Các hình thức Nhượng quyền thương mại quốc tế
15/09/2014 01:34
Mặc dù hầu hết các hệ thống nhượng quyền đều thích hình thức nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực khi mở rộng trên phạm vi quốc tế hơn, nhưng đôi khi người ta cũng chọn những hình thức khác bao gồm nhượng quyền một đơn vị kinh doanh riêng lẻ, thỏa thuận phát triển khu vực hoặc thỏa thuận liên doanh.
Nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực. Theo thỏa thuận này, người mua độc quyền kinh doanh khu vực (còn gọi là Bên nhượng quyền thứ cấp) được cấp quyền thương mại trên toàn bộ hoặc một khu vực của một quốc gia. Người mua độc quyền kinh doanh khu vực, có thể là một cá nhân, một nhóm người hay một công ty, có quyền phát triển trên toàn bộ lãnh thổ hoặc nhượng lại quyền thương mại cho các bên thứ ba (Người mua quyền thương mại thứ cấp).
Bên nhượng quyền huấn luyện bên mua độc quyền kinh doanh khu vực. Đến lượt mình, người mua độc quyền kinh doanh khu vực sẽ tuyển chọn và đào tạo người mua quyền thương mại thứ cấp để quản lý những đơn vị kinh doanh riêng lẻ tại nước mình. Trên thực tế, người mua độc quyền kinh doanh khu vực là Bên nhượng quyền tại nước mình và hưởng một phần khoản phí bản quyền vì có công hỗ trợ người mua quyền thương mại riêng lẻ.
Nhượng quyền phát triển khu vực. Tương tự như hợp động Nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực – là cá nhân, nhóm người hay một công ty được quyền phát triển toàn bộ hay một khu vực của một quốc gia. Tuy nhiên, không giống như Nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực, nhượng quyền phát triển khu vực chỉ tập trung (điều hành) kinh doanh chứ không bán quyền kinh doanh. Người phát triển khu vực cần có tiềm lực tài chính và khả năng quản lý do không có người mua quyền thương mại thứ cấp để chia sẻ rủi ro và vốn theo yêu cầu kinh doanh.
Nhượng quyền một đơn vị kinh doanh riêng lẻ. Các hệ thống nhượng quyền Hoa Kỳ hiếm khi chấp nhận hình thức Nhượng quyền một đơn vị kinh doanh riêng lẻ ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, người mua quyền thương mại có quyền mở một đơn vị kinh doanh nhượng quyền ở quốc gia mình.
Liên doanh. Hai bên, bên nhượng quyền và người Bên nhượng quyền thứ cấp cùng góp vốn đầu tư theo thỏa thuận này. Hai bên sẽ đàm phán về quyền sở hữu và mức đầu tư tài chính như thế nào. Bên nhượng quyền thượng đóng góp chuyên môn, hệ thống kinh doanh và tiền mặt. Đối tác nước ngoài đóng góp tiền và các thông tin về địa phương. Về cơ bản Công ty liên doanh trở thành Bên nhượng quyền thứ cấp.
Hệ thống nhượng quyền thường không quan tâm đến mô hình liên doanh do dễ xảy ra rủi ro về tài chính, trừ khi đó là quốc gia họ muốn thâm nhập vào mà không còn sự lựa chọn nào khác.
Các điều khoản hợp đồng
Chi tiết của hợp đồng sẽ thay đổi tùy theo nội dung hợp đồng, ví dụ, nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực, đơn vị kinh doanh nhượng quyền riêng lẻ, phát triển khu vực hoặc liên doanh. Như bạn có thể hình dung, một hợp đồng liên doanh có thể dài dòng và phức tạp do phải lý giải rõ ràng nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên. Ngoài ra, nhất thiết phải thuê một luật sư có đủ trình độ và năng lực để soạn thảo hợp động liên doanh cũng như bất kỳ hình thức nhượng quyền quốc tế nào khác.
Do nhượng quyền thương mại quốc tế phần lớn là nhượng quyền độc quyền kinh doanh khu vực nên chúng tôi tập trung vào vấn đề này.
Phí nhượng quyền quốc tế Độc quyền kinh doanh khu vực
Phí nhượng quyền thứ cấp thường từ 50.000 đến hơn 1 triệu đôla
Các khoản phí cấp phép thường là nguyên nhân của những tranh cãi giữa bên nhượng quyền và bên mua độc quyền kinh doanh khu vực (Bên nhượng quyền thứ cấp). Thách thức ở đây là phải thỏa thuận được một khoản phí, thường từ 50.000 đến hơn 1 triệu đôla, để điều hòa lợi ích của cả hai bên.
Bên nhượng quyền rất có thể sẽ đòi một khoản phí đáng kể vì tất cả hoặc một vài lý do như sau:
- Bên nhượng quyền sẽ từ bỏ quyền mở các đơn vị kinh doanh hoặc nhượng quyền cho bên thứ ba. Vậy nên, hệ thống nhượng quyền muốn được đền bù cho những cơ hội phát triển bị mất đi này.
- Hợp đồng quốc tế sẽ rất tốn kém đối với bên nhượng quyền về phương diện nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Các chi phí bao gồm: huấn luyện ban đầu cho bên nhượng quyền thứ cấp và các đại diện, chi phí ăn ở và đi lại của các chuyên viên được cử đi đào tạo và trợ giúp bên nhượng quyền thứ cấp; chi phí thay thế tạm thời những chuyên viên này; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dịch tài liệu, ấn phẩm quảng cáo và chi phí pháp lý khác.
- Bên nhượng quyền cho rằng cần phải có một khoản phí đáng kể để bảo đảm là người mua cam kết với thành công của hệ thống nhượng quyền tại các quốc gia mục tiêu.
Tất nhiên, đối với bên nhượng quyền thứ cấp thì lại khác. Họ chỉ muốn trả khoản phí nhượng quyền tối thiểu vì những lý do như sau:
- Bên nhượng quyền thứ cấp phải chịu rủi ro rất lớn về tài chính. Bên cạnh phí nhượng quyền, bên nhượng quyền thứ cấp còn phải chịu các chi phí như mở thêm các đơn vị kinh doanh trước khi bán lại quyền kinh doanh; xây dựng cơ sở đào tạo những người mua nhượng quyền thứ cấp; mua đất đai; nhà cửa hoặc thuê mặt bằng kinh doanh bằng những khoản nợ dài hạn; trang trải các chi phí đào tạo, đi lại, ăn ở của các chuyên viên của bên nhượng quyền được gửi sang để đào tạo.
- Bên mua phải đối mặt với rủi ro kinh doanh do hệ thống nhượng quyền chưa được thử nghiệm ở quốc gia mục tiêu. Ngoài ra, tên thương mại của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể chưa được biết đến ở quốc gia sở tại của bên nhượng quyền thứ cấp.
- Tùy thuộc vào quá trình đàm phán, bên nhượng quyền thứ cấp phải gánh chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí nghiên cứu thị trường, dịch thuật tài liệu và các nghĩa vụ tương tự khác…
Chương trình phát triển
Tốc độ mở các đơn vị kinh doanh nhượng quyền cũng là vấn đề mâu thuẫn giữa bên nhượng quyền và bên nhượng quyền thương mại thứ cấp. Bên nhượng quyền đòi hỏi là phải có một kế hoạch phát triển nhanh, trong khi bên nhượng quyền thứ cấp muốn phát triển ở một mức độ vừa phải. Hy vọng trước khi đạt được thỏa thuận về vấn đề này, các bên sẽ phải đàm phán rất nhiều.
Bên nhượng quyền thấy yêu cầu bên nhượng quyền thứ cấp mở tối đa số đơn vị kinh doanh trong khoảng thời gian ngắn nhất là chính đáng do công ty đã từ bỏ quyền phát triển tại quốc gia mục tiêu. Ngoài ra, việc phát triển thị trường là do bên nhượng quyền thứ cấp kiểm soát.
Bên nhượng quyền thứ cấp, dù sao cũng sẽ không muốn tăng thêm rủi ro tài chính và kinh doanh nếu đồng ý với kế hoạch phát triển dồn dập của bên nhượng quyền đưa ra. Vấn đề lo ngại khác là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đề ra thì phải mở các đơn vị kinh doanh tại những địa điểm thứ yếu không quan trọng, như thế sẽ làm tăng khả năng thất bại của toàn bộ doanh nghiệp.
Mary E.Tomzack
www.nhuongquyenvietnam.com