5 cảm xúc cần tránh khi đưa ra quyết định tài chính

30/08/2016 10:53

5 cảm xúc cần tránh khi đưa ra quyết định tài chính

Theo website chuyên về tài chính cá nhân GOBankingRates, người ta thường đưa ra những quyết định sai lầm về tiền bạc khi họ không ở trong một trạng thái cảm xúc cân bằng.


Dưới đây là 5 trạng thái cảm xúc cơ bản nên tránh mỗi khi phải đối mặt với quyết định quan trọng, đặc biệt là những quyết định liên quan đến tiền bạc và tài chính.

 

1. Ghen tỵ

Rất nhiều nhà đầu tư đưa ra những quyết định sai lầm do ghen tỵ và tâm lý bắt chước. Khi thấy người quen mua một cổ phiếu nào đó với giá cao và kỳ vọng nó sẽ tăng gấp đôi giá trị sau nửa tháng, cảm xúc ghen tỵ và thói quen bắt chước khiến chúng ta rất dễ mua theo quyết định của họ mà quên suy xét, đánh giá kỹ vấn đề.

 

Thêm nữa, giả sử nhà đầu tư đang có cảm giác lưỡng lự, rồi nửa tháng trôi qua, bất ngờ nhận được tin cổ phiếu kia thực sự đã tăng gấp đôi giá trị. Lúc này, 60% nhà đầu tư trước đó còn lưỡng lự sẽ lập tức mua vào cổ phiếu đó, thậm chí sử dụng đòn bẩy tài chính mà không cần đánh giá và cân nhắc lý do tại sao người khác mua cổ phiếu, tại sao cổ phiếu lại tăng giá... Việc mua cổ phiếu ở giai đoạn “nóng” vì thế sẽ càng dễ gặp rủi ro hơn.

 

2. Sợ hãi

Theo nghiên cứu của GOBankingRates, nhà đầu tư chứng khoán thường đưa ra lý do khiến họ tiếc nuối nhất là bởi không biết cách chế ngự sự sợ hãi.

 

Thông thường, khi một cổ phiếu, một mảnh đất, hay vàng… có dấu hiệu giảm giá, hoặc xuất hiện một vài thông tin xấu, sự sợ hãi rất dễ khiến những nhà đầu tư nhanh chóng bán ra. Họ gần như không chờ đợi cũng như không dành chút thời gian nào để đánh giá tình hình, từ đó tự mình đánh mất đi cơ hội.

 

3. Hy vọng "mù quáng"

Hy vọng không phải luôn tốt trong mọi trường hợp, đặc biệt là trong đầu tư.

Hai nhà tâm lý học Knox và Inkster từng làm một thí nghiệm và nhận được kết quả như sau: Tại những cuộc đua ngựa, 30 giây trước khi đặt tiền, 90% người chơi cảm thấy lưỡng lự và không chắc chắn; 30 giây sau khi đặt tiền, 80% những người này lại cảm thấy lạc quan và tin tưởng hơn rất nhiều. Thậm chí họ còn nhanh chóng từ chối lời đề nghị mua lại tấm vé cược của nhóm nghiên cứu với giá hời, cho dù cơ sở để họ sở hữu tấm vé này vẫn y như cũ.

 

Vì vậy, hy vọng, đặc biệt khi gắn với những vấn đề liên quan đến tiền bạc, đôi khi sẽ dẫn chúng ta đến hoang tưởng, tự lừa dối chính mình, hy vọng vào một “ngày mai tươi sáng hơn” và do đó cũng che mờ đi những cơ hội, những nguồn lợi khác mà lẽ ra chúng ta có thể nhận được.

 

4. Bướng bỉnh

Hầu hết những người thành công đều khá “cứng đầu”, bởi đây là tố chất cần thiết giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách và không bỏ cuộc giữa chừng để đi đến thành công. Nhưng đây cũng là một con dao hai lưỡi. Một khi chúng ta đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, sự cứng đầu đôi khi dẫn chúng ta đến những thua lỗ vô cùng lớn.

 

Chúng ta mua một số cổ phiếu sau khi đã tính toán rất kỹ mọi trường hợp xấu nhất. Sau đó cổ phiếu này bắt đầu đợt giảm giá đầu tiên, cái tôi và sự bướng bỉnh khiến chúng ta nói không với việc bán ra cổ phiếu. Nhưng sau đó, dù cổ phiếu tiếp tục giảm sâu hơn, thậm chí vượt qua ngưỡng cắt lỗ, thì cái tôi và sự kiêu ngạo từng giúp chúng ta không bỏ cuộc, lúc này tiếp tục lên tiếng. Chúng ta tiếp tục giữ cổ phiếu đó. Nếu không có phép màu xảy ra, nhiều khả năng chúng ta sẽ mất trắng.

 

5. Tự mãn

Nhà đầu tư thành công không phải là người có số lượng các quyết định đầu tư thành công nhiều hơn số lượng các đầu tư thất bại. Người đầu tư thành công là người có lợi nhuận thu về nhiều hơn chi phí bỏ ra.

 

Bạn có thể thành công liên tiếp trong 9 thương vụ đầu tư trước đó, thậm chí là có những thương vụ bạn lãi gấp đôi. Nhưng chỉ một thương vụ thất bại, bạn có thể sẽ không còn lại gì.

 

Lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Vì vậy, trong đầu tư, hãy luôn cẩn trọng. Sự tự mãn sẽ che mờ đi rủi ro mà bạn lẽ ra phải cẩn trọng.

 

Cuối cùng, cách tốt nhất chúng ta có thể làm để chiến thắng cái bẫy của những cảm xúc ghen tỵ, sợ hãi, hy vọng mù quáng, bướng bỉnh hay tự mãn là xây dựng cho mình một kế hoạch thật chi tiết, cụ thể và tỉ mỉ, được gắn với một mục tiêu rõ ràng.

 

Theo Doanh Nhân Sài Gòn