4 lý do khiến Starup chưa đạt được thành công
08/08/2014 04:47
Có rất nhiều nguyên nhân khiến Startup chưa đạt được thành công như: Xây dựng sản phẩm chưa phù hợp, không chịu thay đổi để nắm bắt cơ hội, thị trường không đủ lớn hoặc thậm chí là do có quá nhiều tiền thời điểm ban đầu.
Xây dựng sản phẩm chưa phù hợp
Sản phẩm chưa phù hợp có thể coi là những sản phẩm chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng và thị trường. Đây là một trong những lỗi lớn và cơ bản khiến starup không thể thành công.
Rất nhiều founder thường khởi nghiệp bằng những lĩnh vực và sản phẩm mình ưa thích mà chưa đánh giá được hết nhu cầu của thị trường. Sản phẩm làm ra vẫn có doanh số tuy nhiên không cao bởi chưa đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của khách hàng.
Để nhận ra được sản phẩm của mình đã phù hợp với đối tượng khách hàng hay chưa cần có một quy trình khảo sát và lấy ý kiến của những khách hàng đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Lắng nghe và có kế hoạch cải tiến, thay đổi sản phẩm nhằm phù hợp hơn với thị trường cũng như làm hài lòng nhiều khách hàng hơn.
Chưa đủ linh hoạt
Khi thị trường và các điều kiện khác thay đổi, việc quyết định có nên giữ nguyên mô hình kinh doanh ban đầu hoặc thay đổi để phù hợp sẽ là câu hỏi khiến nhiều founder đau đầu. Không có đáp án đúng cho câu hỏi này bởi nó phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và từng cá tính của các founder.
Tuy nhiên, nếu tất cả đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, việc nhìn nhận lại và có kể hoạch điều chỉnh là rất cần thiết. Mọi nỗ lực đều làm cho sản phẩm trở nên hoàn thiện và phù hợp với thị trường hơn, chính vì vậy, nếu việc thay đổi đảm bảo điều này thì đó là một việc nên làm trước khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Thị trường không đủ lớn
Thị trường mà doanh nghiệp đang hướng tới không lớn như các founder vẫn nghĩ. Sản phẩm và dịch vụ vẫn mang về lợi nhuận nhưng nó luôn đi ngang mà không có xu hướng đi lên.
Thông thường các starup sẽ chọn cho mình một thị trường ngách để hạn chế sự cạnh tranh từ những người đi trước, nhưng nếu thị trường đó không thể phát triển được thì starup sẽ gặp phải vấn đề và luôn loay hoay duy trì doanh nghiệp chứ không thể đưa nó đi lên.
Vì vậy, khâu khảo sát và đánh giá thị trường cần phải được thực hiện một cách cẩn thận trước khi founder quyết định có nên tham gia vào thị trường đó hay không.
Có quá nhiều tiền thời điểm ban đầu
Điều này có vẻ vô lý khi có nguồn tài chính ổn định sẽ giúp khởi nghiệp trang trải được các chi phí về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ban đầu. Thế nhưng luôn có hai mặt của một vấn đề, nếu có sẵn nhiều tiền trong tay, các founder rất dễ sao nhãng đến việc tinh giản bộ máy và các quy trình không cần thiết để giảm chi phí. Bởi một startup cần có bộ máy hoạt động gọn nhẹ và tối ưu nhất.
Ngoài ra, việc có nhiều tiền hơn mức cần thiết khi khởi nghiệp sẽ khiến founder tiêu tiền một cách dễ dãi hơn, rất có thể đến một thời điểm nào đó starup mới nhận ra rằng, nguồn tiền đã sắp cạn mà sản phẩm vẫn chưa thể đem lại doanh thu.
Vì vậy, các founder nên chuẩn bị một lượng vốn vừa đủ để có thể tạo ra được sản phẩm ở mức cơ bản, vừa làm vừa đánh giá thị trường và nhu cầu khách hàng để sản phẩm nhanh chóng đem lại doanh thu, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Theo ICTNews/Entrepreneur