1. “Ba người Nhật biến thành một con rồng”
“Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa” đã ngấm sâu vào trong văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản, trở thành một quan niệm kinh doanh và triết lý xử thế, từ đó hun đúc nên “tinh thần tập thể” số một thế giới.
“Dĩ hòa vi quý” chỉ sự hài hòa, hợp tác, hữu ái, tương trợ khoan dung, nhẫn nại, cảm thông, tha thứ,… Chỉ có tinh thần này, toàn thể nhân viên trong doanh nghiệp mới có thể tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết tương trợ, phối hợp nhịp nhàng, mới có thể sinh ra sức mạnh vô tận; doanh nghiệp từ đó mới có thể phát huy được sức cạnh tranh vô cùng to lớn.
Một nhà văn từng nói “Một người Nhật là một con giun, nhưng 3 người Nhật ở cùng nhau sẽ biến thành một con rồng”. Nguyên nhân chính là do người Nhật đã phát huy huy hữu hiệu tinh thần “hòa”, thông qua sự đoàn kết dân tộc mà sinh ra một “hợp lực” tăng trưởng với cấp số nhân.
2. Ông chủ như cha mẹ
Doanh nhân Nhật Bản có tinh thần nghĩa vụ mạnh mẽ đối với nhân viên. Giữa ông chủ và nhân viên có mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Trong quan niệm của họ, ông chủ chính là “cha mẹ”, còn nhân viên chính là “con cái”. Ông chủ phải hết lòng đảm bảo cho nhân viên có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, không thiếu bất kỳ nhu yếu phẩm sinh hoạt nào. Ông chủ thậm chí còn phải giúp đỡ nhân viên tìm người yêu, giúp con cái của nhân viên đến học ở các trường học danh tiếng giống như quan tâm đến con cái của mình.
Để tăng cường tinh thần trách nhiệm và tình cảm thân thiết của nhân viên đối với mình, các ông chủ Nhật Bản thường xuyên tìm cơ hội tiếp xúc với nhân viên, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân viên. Chẳng hạn, họ cùng nhân viên tham gia các hoạt động tập thể như bơi lội, tắm suối nước nóng, dã ngoại,… do công ty tổ chức, thậm chí họ còn đến nhà thăm nhân viên. Khi công ty gặp khó khăn, ông chủ là “chủ nhà” đầu đội trời chân đạp đất, họ sẽ bảo vệ nhân viên của mình giống như gà mẹ bảo vệ đàn gà con.
3. Sếp phải luôn nêu gương cho nhân viên
Làm gương cho nhân viên có tác dụng mạnh mẽ hơn cả quyền lực, doanh nhân Nhật Bản hiểu rõ điều này. Vì vậy, các ông chủ Nhật Bản luôn nghiêm khắc với bản thân và làm gương cho nhân viên bằng hành động thực tế của mình.
Ông Iue Toshio, Chủ tịch Hãng điện tử Sanyo, nói: “Muốn giáo dục người khác thì mình phải làm gương. Chỉ có dốc toàn lực xây dựng mình thành một người lãnh đạo doanh nghiệp đúng nghĩa, bạn mới có đủ tư cách để giáo dục và bồi dưỡng người khác. Tổng giám đốc kém phẩm chất muốn “tạo nên” thuộc cấp “chất lượng cao” là điều không thể. Cũng như vậy người lãnh đạo kém không thể lãnh đạo một doanh nghiệp ưu tú”. Do đó ông là người luôn đi làm việc đúng giờ và được mệnh danh là người đi công tác 48 lần 1 tháng.
Ông còn cho rằng xây dựng hình ảnh của bản thân không chỉ phải khắc khổ học tập, liên tục khơi gợi bản thân và không ngừng khám phá mà còn phải thường xuyên giữ tinh thần kỷ luật khắt khe - nhưng vẫn phải kiên trì - cũng như tinh thần hi sinh làm gương cho nhân viên trong doanh nghiệp.
4. Chế độ thuê suốt đời và chế độ thâm niên
Chế độ thuê suốt đời nghĩa là nhân viên được công ty tuyển dụng, sau khi thử việc và nhận định là đạt sẽ được làm nhân viên chính thức. Sau đó nếu không có vấn đề cá nhân thì nhân viên thường không bị sa thải, họ có thể được công ty thuê làm việc cho đến khi nghỉ hưu.
Chế độ thuê suốt đời có tác dụng rất lớn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Thứ nhất, nó giải tỏa được nỗi lo nhân viên thất nghiệp, thúc đẩy họ có thái độ tích cực đối với công việc và đãi ngộ, hướng đến kế hoạch lâu dài chứ không vì lợi ích trước mắt, từ đó giúp hóa giải mâu thuẫn do việc tăng lương và thăng chức gây ra, giúp phát huy tính chủ động và tính tích cực của nhân viên, nâng cao năng suất lao động. Thứ hai, nó giúp bồi dưỡng tinh thần chủ nghĩa tập thể cho nhân viên. Thứ ba, nó giúp doanh nghiệp tiến hành đào tạo nhân viên một cách có kế hoạch theo từng bước cụ thể. Thứ tư, nó thúc đẩy chủ doanh nghiệp không ngừng cải thiện trình độ quản lý để giải quyết vấn đề thừa nhân lực do kỹ thuật tiến bộ.
“Thả dây dài, câu cá lớn”
Các doanh nhân Nhật Bản thành công đều có tầm nhìn chiến lược về thị trường lâu dài. Họ luôn hướng mục tiêu đến tương lai. Một khi đã nhắm một thị trường nào đó thì họ sẽ không chú ý đến lợi ích ngắn hạn, không tính toán được mất trước mắt. Họ chấp nhận trả giá đắt để chiếm lĩnh thị trường tương lai.
1. Chất lượng và uy tín
Chú trọng chất lượng và uy tín là một trong những mưu lược quan trọng trong khai thác thị trường của doanh nhân Nhật Bản. Họ cho rằng sản xuất hàng giả, hàng nhái không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi ngu xuẩn cắt đứt con đường làm giàu của mình. Họ hiểu rằng thứ đảm bảo cho sự đứng vững và mở rộng thị trường hàng hóa của chính mình là sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tốt.
Họ hiểu rằng uy tín là ngọn nguồn sinh mệnh của doanh nghiệp. Uy tín còn quý hơn vàng. Dó đó họ luôn chú trọng đến vấn đề chất lượng và sẵn sàng trả giá rất lớn để bảo vệ hoặc gây dựng uy tín của doanh nghiệp.
2. “Thả dây dài, câu cá lớn”
Nhẫn nại là đức tính vốn có của doanh nhân Nhật Bản. Họ giỏi đầu tư thị trường với tầm nhìn xa bằng phương thức “thả dây dài, câu cá lớn”. Một khi đã quyết định mở một thị trường nào đó họ sẽ có đủ nhẫn nại để chờ đợi lợi nhuận xuất hiện. Đối với doanh nhân Nhật Bản, trong giai đoạn khởi đầu, chen chân và đứng vững trong thị trường còn quan trọng hơn cả lợi nhuận nên họ sẵn sàng chịu thiệt hại trước mắt để lấy thành công tương lai. Các doanh nhân thành công của Nhật Bản phần lớn đều coi trọng kế hoạch, chiến lược lâu dài, đặt mục tiêu vào thị trường tương lai.
3. Nắm bắt thông tin nhanh
Doanh nhân Nhật Bản đánh chiếm thị trường nước ngoài còn có một biện pháp rất thông minh nữa, đó là dựa vào mạng lưới thông tin khổng lồ để thu thập thông tin kinh tế của các nước, qua đó phát hiện các manh mối, tìm kiếm thị trường tiềm năng, sau đó làm tốt công tác chuẩn bị về các phương diện. Như thế, một khi nước nào đó phát thông tin nhu cầu ra bên ngoài, doanh nhân Nhật Bản sẽ có thể đi trước doanh nhân các nước khác và giành lấy đơn đặt hàng.
Đầu thập niên 60 của thế kỉ 20, Trung Quốc vừa xây dựng mỏ dầu Đại Khánh. Chuyện này được bảo mật rất nghiêm ngặt, ngay cả người Trung Quốc bình thường cũng không biết địa điểm của mỏ dầu Đại Khánh. Nhưng người Nhật Bản lại biết và còn biết rất rõ. Thì ra họ đã dựa vào các tư liệu rải rác trên một số tờ báo để phân tích ra.
4. Chiến lược tặng miễn phí
Về mặt khai thác thị trường, doanh nhân Nhật Bản còn áp dụng một biện pháp “thả dây dài, câu cá lớn”. Khi sản phẩm mới họ tung ra ít được biết đến trên thị trường, để mở đường tiêu thụ, doanh nhân Nhật ngoài ra sức quảng cáo, tiếp thị, còn thường xuyên áp dụng hình thức tặng miễn phí để mở rộng thị trường.
Đây không phải là hành động mù quáng mà là hành động đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Trước tiên họ tìm xem ở đâu có cá lớn, sau đó mới quăng dây dài đến chỗ có cá lớn. Nói theo thuật ngữ tiếp thị thì là họ đã sớm xác định thị trường mục tiêu.
5. Tự tạo ra thị trường
Định luật Say (Say’s Law) - một định luật nổi tiếng trong kinh tế học cho rằng: Trên thị trường sản phẩm, cung và cầu tác động lẫn nhau nhưng cầu do cung quyết định, vì tự thân cung luôn có thể mang lại cầu; có cung như thế nào thì sẽ có cầu như thế ấy. Doanh nhân Nhật đã vận dụng định luật này – họ dùng sản phẩm mới để dẫn cầu, tạo nên thị trường. Sony là một ví dụ điển hình.
Công ty Sony thành lập năm 1946 nhưng 30 năm sau đã trở nên nổi tiếng với nhãn hiệu “Sony” như một điều thần kỳ. Về thành công của hãng Sony, nguyên nhân nổi bật nhất chính là họ dám đổi mới, dùng sản phẩm mới để tạo ra nhu cầu và mở ra thị trường mới.
Khách hàng là thượng đế
Hầu hết doanh nhân của mọi quốc gia trên thế giới đều nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của khách hàng. Doanh nhân Châu Âu gọi khách hàng là “vua”, doanh nhân Trung Quốc gọi khách hàng là ông Thần Tài, còn doanh nhân Nhật gọi khách hàng là “Thượng Đế”. Nhưng nghiên cứu thấu triệt nhất về khách hàng, thực sự coi trọng tầm quan trọng của khách hàng, phục vụ khách hàng chu đáo nhất có lẽ phải kể đến doanh nhân Nhật.
1. Khách hàng là ưu tiên số 1
Ở Nhật Bản, đối với người tiêu dùng, chỉ cần họ muốn mua hàng là có thể mua được ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Nếu không đủ tiền họ có thể mua trả góp; nếu không có thời gian, sẽ có người đưa đến tận nơi; nếu không biết sử dụng, chỉ cần họ gọi một cú điện thoại là chủ cửa hàng sẽ cử người đến tận nơi lắp đặt, chạy thử và hướng dẫn cách sử dụng.
Doanh nhân Nhật cho rằng nếu người bán biết đứng trên lập trường của khách hàng, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, luôn suy nghĩ cho khách hàng thì họ nhất định sẽ được khách hàng tin cậy, sự nghiệp của họ nhất định sẽ có nền tảng vững chắc.
Yoshida Tadao - người sáng lập Công ty Khóa kéo YKK – từng nói: “Không suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì doanh nghiệp không thể làm ăn phát đạt. muốn có lợi thì trước hết ta phải gieo mầm thiện cho người cái thiện, sau đó cái thiện sẽ báo đáp ta”.
2. Toàn tâm toàn ý nghĩ cho khách hàng
Đây là phương châm kinh doanh của rất nhiều công ty lớn của Nhật Bản. Nhiều công ty lớn còn viết nó vào nội quy của mình.
Minh chứng cho điều này là Công ty Honda. Năm 1967, trong “làn sóng khiếm khuyết xe hơi” xảy ra ở Mỹ, thái độ của hãng Honda Nhật Bản đã khiến người Mỹ khâm phục. Vì sự an toàn tính mạng của người tiêu dùng, Honda đã chủ động khai báo khiếm khuyết. Honda đã dứt khoát kiên trì nguyên tắc kinh doanh “tất cả suy nghĩ cho khách hàng” của mình. Vì sự an toàn tính mệnh của khách hàng, hãng đã chấp nhận mạo hiểm với nguy cơ bị đóng cửa. Trong số tất cả các nhà sản xuất xe hơi, Honda là hãng đầu tiên khai báo với chính phủ Mỹ về các khiếm khuyết tồn tại ở dòng xe CT2000 của mình.
3. Hàng tốt giá rẻ là phương châm kinh doanh kinh hàng đầu
Thị trường luôn biến đổi khôn lường, sở thích của người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng. Nhưng có một chân lý bất biến: “hàng tốt giá rẻ” là yêu cầu chung của đa số người tiêu dùng. Về phương diện này, doanh nhân Nhật Bản đã làm gương cho doanh nhân thế giới. Họ kiên trì lấy thị trường làm trung tâm, tìm mọi cách tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và cung cấp hàng hóa chất lượng cao với giá rẻ cho người tiêu dùng.
Thị trường xe hơi và đồ điện gia dụng của Nhật phát triển muộn hơn so với nhiều nước Châu Âu nhưng lại có chất lượng tốt, giá rẻ, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, thậm chí còn áp đảo sản phẩm cùng loại của nhiều nước tiên phong. Bí quyết của người Nhật là hệ thống quản lý chất lượng hoàn thiện và kỹ năng quản lý giá thành độc đáo.
4. Lắng nghe ý kiến khách hàng
Người Nhật tuy đã thực hiện việc quản lý chất lượng toàn diện nghiêm ngặt nhưng họ hiểu rất rõ rằng quản lý chất lượng chặt chẽ đến mấy cũng không thể đảm bảo sản phẩm hoàn toàn không có vấn đề. Vì vậy họ coi dịch vụ hậu mãi là sự kéo dài tự nhiên của quản lý chất lượng toàn diện.
Trong mắt doanh nhân Nhật Bản, khái niệm “dịch vụ” không chỉ có nghĩa là tạo sự tiện lợi cho khách hàng mà còn có nghĩa là có thái độ ứng xử đúng mực khi xử lý sự không hài lòng và khiếu nại của khách hàng một cách công bằng, nhanh chóng và không hề miễn cưỡng.
"Nhân tài là tiền vạn năng"
Doanh nhân Nhật Bản cho rằng sự cạnh tranh của thị trường thực chất chính là sự cạnh tranh của nhân tài. Công ty nào có nhiều nhân tài nhất sẽ có thể dẫn đầu trên con đường cạnh tranh.
Doanh nhân Nhật Bản cho rằng sự cạnh tranh của thị trường thực chất chính là sự cạnh tranh của nhân tài. Đối với doanh nghiệp, tài sản quan trọng nhất, quý giá nhất không phải là vốn, cũng không phải là kỹ thuật tiên tiến và thiết bị hiện đại, mà là nhân tài kiệt xuất. Chỉ cần có nhân tài kiệt xuất thì doanh nghiệp coi như đã có kỹ thuật mới, có sản phẩm mới, có sức sáng tạo và tinh thần đổi mới vô cùng vô tận, có năng lực cạnh tranh sinh tồn và hiệu quả kinh tế.
Công ty nào có nhiều nhân tài nhất, đặc biệt là nhân tài ưu tú thì công ty đó sẽ có thể dẫn đầu trên con đường cạnh tranh.
Đặt nhân tố con người lên hàng đầu, doanh nhân Nhật Bản luôn tôn trọng nhân viên, thấu hiểu nhân viên, luôn mang đến cho nhân viên cảm giác ấm áp và thân thương, qua đó khơi dậy tính tích cực và sáng tạo của nhân viên.
Ông chủ và nhân viên là hai bánh của một chiếc xe
Nagano Shigeo - một doanh nhân nổi tiếng - từng nói một cách đầy ngụ ý rằng: “Ông chủ và nhân viên giống như hai bánh của một chiếc xe. Tầm quan trọng và trách nhiệm của họ giống nhau. Không có sự phối hợp mật thiết và khéo léo giữa ông chủ và nhân viên thì hai chiếc bánh xe này của doanh nghiệp sẽ khó vận hành bình thường. Vì vậy chức trách quan trọng nhất của người lãnh đạo doanh nghiệp là tập hợp những người có năng lực lại, làm cho họ phát huy tối đa trí tuệ và tài năng của họ.”
Doanh nhân Nhật Bản ý thức rõ rằng: chỉ khi được toàn thể nhân viên tín nhiệm và kính trọng, người lãnh đạo mới có thể đưa doanh nghiệp vươn lên, chiến thắng mọi trở ngại trong quá trình phát triển. Để có thể làm được điều đó, lãnh đạo phải coi nhân viên như con cái của mình, đồng thời quan tâm chu đáo và ra sức bồi dưỡng họ.
Giáo dục 80 năm trong cuộc đời
Người Nhật rất coi trọng giáo dục. Họ cho rằng: Tri thức là của cải, tri thức là tiền bạc! Việc bồi dưỡng nhân tài là đại kế trăm năm chỉ được phép thành công chứ không được phép thất bại đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Người Nhật đề ra khẩu hiệu giáo dục “Giáo dục 80 năm trong cuộc đời”. Họ cho rằng: “Muốn tạo ra được môi trường như vậy, ngoài giáo dục cơ sở ra thì trong lịch trình 80 năm của một đời người, bất kỳ lúc nào cũng có thể học tập”.
Doanh nhân Nhật kết luận rằng, chi phí dành cho việc đào tạo giáo dục nhân viên sẽ là sự đầu tư “một vốn vạn lời”. Vì vậy, tinh lực, nhân lực và tài lực mà họ dành cho việc giáo dục đào tạo nhân viên có thể nói là hàng đầu thế giới.
Nhân viên khi bước chân vào doanh nghiệp phải liên tục tiếp nhận mọi hình thức giáo dục đào tạo như: giáo dục cơ sở, giáo dục nghiệp vụ, giáo dục ngoại ngữ,… Đối với họ, học cũng là một công việc, hơn nữa còn là công việc quan trọng hơn.
Phương pháp dùng người “khác người”
Nhắc đến thành công đáng kiêu hãnh của hãng Sony không thể không nói đến cách dùng người khác biệt là thích sử dụng “nhân tài kỳ lạ” của Chủ tịch Morita Akio. Ngay từ thập niên 50 của thế kỷ 20, Hãng Sony đã đột phá quan niệm dùng người truyền thống khi đề ra quan niệm dùng người mới: “Coi trọng thâm niên và tuổi đời cũng như đặt bằng cấp lên hàng đầu sẽ khiến nhân viên trẻ tuổi có tài không thể hiện được năng lực và hoài bão của họ”. Tuân theo tư tưởng chỉ đạo này, bất kể đối với nhân viên lâu năm giàu kinh nghiệm hay đối với nhân viên trẻ vào làm việc chưa lâu, trọng điểm sát hạch của Sony đều tập trung vào năng lực dự kiến.
Tập đoàn Seibu - một trong ba doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản cũng có cách dùng người khác biệt. Họ không trọng trình độ học vấn mà trọng biểu hiện. Bởi họ cho rằng trình độ học vấn chỉ chứng minh thời gian một người được giáo dục chứ không thể đại điện cho tài năng chân thực của một con người. Họ cũng không dùng người thông minh kiêu ngạo và tự đại. Họ đặc biệt coi trọng nhân phẩm. Bởi những người có phẩm chất đạo đức không tốt thì dù có trình độ cao đến mấy, năng lực giỏi đến mấy cũng không được trọng dụng.
“Không sáng tạo sẽ bị đào thải vô tình”
Doanh nhân Nhật có một đặc điểm rất nổi bật đó là giỏi “sao chép”, bắt chước kỹ thuật tiên tiến của người khác và không ngừng sáng tạo, đổi mới, tạo nên chất lượng và kỳ tích hàng đầu thế giới. Đối với họ, không mô phỏng thì không thể sáng tạo; không sáng tạo thì sẽ bị lịch sử đào thải một cách vô tình.
Ở Châu Âu có rất nhiều người sở hữu phát minh và sáng tạo mới. Nhưng với doanh nhân Nhật Bản, vấn đề mấu chốt là làm sao đưa được những thành tựu phát minh đó vào sản nghiệp.
Mô phỏng, cải tiến và sáng tạo
Nhiều doanh nhân Nhật Bản thành công đều từng trải qua con đường mô phỏng, cải tiến và sáng tạo. Công ty đồ điện Matsushita chính là một điển hình về việc chuyên cải tiến sản phẩm hiện có. Lúc mới lập nghiệp, Matsushita Konosuke từng xác định rõ phương châm kỹ thuật: “Chỉ cải tiến, không phát minh”. Các sản phẩm giai đoạn đầu của hãng Matsushita hầu như đều là sự cải tiến đối với hàng hóa có sẵn. Trước tiên họ mổ xẻ sản phẩm của người khác để tìm chỗ khiếm khuyết, sau đó tiến hành khắc phục những khiếm khuyết đó, từ đó sản xuất sản phẩm mới có tính năng ưu việt hơn.
Từ sản phẩm đầu tiên ông sản xuất khi mới lập nghiệp là đui đèn cải tiến đến các sản phẩm sau này như đèn xe kiểu đạn pháo, bàn là điện siêu cấp, bộ chia điện bằng nhựa tổng hợp, máy thu thanh ắc quy khô, máy giặt, ti vi, tủ lạnh, máy quay phim…, tất cả đều được nghiên cứu và sản xuất theo phương pháp này. Chất lượng và tính năng của mỗi loại sản phẩm đều tốt hơn sản phẩm ban đầu rất nhiều nên được khách hàng ưa chuộng, tạo nên hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội tốt.
Công ty cổ phần Nishiki là một doanh nghiệp chuyên sản xuất tã lót trẻ em của Nhật Bản. Có thể nói trình độ sản xuất tã lót của họ thuộc trình độ hiếm có trên thế giới. Tổng giám đốc của Nishiki một lần theo đoàn sang thăm Trung Quốc, ông đã thu thập được mấy chục loại tã lót do Trung Quốc sản xuất. Sau khi về nước ông tiến hành nghiên cứu từng loại tã lót, qua đó phát hiện một loại tã lót sản xuất ở Thượng Hải được may từ các mảnh vải thừa vát mép. Như bắt được của báu, ông lập tức tiến hành bắt chước, thiết kế và sản xuất ra một loại tã lót mới được làm từ vải thừa vát mép. Việc này không những làm tăng vẻ đẹp của tã lót mà còn giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm giá bán. Sản phẩm đã được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, thu được hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao.
Trên thực tế, đại đa số người lập nghiệp của Nhật Bản ban đầu đều thông qua phương pháp “mô phỏng – cải tiến – sáng tạo” này rồi không ngừng tung ra các sản phẩm mới được khách hàng ưa chuộng, từ đó từng bước phát triển. Ngay cả Honda Soichiro – người được mệnh danh là “chuyên gia phát minh” – ban đầu khi sản xuất động cơ mô tô cũng mô phỏng và cải tiến sản phẩm của Đức.
Sự lớn mạnh được “mua về”
Về mặt ứng dụng khoa học kỹ thuật, doanh nhân Nhật còn có thể nhìn thấy tương lai phát triển của kỹ thuật và phát minh mới bằng nhãn quan phi thường. Những phát minh chưa được coi trọng, một khi họ đã nhắm đến thì họ sẽ tìm cách mua nó về bằng bất cứ giá nào. Sau đó, họ sẽ tổ chức nghiên cứu, phát triển thành công sản phẩm mới giàu sức cạnh tranh với tốc độ nhanh nhất.
Về nghành công nghiệp đồng hồ đeo tay, doanh nhân Nhật Bản một dạo cũng đánh bại “vương quốc” đồng hồ Thụy Sĩ bằng chính phát minh độc quyền của người Thụy Sĩ.
Năm 1954, một kỹ sư đồng hồ Thụy Sĩ tên là Max Hazel đã phát minh ra linh kiện điện tử thạch anh. Nhưng phát minh của ông không được coi trọng. Người Nhật đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội này. Sau khi có được chiếc đồng hồ điện tử thạch anh, người Nhật lập tức tổ chức một đội ngũ chuyên gia điện tử và chuyên gia đồng hồ hàng đầu cùng tiến hành nghiên cứu và cải tiến. Sau 5 năm, loạt đồng hồ thạch anh tinh xảo do Nhật chế tạo đầu tiên đã bắt đầu tung ra thị trường thế giới, giành được một mảng thị trường lớn từ tay người Thụy Sĩ. Sở dĩ như vậy là vì loại đồng hồ này chạy giờ rất chính xác (một tháng sai số không quá 15 giây), hơn nữa giá cả lại rất rẻ (mỗi cái chỉ 10 USD). Trong khi đó Rolex - “vua đồng hồ” do người Thụy Sĩ chế tạo thì sai số mỗi tháng là 60 giây, giá lại đắt hơn đồng hồ điện tử thạch anh của Nhật hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Sau phát pháo đầu tiên, người Nhật lại tiếp tục nghiên cứu, tung ra đủ loại đồng hồ điện tử thạch anh kiểu dáng đẹp và chạy giờ chính xác với giá rẻ. Người Thụy Sĩ chậm ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề nên đã tạo cơ hội cho người Nhật thừa cơ đánh chiếm ngôi báu của ngành đồng hồ thế giới với tốc độ kinh hồn.
Không mô phỏng thì không thể sáng tạo; không sáng tạo thì sẽ bị lịch sử đào thải một cách vô tình. Từ bỏ sự cao ngạo, mở rộng tấm lòng, học tập toàn thế giới, cao ngạo thì không thể thành công, đây là sự tổng kết kinh nghiệm của doanh nhân Nhật Bản.
Theo “Trí tuệ kinh doanh của người Nhật”