Bí quyết tự thẩm định bản thân trước khi gia nhập một hệ thống nhượng quyền
14/06/2015 11:49
Phần lớn các hệ thống nhượng quyền được quản lý bài bản đều kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ lý lịch của người mua quyền thương mại tiềm năng. Quá trình tầm soát điển hình phân tích các nguồn lực, kinh nghiệm và cá tính của người mua. Sau đây là cơ hội để bạn tự thẩm định tính cách và mức độ sẳn sàng của chính mình khi quyết định gia nhập một hệ thống nhượng quyền thương mại.
Vì sao có quá trình thẩm định
Rất có thể, tiêu chí đánh giá đầu tiên được xem xét và điều tra sẽ là khả năng tài chính của ứng viên. Một bảng câu hỏi đánh giá sẽ bao gồm những thông tin sau:
Tài sản – bao gồm tiền mặt, nhà cửa theo giá thị trường, các khoản tiết kiệm, các bất động sản khác, cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm (giá trị tiền mặt), ôtô, cơ sở kinh doanh của bạn, các khoản phải thu và các tài sản khác.
Nợ phải trả - gồm các khoản vay và các thương phiếu phải trả, các tài khoản mua chịu phải trả, các khoản thế chấp bất động sản, các khoản vay thế chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và các khoản nợ khác
Giá trị tài sản ròng – là tổng tài sản trừ tổng nợ phải trả
Các nguồn thu nhập – gồm các khoản lương, thưởng và tiền hoa hồng, cổ tức và tiền lãi, thu nhập từ bất động sản và các nguồn thu khác
Bảng câu hỏi đánh giá tương tự này sẽ hỏi về quá trình học vấn và công việc trước đây của bạn. Thường thì người ta yêu cầu bạn cho biết tên của tổ chức hoặc cá nhân có uy tín có thể cung cấp thông tin tham khảo về thành tích trong quá khứ và đời tư của bạn.
Nhiều chủ thương hiệu còn hỏi để xác định động cơ mua quyền thương mại của ứng viên cũng như tìm hiểu về cá tính của người mua. Bạn có thể gặp phải những câu hỏi đại loại như: Tại sao bạn lại quan tâm đến việc hợp tác cùng thương hiệu XYZ? Tại sao bạn lại cho rằng mình sẽ thành công cùng thương hiệu XYZ? Mục tiêu của bạn trong 3 năm tới là gì?
Để đảm bảo ứng viên hiểu rõ trách nhiệm của cả người mua và người bán quyền thương mại, Bên nhượng quyền sẽ hỏi những câu như: Tại sao người mua lại phải trả phí nhượng quyền ban đầu? Tại sao người mua phải trả phí nhượng quyền liên tục trong quá trình hoạt động?
Nếu bạn “vượt qua” được vòng sơ khảo và bạn được mời tới trụ sở công ty hoặc trụ sở khu vực để trao đổi thêm, bạn có thể gặp những câu hỏi bổ sung, kiểu này và thậm chí có thể phải trả lời những “câu hỏi kiểm tra tính cách” để xem liệu bạn có tính cách phù hợp cho việc điều hành thành công một doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền hay không.
Bảng đánh giá chi tiết bạn phải thực hiện
Bạn đã có những phẩm chất cần thiết để thành công khi mua quyền thương mại chưa? Việc trả lời các câu hỏi sau đây và sau đó là cho điểm những câu trả lời đó sẽ đưa bạn tới suy nghĩ đúng đắn để bắt việc luyện tập nội tâm xác định liệu kinh doanh nhượng quyền có là lựa chọn đúng đắn với bạn hay không.
Hãy trả lời tất cả các câu hỏi dưới đây bằng cách chọn phương án “a”, “b” hoặc “c”.
1. Tôi cần kiểm soát mọi việc và thích tự mình quyết định mọi chuyện. Điều này có đúng với bạn không?
a. Đúng một phần
b. Hoàn toàn đúng
c. Hoàn toàn sai
2. Bạn có thể điều hành công việc hàng ngày của một doanh nghiệp nhượng quyền, bao gồm cả việc làm thay cho nhân viên vắng mặt không?
a. Hoàn toán có thể
b. Tôi không chắc những sẽ thử
c. Không, điều này là quá khó
3. Động lực và nghị lực đưa bạn tới thành công mạnh mẽ như thế nào?
a. Cực mạnh, chẳng có gì cản nổi tôi
b. Mạnh, nhưng những vấn đề khác trong cuộc sống cũng quan trọng đấy
c. Thành công trong kinh doanh không phải là một trong những mục tiêu của tôi
4. Bạn có đánh đồng việc mua quyền thương mại với “mua việc làm” không?
a. Không, chẳng ngang nhau chút nào
b. Đúng vậy, chúng ngang nhau ở một vài mức độ nào đó, tôi mệt mỏi vì đi phỏng vấn xin việc
c. Đúng vậy, tôi xem chúng hoàn toàn ngang nhau, tôi đang bị thất nghiệp
5. Bạn có sẵn sang làm việc nhiều giờ để kinh doanh thành công không?
a. Có, lâu theo mức cần thiết của công việc
b. Có thể, nếu công việc không cản trở thời gian tiêu khiển của tôi
c. Không, sống được bao lâu mà phải làm việc cật lực
6. Bạn có thể làm việc mà không có giám sát hoặc nhân viên hỗ trợ không?
a. Hoàn toàn có thể
b. Tôi sẽ thử, nhưng tôi sẽ làm việc tốt hơn với một nhóm nhân viên được tổ chức
c. Không, dù sao tôi cũng đã quá quen làm việc với kiểu một ông chủ và nhân viên khác rồi
7. Bạn có thể quản lý thời gian của mình và sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên không?
a. Có, gần như lúc nào tôi cũng làm “việc ưu tiên” trước tiên, sau đó mới làm tới các việc khác
b. Có, trừ khi công việc quá cuốn hút, sau đó dường như tôi chẳng còn hơi sức nữa
c. Có, nhưng tôi không thích đặt kế hoạch trước, vì vậy có khi công việc thực hiện đúng thời gian nhưng có khi lại không
8. Bạn có 5 năm kinh nghiệm trở lên trong quản lý hoặc giảng dạy không?
a. Có
b. Dưới 5 năm kinh nghiệm
c. Không, chưa hề có kinh nghiệm quản lý hoặc giảng dạy
9. Bạn đã bao giờ thuê hoặc sa thải nhân viên chưa?
a. Có, tôi đã làm cả hai việc đó mà không gặp khó khăn gì
b. Có , nhưng tôi ghét việc đó, đặc biệt là sa thải nhân viên, vì vậy tôi có khuynh hướng chập nhận nhân viên có thành tích kém trong công việc được ở lại làm việc lâu dài
c. Không, đây không phải là phần việc của tôi
10. Đã bao giờ bạn huấn luyện nhân viên chưa?
a. Có, và phần lớn mọi người làm việc tốt sau khi được huấn luyện và gắn bó lâu dài với công việc.
b. Có, nhưng đó không phải công việc ưa thích của tôi và nhiều nhân viên mới thuê đã rời khỏi doanh nghiệp
c. Không
11. Bạn cảm thấy thế nào về việc thực hiện công việc bán hàng?
a. Tôi thích bán hàng và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của tôi
b. Tôi không quá say mê với việc bán hàng, nhưng tôi biết đây là chức năng quan trọng
c. Tôi ghét bán hàng và không mong muốn có dính dáng gì với công việc này.
12. Hiện tại bạn có đủ vốn (từ tài sản cá nhân hoặc các khoản vay) để vượt qua giai đoạn khởi sự việc kinh doanh không?
a. Có, tôi đã và đang lập kế hoạch cho vấn đề này
b. Bây giờ tôi chưa có đủ vốn nhưng tôi có ý tưởng rất tốt để có thể có vốn
c. Chưa có đủ, tôi hy vọng bắt đầu kiếm tiền ngay lập tức
13. Người mua quyền thương mại thường ký hợp đồng với nhà đầu tư, các định chế tín dụng, các công ty cho thuê và các đối tác khác. Bạn đã chuẩn bị về mặt tinh thần khi gặp những rủi ro tài chính chưa?
a. Có, tôi hiểu và chấp nhận rủi ro
b. Có, nhưng tôi chắc sẽ bị sốc về mặt tinh thần và tình cảm nếu tôi thua lỗ
c. Không, tôi đã làm việc cật lực để kiếm tiền không thể đầu tư vào bất kỳ rủi ro nào
14. Vợ (chồng) bạn có khuyến khích bạn khởi sự kinh doanh không?
a. Có, rất ủng hộ
b. Không biết
c. Không, chẳng ủng hộ chút nào cả
15. Bạn có dễ dàng từ bỏ kinh doanh không nếu mọi việc không diễn ra đúng như dự định?
a. Không, tôi rất kiên định
b. Đôi khi tôi rất dễ từ bỏ nhưng cũng có lúc tôi quyết tâm
c. Có, tôi tiếp tục với thử thách tiếp theo
Cách Cho điểm
Hãy tự cho mình 3 điểm với mỗi câu trả lời “a”, 2 điểm với mỗi câu trả lời “b” và 1 điểm với mỗi câu trả lời “c”. Hãy tính tổng số điểm.
Số điểm thể hiện như thế nào?
45-40 điểm: Tín hiệu tốt! Nếu bạn suy nghĩ nghiêm túc về việc sở hữu một doanh nghiệp nhượng quyền thì bạn có những phẩm chất và kinh nghiệm cơ bản để thành công.
39-33 điểm: Phải rất cẩn thận! Hãy nghĩ kỹ về những câu trả lời của bạn và đánh giá lại xem liệu nhượng quyền thương mại có phù hợp với bạn không.
32 điểm và thấp hơn: Trông có vẻ gặp rắc rối đây! Các câu trả lời của bạn cho thấy hoặc là bạn sẽ không thích hợp lắm hoặc là bạn không thành công khi sở hữu nhượng quyền thương mại.
Sau khi bạn cho điểm các câu trả lời của mình, dù kết quả ra sao, hãy tự hỏi bản than, liệu bạn có khát vọng mạnh mẽ vươn tới hay không. Đây là đặc điểm chung để thành công trong cả doanh nghiệp nhượng quyền và công việc kinh doanh độc lập.
Vân Anh (Tổng hợp)
Theo Nhượng Quyền Việt Nam