Chiến lược quản trị mới: Coi nhân viên là số 1

15/06/2014 12:22

Chiến lược quản trị mới: Coi nhân viên là số 1


Triết lý “Employees First, Customers Second” (Nhân viên là số 1, khách hàng số 2) là lối đi khác biệt đưa đến thành công mà HCL Technologies sử dụng trong việc xây dựng và quản trị doanh nghiệp.


Nhân tố con người ngày càng được nhận định là yếu tố nòng cốt cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp. Nhất là trong nền kinh tế vận động không ngừng về thông tin và đổi mới hiện nay, phần thắng luôn thuộc về những ông chủ có năng lực thu hút và giữ chân nhân tài.
 
Tại hội thảo “Yếu tố con người trong kinh doanh Á – Âu” diễn ra ngày 24/4 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, số 24 Tràng Tiền – Hà Nội, Phó Giáo sư Charles-Henri Besseyre des Horts, giảng viên trường HEC Paris (Pháp) – chuyên gia cao cấp về quản lý nhân sự đã đưa ra nhiều triết lý và mô hình thú vị để các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia nhân sự có hướng nghiên cứu và áp dụng xây dựng đội ngũ nhân sự hiệu quả.
 
Kế thừa có chọn lọc văn hóa doanh nghiệp ở các nước
 
Theo ông Charles, trong doanh nghiệp, mỗi CEO và nhân viên nhân sự cần có trách nhiệm đóng góp, xây dựng văn hóa công ty phù hợp. Ở mỗi đất nước, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, văn hóa doanh nghiệp lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Nếu như châu Âu đóng góp cho thế giới một môi trường pháp chế chặt chẽ, thì nước Mỹ lại chú trọng đến sự công bằng trong môi trường doanh nghiệp. Còn ở châu Á, nhất là Nhật Bản, các chủ doanh nghiệp lưu tâm đến sự hài hòa trong công việc, chú trọng đến văn hóa đội nhóm. 
 
Ông Charles cho rằng, ở Việt Nam, khung pháp luật bảo vệ người lao động đã được thiết lập tương đối chặt chẽ. Điều này vừa là tin vui vì quyền lợi người lao động đã được bảo vệ, nhưng cũng gây ra một số khó khăn cho nhà quản lý vì có quá nhiều nghĩa vụ với người lao động. 
 
Nhưng trên thực tế, hiếm khi nguồn nhân lực được đưa vào các chiến lược doanh nghiệp. Ông Charles có thể được xem là người đầu tiên viết cuốn sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhân sự (năm 1988). Sau 24 năm kể từ khi cuốn sách "Hướng tới một chiến lược quản lý tài nguyên con người" của ông phát hành lần đầu, vấn đề đầu tư phát triển con người vẫn chưa được đẩy mạnh. 
 
PGS Charles-Henri Besseyre des Horts, giảng viên trường HEC Paris (Pháp)

PGS Charles-Henri Besseyre des Horts, giảng viên trường HEC Paris (Pháp)

 
Trên thế giới, chỉ những công ty nào có chiến lược phát triển con người rõ ràng, doanh nghiệp đó mới tồn tại và trụ vững trên thị trường. Điển hình là Danone, tập đoàn dinh dưỡng số 1 châu Âu với các nhãn hàng nổi tiếng như Evian, Activia, Hi-Q Gold, Dumex Gold… Với triết lý “Kinh doanh quan trọng như con người”, đơn vị này đã tạo dựng môi trường làm việc cởi mở, nhân văn khiến mọi nhân viên đều say mê làm việc. Những con số “biết nói” như mỗi ngày có 70 triệu người dùng sản phẩm, mỗi năm 5,1 triệu tấn sữa tươi các loại, 1,5 tỷ lít nước khoáng Evian được sản xuất… là thành quả mà Danone có được.
 
Ngoài ra, một số “đại gia” như tập đoàn hàng không giá rẻ Southest Airlines, công ty thép Le cas Tata Steel, HCL Technologies giành được thành công đều nhờ có công nhận đối với đóng góp của quản lý nhân lực.
 
Coi nhân viên là số 1
 
Ông Charles đặc biệt ấn tượng khi tiếp xúc với lãnh đạo công ty HCL Technologies (Ấn Độ) bởi triết lý “Employees First, Customers Second” (Nhân viên là số 1, khách hàng số 2). Đây là lối đi khác biệt đưa đến thành công mà CEO Vineet Nayer đã sử dụng trong việc xây dựng và quản trị doanh nghiệp.
 
Bà Lâm Phương Nga, Phó phòng Nhân sự Bảo Việt Nhân thọ cũng đồng tình với quan điểm của ông Charles. Theo bà, để phát triển doanh nghiệp, các CEO cần tuyển dụng những người phù hợp với công ty và xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thiết lập được một môi trường làm việc minh bạch, ở đó mỗi nhân viên cần biết rõ vai trò của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng nấc thang thăng tiến để mọi người cùng phấn đấu.
 
Chiến lược quản trị mới: Coi nhân viên là số 1 (1)
Bà Lâm Phương Nga, Phó phòng Nhân sự Bảo Việt Nhân thọ.
 
Trong quá trình xây dựng đội ngũ nhân sự, điều cốt lõi là không được phá vỡ nền văn hóa doanh nghiệp. Nhất là các công ty Việt Nam, các CEO cần thay đổi dần dần để  không làm tổn thương văn hóa gia đình vốn rất đặc trưng ở Việt Nam.
 
Đứng trước câu hỏi “Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần làm gì để giữ chân được nhân tài?”, bà Nga cho biết: “Doanh nghiệp phải dự phòng cho một lực lượng nhân sự thay đổi. Nhiều khi nhân viên muốn gắn bó với mình nhưng do điều kiện khách quan, một lúc nào đó họ phải bơi ra biển lớn. Đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, với triết lý “Employees First, Customers Second” mà ông Charles nêu ở trên, rất có thể người lao động sẽ ở lại với doanh nghiệp lâu hơn dự định”.
 
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tài năng, ông Charles bổ sung: “Tài năng giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt. Tỷ lệ các công ty mẹ cử nhân viên sang làm việc ở các công ty con rất thấp vì chi phí trả lương lớn. Các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam thường tuyển dụng nhân tài địa phương. Sau khi tuyển về, họ tiến hành đào tạo theo chính sách và văn hóa của công ty để khi làm việc người lao động có thể hòa nhập tốt với môi trường mới”.
 
 
Tân Hoa

Theo Trí Thức Trẻ