Bạn có nên khởi nghiệp kinh doanh độc lập không?
16/04/2015 05:44
Sở hữu doanh nghiệp riêng của mình luôn góp phần vào sự phồn vinh của đất nước. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhượng quyền thương mại, giờ đây bạn đang có cơ hội lựa chọn giữa việc khởi nghiệp hoạt động kinh doanh độc lập hay là điều hành doanh nghiệp của mình với tư cách là một bộ phận của hệ thống nhượng quyền.
Sự lựa chọn này sẽ xoay quanh các loại hình kinh doanh mà bạn quan tâm, liên quan tới tính cách của bạn, tình hình tài chính và tỷ lệ rủi ro của bạn.
Nhưng trước tiên, chúng ta cùng nhìn vào một vài số liệu thống kê tổng quát. Hiệp hội nhượng quyền quốc tế ước tính rằng có hơn 150.000 doanh nghiệp nhượng quyền tại châu Á hiện nay, tạo ra mức doanh thu hơn 400 tỷ USD hàng năm. Chưa có con số chính xác về tỉ lệ thành công giữa doanh nghiệp kinh doanh độc lập và doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền, nhưng đa số các chuyên gia kinh tế đều tin rằng các doanh nghiệp được nhượng quyền có cơ hội thành công cao hơn các doanh nghiệp nhỏ độc lập. Theo báo cáo của Hiệp hội nhượng quyền châu Á (FLA), từ năm 1995, hàng năm có không tới 5% số doanh nghiệp được nhượng quyền bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh. (Số liệu này không tính đến những doanh nghiệp được nhượng quyền đã chuyển nhượng cho chủ sở hữu mới). Trong khi đó, báo cáo của tạp chí The Economist cho biết 65% số doanh nghiệp độc lập mới thành lập đã thất bại trong vòng 5 năm.
Ở giai đoạn chuẩn bị ra quyết định về việc mở một doanh nghiệp kinh doanh độc lập hay mua quyền thương mại của một hệ thống nhượng quyền, các số liệu thống kê chỉ có thể cung cấp cho bạn đến vậy. Để có quyết định đúng, bạn phải hiểu rõ được phẩm chất và phong cách làm việc của mình, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính và sự nhạy cảm về rủi ro.
Có một điều rất thú vị, cả người mua quyền thương mại và người kinh doanh độc lập đa số đều có chung một đặc điểm. Họ đánh giá sự độc lập dựa trên sự an toàn. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa họ là ở ngưỡng chấp nhận rủi ro và mức chấp nhận hệ thống thủ tục. Một nhà kinh doanh thực thụ sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro (có lúc rất cao) nếu mức lợi tức là thỏa đáng và sẽ chấp nhận rất ít sự kiểm soát và các qui trình quản lý. Tuy nhiên, “người mua quyền thương mại lý tưởng” ở mức độ nào đó lại là người muốn đầu tư với rủi ro thấp nhất và sẵn lòng trả một mức giá (gồm phí nhượng quyền và phí bản quyền hàng tháng) để hạ thấp nguy cơ thất bại. Người mua quyền thương mại này cũng sẽ tuân thủ một cách chính xác các tiêu chuẩn kiểm tra và qui trình quản lý. Tựu trung, hệ thống nhượng quyền là một phần của giá mua, và khi tuân thủ chặt chẽ các nguyên lý của hệ thống đó chắc chắn ta sẽ thành công.
Khởi nghiệp độc lập – loại hình rất có thể sẽ thành công với tư cách là nhà kinh doanh độc lập – sẽ thấy là đôi khi chủ thương hiệu sẽ từ chối họ gia nhập vào hệ thống nhượng quyền. Vì sự tuân thủ theo khuôn mẫu và những phương châm kinh doanh của chủ thương hiệu có tính quyết định đối với sự thành công, chủ thương hiệu sẽ bác đơn của những người có ý định phản đối các qui trình điều hành theo chuẩn mực. Chủ thương hiệu cũng tin rằng các nhà kinh doanh độc lập quá linh động, có thể phê phán mạnh mẽ những điều mà họ không thích, có thể đánh mất sự chú tâm trong công tác điều hành hàng ngày hoạt động kinh doanh nhượng quyền, và có thể sớm tìm kiếm thử thách mới.
Mọi quyết định nằm ở quan điểm và tính cách của bạn. Độc lập hoàn toàn luôn đi kèm với rủi ro cao, tham gia vào một chuỗi hệ thống thì cần có sự tuân thủ.
Vân Anh (Theo Franchise Direct)
www.nhuongquyenvietnam.com