thu và lợi nhuận hứa hẹn 20%/năm trở lên, trả cổ tức tiền mặt với hiệu suất sinh lời không thấp hơn 5% tính trên mệnh giá. Tóm lại, thị giá cổ phiếu phụ thuộc trước tiên vẫn phải vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết, sau đó mới đến biến động chung của thị trường.
Theo TBKTSG