Trên thế giới, đã có rất nhiều trường hợp startup thành công nhờ thay đổi kế hoạch, mô hình kinh doanh của mình đúng thời điểm.
Burbn: Từ ứng dụng bản đồ HTML5 trở thành Instagram. Game Neverending: Một game online (MMORPG) ) trở thành Flickr. Facebook: từ trang web chia sẻ riêng tư của sinh viên các trường đại học trở thành mạng xã hội. YouTube: Xuất thân là một trang web video hẹn hò với cái tên “Tune in Hook Up”. Paypal: Giải pháp Thanh toán PDA (Palm) trở thành nền tảng giao dịch trực tuyến. Odeo, nền tảng podcasting trở thành Twitter. v.v..
Sẽ thật khó khăn để quyết định xem startup có nên chuyển hướng hay không và làm thế nào để biết được thời điểm thích hợp? Tuy nhiên những dấu hiệu dưới đây có thể làm các founder phải suy nghĩ về việc thay đổi doanh nghiệp của mình:
1. Phải liên tục định vị doanh nghiệp trên thị trường
Có một ranh rới mập mờ giữa việc trở thành người dẫn đầu chiếm lĩnh mảng thị trường mới với việc thất bại. Thành công không chỉ đơn giản là tạo ra một giải pháp, công nghệ hoàn toàn mới mà còn phải phù hợp với thị trường. Tạo ra những cái mới và thay đổi cái cũ là cả một quá trình dài, nếu startup vẫn đang loay hoay trong việc giải thích cho thị trường giá trị của mình thì thay đổi là một giải pháp nên được cân nhắc lúc này.
PayPal có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho việc startup đưa ra ý tưởng đi trước thời đại nhưng lại không phải là hướng đi đúng cho thời điểm lúc bấy giờ. Max Levchin – đồng sáng lập công nghệ của Paypal muốn ứng dụng công nghệ mật mã hóa siêu phức tạp để nâng cấp khả năng bảo mật các thanh khoản qua PayPay, nhưng phản ứng của người dùng lúc bấy giờ chả mấy ai mặn mà và cũng không mấy người hiểu được công nghệ phức tạp mà ông sử dụng. Sau khi gặp Peter Thiel, ông đã nhận ra rằng cái mà khách hàng cần cũng chính là hướng đi mà PayPal cần tập trung vào không phải là tính bảo mật mà chính là tính thuận tiện của các giao dịch.
2. Người dùng thử nghiệm không thích sản phẩm của bạn
Để có thể biết được điều này, không còn cách nào khác là phải thu thập ý kiến từ khách hàng cũng như thực hiện những phương pháp nghiên cứu thị trường. Ý kiến về sản phẩm nên được thực hiện trên một tập khách hàng đủ lớn để có được cái nhìn tương đối chính xác về giá trị của sản phẩm trên thị trường. Không nên quá chú trọng vào việc đầu tư, phát triển các tính năng mới mà không có sự đo lường phản hồi từ thị trường.
3. Nhà đầu tư không thấy hứng thú với startup
Sau hàng tá những cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư và hàng tá những lời từ chối, nếu phản hồi là tiêu cực về sản phẩm hay thị trường mục tiêu thì founder nên quan tâm đến việc chuyển hướng chiến lược. Câu chuyện sẽ khác nếu họ nói rằng đầu tiên doanh nghiệp cần tìm người dùng trước, hay thiếu một thành viên chủ chốt hoặc họ không đầu tư vào lĩnh vực này v.v.. Nhưng nếu phản hồi lại rằng sản phẩm chưa đủ sức thuyết phục hoặc thị trường này quá nhỏ, hãy cân nhắc các hướng đi mới.
4. Phát triển dàn trải, không tập trung
Rất nhiều startup gặp thất bại vì họ đã tiêu quá nhiều nguồn lực và nhân lực trong quá trình phát triển sản phẩm lớn hơn khả năng của họ. Tập trung là một chiến lược tốt. Hãy chọn một thị trường mục tiêu, một tập người dùng mục tiêu.
Sự đam mê, khả năng xuất sắc và một tầm nhìn sâu rộng nên được cân bằng với năng lực lắng nghe, sự linh hoạt để có thể nhận ra cơ hội tốt hơn, sẵn sàng chuyển hướng công ty theo con đường thành công hơn.