8 tác nhân "giết chết" tinh thần làm việc của nhân viên

23/05/2015 11:37

8 tác nhân "giết chết" tinh thần làm việc của nhân viên


Nếu bạn nhận ra trong tổ chức của mình có bất cứ tác nhân tiêu cực nào, hãy làm tất cả những gì trong khả năng và quyền hạn của mình để giải quyết nó. Nên nhớ rằng, những người xuất sắc sẽ không ở lại lâu trong những môi trường tệ hại.


Có những môi trường khiến nhân viên cảm thấy hạnh phúc và được coi trọng, nhưng cũng có không ít tác nhân có thể khiến họ mất động lực làm việc. Nếu nhà quản lý muốn đảm bảo nhân viên của mình có một môi trường làm việc trong đó họ có thể phát triển và cống hiến hết mình, hãy kiểm tra ngay tại nơi làm việc có tồn tại các "sát thủ" sau đây hay không.

 

1. Những cá nhân tiêu cực

Nếu bạn đã từng gặp những người có ảnh hưởng độc hại đến môi trường làm việc, bạn sẽ hiểu họ tiêu cực và khiến người khác chán nản thế nào.

Những người tiêu cực luôn tuyên truyền sự tiêu cực và bóp nghẹt những nỗ lực tiến bộ. Bạn nên để những người như vậy đi tìm công việc khác, nếu không, hãy đảm bảo công ty có những chính sách và quy trình giám sát có thể giảm thiểu tác động của họ.

 

2. Không có môi trường để nhân viên phát triển

Mọi nhân viên đều muốn thấy là họ đang được học hỏi và phát triển. Không có điều này, môi trường làm việc sẽ trở nên nhàm chán và trì trệ.

Một chương trình phát triển nghề nghiệp cho mỗi nhân viên sẽ cho phép họ thăng tiến trong sự nghiệp của mình và giúp họ hiểu rằng cả tổ chức và người lãnh đạo đều đang đầu tư cho sự thành công của nhân viên.

3. Thiếu tầm nhìn

Một tầm nhìn được truyền tải rõ ràng đến nhân viên sẽ giúp nhân viên định hướng và biết nên tập trung vào đâu. Nếu không có định hướng, kể cả nhân viên giỏi nhất cũng trở nên kém hiệu quả, bởi vì thật khó để xuất sắc nếu bạn không nhìn ra bức tranh tổng thể công ty đang làm gì.

 

4. Lãng phí thời gian

Nếu bạn duy trì một môi trường làm việc với những cuộc họp liên miên không rõ mục đích, hay những email được gửi đến tất cả mọi người với những thông tin không thật sự hữu ích, nhiều khả năng nhân viên sẽ cảm thấy cực kỳ chán nản.

Hãy cho nhân viên thấy bạn đánh giá cao họ bằng cách cho họ thấy bạn trân trọng thời gian của họ.

 

5. Thiếu giao tiếp

Khi giao tiếp trong tổ chức không đầy đủ, mọi người dành nhiều thời gian hơn để đoán xem họ đang làm gì. Kết quả là những công việc quan trọng bị bỏ qua, những việc không tên tăng gấp đôi, thông tin bị tắc nghẽn và những tin đồn xuất hiện. Một hệ thống giao tiếp thông suốt sẽ có lợi cho tất cả mọi người.

 

6. Quản lý theo mệnh lệnh

Nếu bạn đã trải qua cảm giác những ý tưởng và đóng góp của mình không được coi trọng hoặc thậm chí không ai lắng nghe, tất cả những gì bạn nhận được chỉ là “hãy im lặng và làm những gì tôi bảo”, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn để cống hiến nhiều hơn mức tối thiểu. Sự cộng tác càng cao, động lực làm việc của nhân viên sẽ càng cao.

 

7. Thiếu sự ghi nhận

Khi sự chăm chỉ hay những thành tích tốt trong không việc không được ghi nhận, thậm chí những lời cảm ơn cũng trở nên khan hiếm, nhân viên sẽ cảm thấy chán nản và thờ ơ. Tưởng thưởng cho nhân viên có thể không tốn của bạn một đồng nào, chỉ đơn giản là nói “cảm ơn!”.

 

8. Lãnh đạo tồi

Một lãnh đạo kém sẽ làm tổn hại đến đội nhóm và cả tổ chức. Ngay cả những nhân viên xuất sắc nhất cũng cần được lãnh đạo tốt mới phát huy được hết khả năng. Hãy bắt đầu với việc phát triển tài lãnh đạo của chính mình, sau đó hãy tuyển dụng và phát triển những lãnh đạo tốt nhất ở mỗi cấp quản lý.

 
 
SƠN ĐỨC/Trí Thức Trẻ