4 yếu tố trong việc dự phóng doanh thu

21/05/2015 04:45

4 yếu tố trong việc dự phóng doanh thu


Doanh thu là số liệu quan trọng trong việc đánh giá quy mô và sự phát triển của một doanh nghiệp sản xuất. Nếu chỉ nhìn vào sự tăng trưởng của lợi nhuận ròng, người làm phân tích khó có thể đánh giá doanh nghiệp đó có thật sự phát triển hay không vì lợi nhuận có thể tăng, mà không cần tăng doanh thu, nhờ vào việc cắt giảm chi phí.


Tuy nhiên, chi phí chỉ có thể giảm đến một mức độ nào đó và khi dừng lại ở mức tối ưu, doanh nghiệp muốn phát triển thì không còn cách nào khác ngoài việc đẩy mạnh doanh thu. Ở chiều ngược lại, khi doanh thu tăng trưởng đi kèm với hiệu quả chi phí, doanh nghiệp thật sự phát triển bền vững. Nhưng ngay cả khi doanh nghiệp không đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế theo quy mô, cụ thể doanh thu có thể tăng nhưng chi phí tăng với tốc độ nhanh hơn, thì một nhà đầu tư chiến lược hay bên mua trong các thương vụ mua bán sáp nhập vẫn xem doanh nghiệp là mục tiêu để đầu tư. Với chuyên môn của mình khi đầu tư và can thiệp sâu vào những doanh nghiệp như vậy, họ kỳ vọng việc tái cấu trúc có thể giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn trong môi trường mà cầu hàng hóa vẫn giúp cho doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu đều đặn.

Với vai trò là thước đo cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh thu luôn là con số đòi hỏi phải dành nhiều thời gian và công sức trong việc xây dựng một Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dự phóng hoàn chỉnh. Dưới đây là các yếu tố cần chú ý khi làm dự phóng doanh thu (forecast revenue) cho một doanh nghiệp sản xuất:

 

1. Kinh tế vĩ mô: các nhân tố lãi suất, tỷ giá, lạm phát. Lãi suất ảnh hưởng đến việc vay vốn lưu động và vay đầu tư tài sản cố định. Cả vốn lưu động lẫn tài sản dài hạn là nguồn lực để tạo nên sản phẩm đem lại doanh thu cho doanh nghiệp. Tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến việc doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp (chẳng hạn như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản). Bên cạnh tác động đến doanh thu, tỷ giá biến động bất lợi có thể làm tăng chi phí vay đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập các máy móc thiết bị mà trong nước không sản xuất được. Lạm phát là một trong các yếu tố được phản ánh trong giá bán. Tùy vào độ co giãn cung cầu của ngành hay mức độ kiểm soát của nhà nước mà doanh nghiệp có thể phản ánh hoàn toàn, hay một phần yếu tố lạm phát vào trong giá bán. Chẳng hạn đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc (Dược Hậu Giang, Dược Cửu Long, Imexpharm), doanh nghiệp sản xuất sữa (Vinamilk, Hanoimilk), việc tăng giá bán cần phải được sự thông qua của nhà nước.

2. Yếu tố ngành. Sự hoạt động và phát triển của ngành là thước đo cho tình hình hoạt động chung của các công ty trong ngành. Nếu không có sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ đi kèm, việc một doanh nghiệp phát triển với tốc độ cao hơn các công ty trong ngành là điều bất hợp lý và cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Ví dụ, đối với thị trường sản xuất thuốc trong nước, Dược Hậu Giang (DHG) là đối thủ đi đầu trong 18 năm qua. Với vị thế đi đầu của mình, DHG là doanh nghiệp trong nước duy nhất nằm trong top 5 doanh nghiệp sản xuất thuốc có thị phần cao nhất Việt Nam. Năm 2012 tốc độ tăng trưởng của DHG là 18% cao hơn tốc độ tăng trưởng của các công ty dược trong nước là 5%. Con số này của năm 2011 là  21%, 25%; của năm 2010 là 16%, 11%.

Biểu đồ tăng trưởng ngành dược trong nước

Một yếu tố quan trọng về ngành cần phải quan tâm khi dự phóng doanh thu cho doanh nghiệp là thị phần. Doanh thu tăng trưởng có thể là do hoặc là quy mô thị trường tăng, hoặc là doanh nghiệp chiếm thị phần của đối thủ. Nếu doanh nghiệp đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường, việc dự phóng doanh thu tăng vượt mức tăng trưởng của thị trường là điều không thể xảy ra, trừ khi doanh nghiệp tấn công sang những lĩnh vực, thị trường ngách chưa được nhiều đối thủ dòm ngó. Trong trường hợp của Vinamilk (VNM), doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam đã chiếm lĩnh hơn 90% thị phần yoghurt trong nước. Nếu không có sự hỗ trợ của xuất khẩu, tính đến tốc độ tăng trưởng dân số Việt Nam là 1.3%, việc dự phóng cho mảng yoghurt của VNM tăng trưởng 5%/năm trong vòng 5 năm tiếp theo là hoàn toàn không hợp lý.

 

3. Yếu tố năng lực sản xuất của doanh nghiệp: Ngay cả khi nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh mẽ, đảm bảo cho sự hấp thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, sự tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất của mình. Trong trường hợp hoạt động hết công suất nhà máy, doanh nghiệp chỉ có thể tăng trưởng doanh thu nhờ việc tăng giá. Liệu tăng giá có đảm đảo cho sự phát triển bền vững khi khách hàng có thể tìm kiếm hàng hóa thay thế với chất lượng tương đương và giá cả hợp lý hơn? Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, các doanh nghiệp vẫn thường lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Tùy theo quy mô mở rộng và loại hình sản xuất, các doanh nghiệp có thể mất từ 3-5 năm hoặc hơn để lấp đầy công suất sản xuất. Khi đó, giả sử trong trường hợp cầu vượt cung, doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng tương xứng với công suất sản xuất mới của mình. Các bạn dự phóng doanh thu cho các doanh nghiệp sau như thế nào: VNM đã xây dựng thêm nhà máy Mega ở Bình Dương có thể sản xuất hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1; DHG sắp đưa vào hoạt động 2 nhà máy Betalactam, NonBetalactam, nâng gấp đôi công suất sản xuất hiện tại lên 9 tỷ đơn vị sản phẩm/năm; Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) sẽ xây dựng thêm bồn chứa Khí nén hóa lỏng LNG ở Vũng Tàu để nhập khẩu bổ sung cho nhu cầu ngày càng tăng và cung trong nước không thể đáp ứng kịp.

 

4. Yếu tố luật pháp: Có nhiều lý do để nhà nước ban hành một điều luật mới nhằm  thúc đẩy thị trường hoạt động hiệu quả. Có thể trong quá trình ban hành và thực thi luật, những quy định này chưa thực sự đem lại kết quả mong muốn. Nhưng một khi luật đã ban hành, những người tham gia thị trường cần phải tuân thủ nó. Những quy định mới ban ra này đôi khi làm gián đoạn một bộ phận sản xuất nào đó của doanh nghiệp. Chẳng hạn đầu năm 2013, Nhà nước quy định cấm sản xuất sử dụng bóng đèn sợi đốt có công suất 60W trở lên. Với quy định này, doanh thu ở mảng đèn sợi đốt của Điện Quang (DQC) và Rạng Đông (RAL) sẽ bị ảnh hưởng và chuyên viên phân tích không thể dự phóng một doanh thu tăng trưởng tích cực cho 2 doanh nghiệp trên ở mảng này. Luật còn có các quy định về giá bán đối với một số sản phẩm như sữa và dược phẩm đã trình bày ở trên.

Trên đây là một số điểm cần quan tâm khi dự phóng doanh thu cho một doanh nghiệp sản xuất. Tất nhiên tùy vào từng công ty cụ thể mà có thể phát sinh nhiều vấn đề khác mà chưa được trình bày ở đây. Tuy chưa thực sự đầy đủ, nhưng thông qua bài viết này, FGate hi vọng sẽ giúp người đọc nắm được tinh thần chung khi làm dự phóng khoản mục doanh thu. Ngoài ra, đây là bước đầu tiên trong việc định giá công ty trong việc xây dựng mô hình tài chinh - Financial Modeling. 

 

Nguồn lực doanh nghiệp (sưu tầm)