Vốn là con nhà nông “đặc”, sau khi thoát khỏi vòng lao lý, bà luôn trăn trở và đặt cho mình câu hỏi: Vì sao một đất nước có lợi thế về thổ ngưỡng, khí hậu ôn hòa nhưng nhiều năm qua nông dân làm ra sản phẩm lại gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Bản thân gia đình đứa em tôi có một cơ sở sản xuất và chế biến hàng nông sản ở Đồng Nai nhưng vẫn hoạt động ì ạch do sản phẩm làm ra không có sản phẩm mới nên không đáp ứng được nhu cầu thị trường. “Máu” DN trong người nổi lên, phải tìm hướng giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc đó. Nói là làm. Bà Ba Sương lao vào cuộc “chiến” mới.
Bằng nguồn vốn gần 300 triệu đồng được vay mượn từ bạn bè, người thân, bà xuôi ngược từ miền Đông, lên miền Trung rồi ngược dòng về miền Tây để nghiên cứu thị trường, tìm nguyên liệu để lên kế hoạch “tác chiến”.
Qua chuyến đi tìm hiểu thị trường, bà nghiệm ra rằng, lâu nay các DN, thương lái khi thu mua nông sản, trái cây của nông dân thường chú trọng bề ngoài, chọn lựa những sản phẩm bóng rồi đóng thùng mang đi tiêu thụ ở trong nước và XK.
Trong khi những sản phẩm có loại hình bên ngoài, màu sắc xấu thường bị người mua chê, giá rất thấp. Một điểm nữa là rất ít có DN quan tâm đến công nghệ chế biến để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị hàng hóa. Đây chính là “nút thắt” của nông sản và trái cây VN trong thị trường XK do giá bán thường cao hơn các nước trong khu vực mà đặc biệt là Thái Lan.
Với kiến thức và những trải nghiệm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm khi còn làm giám đốc của nông trường Sông Hậu, bà đề nghị với nông dân cứ lựa chọn những sản phẩm đẹp thì bán cho thương lái, còn lại những sản phẩm xấu xí thì để dành lại cho bà.
Theo bà, tuy trái cây có hình dạng bên ngoài xấu nhưng chất lượng bên trong vẫn ngon lành. Sau khi vận chuyển về đến cơ sở sản xuất, bà cho phân loại, đưa qua công đoạn chế biến thành dạng đông lạnh, đóng hộp, muối mặn, sấy khô…
Cuộc đời tôi chứng kiến nhiều thăng trầm, được đó rồi mất đó. Tôi biết, chỉ có tình người là quan trọng nhất.
Sau một thời gian khi đã ổn định nguồn nguyên liệu và các sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa, bà Ba Sương nghĩ ngay tới thị trường XK. Một vấn đề then chốt trong giai đoạn này là phải làm thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Với sự giúp đỡ của bè bạn, 20 sản phẩm rau củ quả bao gồm dưa chua, dưa mặn, chôm chôm, xoài, chanh dây, bắp hạt, bắp non… mà bà mày mò nghiên cứu làm ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ VN cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền mang tên “Cô Ba Sương”.
Sức mạnh của niềm tin và khát vọng
Trong câu chuyện thành lập ra Cty tư nhân mang tên Ba Sương, một sự khởi nghiệp của bà Ba Sương khi mỗi tháng DN đưa ra thị trường khoảng hai container hàng chế biến, theo bà, hiện có rất nhiều khách hàng nước ngoài đến đặt hàng nhưng do thiếu vốn, quy mô nhỏ nên bà đành “lỗi hẹn” với họ.
Bà hy vọng sau 5 năm khi nguồn lực dồi dào để có thể nhân rộng mô hình này. Bởi đây là mô hình được đút kết từ thực tiễn, từ ý chí của Người phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày đêm dồn tâm, trí lực thực hiện những ấp ủ, hoài bão và cũng là thực hiện theo di nguyện của người cha quá cố của mình.
Bà tâm sự: “Cuộc đời tôi chứng kiến nhiều thăng trầm, của gia đình có, của những người quanh mình có. Được đó rồi mất đó. Tôi biết, chỉ có tình người là quan trọng nhất. Cuộc đời này đủ ngắn và những bất trắc từ cuộc sống thì rất nhiều. Công việc là thứ mình có thể kiểm soát được, vậy thì, hãy làm việc cho cuộc sống này thêm vui…”
Chia tay bà, hòa lẫn dòng người đang hối hả trong cuộc mưu sinh, tôi chợt nhớ đến bản nhạc cùng nghe trong câu chuyện với bà: “… Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai/ Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình/ Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành…”. Ngẫm thấy, dường như người phụ nữ ấy không bao giờ ngại giành phần gian khổ về mình…
Theo Lao động