8 bí kíp khởi nghiệp với số vốn bằng...0
25/08/2015 03:14
Các doanh nhân vốn không thiếu những ý tưởng kinh doanh tuyệt vời, nhưng họ thường trì hoãn việc triển khai do thiếu vốn. Phần lớn cho rằng ý tưởng của họ sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có một món tiền đủ lớn để ‘chống lưng’. Nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp có cả triệu đô la tiền vốn nhưng rồi lại “đốt” hết cả triệu đô la đó và đóng cửa vĩnh viễn.
Vì vậy, nếu ngay từ đầu, ý tưởng hay kế hoạch kinh doanh của bạn đã không ổn thì chẳng món tiền nào có thể biến nó thành mô hình kinh doanh hiệu quả. Còn nếu có một ý tưởng tuyệt vời mà quá ít vốn thì sao? Khi đó đừng để vấn đề tiền bạc cản bước bạn! Có thể bạn sẽ trải qua những ngày tháng mất ăn, mất ngủ vì lo nghĩ nhưng nếu bạn thực sự muốn, bạn sẽ làm được.
Dưới đây là 8 mẹo giúp bạn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh khi số vốn có hạn:
1. Xây dựng doanh nghiệp trong lĩnh vực bạn nắm rõ
Thay vì liều lĩnh bước vào một lãnh địa xa lạ, hãy tạo dựng cơ đồ dựa trên những kỹ năng và kiến thức sẵn có của bạn. Bạn càng ít phải phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Đôi khi bạn chỉ cần làm chủ một mảng kiến thức nào đó thôi là đã có thể thành công trong kinh doanh.
2. Nói với mọi người việc bạn đang làm
Hãy thông báo với gia đình, bạn bè, các mối quan hệ làm ăn và đồng nghiệp cũ về công việc kinh doanh mới của bạn. Bạn có thể làm thế bằng cách gọi điện, gửi email, đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội của mình. Như thế, bạn bè và người thân có thể quảng bá giúp bạn và các mối quan hệ cũ có thể giới thiệu bạn tới các đối tác khác trong chuyên môn họ. Các cách tiếp thị căn bản này sẽ giúp giới thiệu công ty của bạn tới đông đảo mọi người hơn.
3. Tránh các khoản chi không cần thiết
Thành lập một doanh nghiệp, bạn sẽ phải chi tiêu rất nhiều và có những khoản không thể tiết kiệm. Điều bạn cần tránh là “vung tay quá trán”. Danh thiếp là một ví dụ đơn giản nhất. Nếu in 500 danh thiếp theo kiểu truyền thống, bạn sẽ giảm chi phí rất nhiều so với 500 danh thiếp kim loại (từ 1.000 đô la xuống còn 10 đô la). Chính sự căn cơ ngay từ đầu làm nên sự khác biệt giữa một doanh nghiệp thành công và một doanh nghiệp thất bại.
4. Đừng để nợ ngập đầu với thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng có thể là một công cụ thông minh nhưng cũng có thể là một vũ khí tự sát. Việc mua sắm máy tính, thiết bị văn phòng, điện thoại và các vật tư làm chi phí đội lên rất nhiều. Thay vì mua tất cả cùng lúc bằng thẻ tín dụng, hãy tận dụng doanh thu của công ty và đầu tư dần dần. Loại bỏ gánh nặng nợ nần sẽ khiến cơ hội thành công của doanh nghiệp gia tăng một cách đáng kể.
5. Đảm bảo chuyện công nợ không làm bạn “cụt vốn”
Bạn cần suy tính kỹ lưỡng chính sách cho nợ của mình, nhất là khi bạn làm công việc cung cấp dịch vụ. Liệu bạn có đủ lực để tồn tại nếu cho khách hàng trả chậm 15 hay 30 ngày? Hãy lấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bạn làm cơ sở để xây dựng chính sách công nợ chứ đừng dựa trên ý muốn của khách hàng.
6. Lao tâm khổ tứ với công việc
Khi khởi sự kinh doanh, nhiều người phải làm việc cả ngày lẫn đêm để có thể bao quát, xử lý mọi vấn đề đồng thời đẩy mạnh tiếp thị và phát triển doanh nghiệp. Những nhọc nhằn, vất vả ấy không bao giờ là uổng phí. Nó sẽ làm nên thương hiệu và gia tăng giá trị của doanh nghiệp bạn, nhất là khi bạn định bán cổ phần hoặc tìm kiếm đối tác.
7. Tận dụng các phương tiện quảng cáo và tiếp thị miễn phí
Có nhiều cách quảng bá cho doanh nghiệp không hề tốn kém. Truyền thông xã hội là ví dụ. Bạn có thể giới thiệu mình và tương tác với các khách hàng tiềm năng qua các trang mang xã hội. Hãy xây dựng quan hệ với thật nhiều đơn vị truyền thông sở tại và đáp ứng yêu cầu của họ một cách nhiệt tình. Như thế, bạn sẽ khiến họ tích cực viết bài quảng bá miến phí cho doanh nghiệp của mình.
8. Sẵn sàng xông pha
Chăm chỉ là điều đương nhiên khi bạn khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, nếu bạn không có vốn hoặc có nhưng ít, bạn phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cống hiến tất cả những gì bạn có để thành công. Điều đó có nghĩa phải chấp nhận gọi điện chào bán sản phẩm tới những người không quen biết, giải quyết khiếu nại của khách hàng, đương đầu với đống giấy tờ, hóa đơn, sổ sách... Bạn sẽ phải cùng một lúc đóng nhiều vai và phải dành rất nhiều thời gian cũng như sức lực cho công việc kinh doanh.
Tóm lại, đừng để những khó khăn về vốn liếng ngăn cản bạn hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh tuyệt vời của mình. Đúng là bạn sẽ mệt mỏi, căng thẳng hơn, nhưng kinh doanh là phải thế.
(Theo Entrepreneur)