Ngôi sao YouTube Felix Kjellberg - Ảnh chụp màn hình trang Business Insider.
Theo trang Business Insider, cách đây một tháng, ngôi sao YouTube Felix Kjellberg, người sở hữu kênh “PewDiePie” thu hút 5 tỉ lượt xem, đã gây xôn xao khi có thông tin anh kiếm được đến 7,4 triệu USD/năm từ kênh chia sẻ video này.
Trang web xây dựng các thống kê về YouTube Statsheep cho hay với lượng truy cập hiện tại, kênh “PewDiePie” kiếm được 3,5 triệu USD mỗi 4 tháng, hay nói cách khác là 10,5 triệu USD/năm, chỉ từ việc sản xuất và đăng tải video hài hước về các trò chơi điện tử. Kjellberg thậm chí còn làm một video đặc biệt “dành tặng” những người có ý cho rằng anh đã được trả tiền quá nhiều.
Tuy vậy, cuộc chơi trên YouTube không phải là kiếm được thu nhập bao nhiêu, mà là giữ lại được mấy phần trong tổng thu nhập đó.
Trên khoản tiền bạn kiếm được ban đầu - tức số tiền chưa tính thuế và chi phí điều hành tài khoản, chỉnh sửa video - YouTube luôn giữ lại 45% doanh thu quảng cáo trên các video của bạn. Vì vậy, trên thực tế, kênh “PewDiePie” không đem lại cho chủ nhân của nó nhiều tiền như ước tính.
10,5 triệu USD tổng doanh thu của “PewDiePie” chỉ còn lại 5,775 triệu USD sau khi YouTube lấy 45% tiền quảng cáo. Lấy số tiền đó trừ đi 30% thuế, Kjellberg còn lại khoản tiền 4,0425 triệu USD.
Khoảng 4 triệu USD có thể được xem là mức lương khá cao. Song không phải tất cả các ngôi sao YouTube đều may mắn như Kjellberg. Phù thủy trang điểm gốc Việt Michelle Phan, người sở hữu kênh YouTube 1 tỉ lượt xem, là một trong số đó.
Phù thủy trang điểm gốc Việt Michelle Phan - Ảnh: YouTube.
Theo ước tính của Statsheep trên số liệu truy cập hiện tại, Michelle Phan sẽ kiếm được 126.000 USD trong 4 tháng tới, tương đương 378.000 USD/năm từ YouTube. Sau khi bị YouTube lấy 45% và trừ tiếp 30% thuế, cô còn lại 145.530 USD/năm.
Thêm vào đó, thu nhập ròng kể trên chưa được trừ đi chi phí chỉnh sửa video đắt đỏ. Lấy ví dụ trường hợp của Olga Kay, một ngôi sao YouTube thường đăng tải video độc thoại về cuộc sống của phụ nữ Mỹ.
Olga Kay không quá nổi tiếng như Phan và Kjellberg. Cô có 1 triệu người theo dõi, kiếm được từ 100.000 USD đến 300.000 USD trong 3 năm qua.
Kay đăng tải khoảng 20 video/tuần, tất cả đều được lấp đầy bằng quảng cáo thông qua chương trình đối tác YouTube tự động của Google. Quảng cáo chỉ chạy trên một lượng nhỏ video và ước tính, chủ nhân video thường nhận được 2.000 USD cho mỗi 1 triệu lượt xem quảng cáo khi YouTube chưa lấy đi 45%. Áp dụng cho trường hợp của Kay, cô kiếm được chừng 7,6 USD cho mỗi 1.000 lượt xem quảng cáo.
Song chi phí mà Kay bỏ ra để chỉnh sửa video vào khoảng 500 USD đến 700 USD/tuần. Do đó, nếu thu nhập của cô là 100.000 USD/năm, thì số tiền thực sự còn lại chỉ là 13.500 USD/năm.
Jason Calacanis, doanh nhân nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, người tham gia chương trình đối tác chuyên nghiệp của YouTube, cũng cho hay để có 10 video chất lượng, anh phải bỏ ra từ 25.000 USD đế 75.000 USD chỉnh sửa chúng.
Theo Thanh Niên