3 trải nghiệm phải có trước khi "yêu" một thương hiệu nhượng quyền
14/06/2015 04:32
Nhượng quyền Thương mại cùng với các hình thức kinh doanh khác đã tạo một bức tranh sống động của nền kinh tế thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam có những điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh này. Tuy nhiên, “nên hay không nên tham gia hệ thống nhượng quyền A,B, C” luôn là câu hỏi khó trả lời nhất của các nhà đầu tư.
Điều quan trọng trước khi dấn thân vào một hệ thống nhượng quyền, bạn phải hiểu rõ tình yêu của chính mình với thương hiệu đó như thế nào? Quyết tâm và khát vọng của bạn ra sao? Và điểm yếu của nó là gì? Không cách nào tốt hơn là bạn phải tự trải nghiệm và tự giải quyết các thắc mắc trên để đi đến quyết định của chính mình.
Đừng khó chịu nếu kết quả tự đánh giá của bạn không khuyến khích việc kinh doanh nhượng quyền. Sau cùng, mục tiêu của việc phân tích không phải là mua quyền thương mại mà là để tránh một sai lầm đắt giá.
Trải nghiệm về khát vọng và quyết tâm của bạn
Nhiều người có khát vọng kinh doanh nhưng chỉ dưới 5% mới thực sự hành động để tham gia vào công việc kinh doanh.
Đôi khi khát vọng xuất phát từ một “ngày làm việc kém hiệu quả” hoặc sự thất vọng khác. Khi tâm trạng này đi qua, hầu hết mọi người trở lại với lựa chọn công việc hiện tại của mình là được làm thuê cho ai đó. Lý do chính mà mọi người không dám bước vào công việc kinh doanh được tổng kết bằng một cụm từ viết tắt bằng bốn ký tự F.E.A.R: [False Evidence Appearing Real – Tạm dịch là: Bằng chứng giả, xuất hiện thực]. Đây là lý do tại sao chúng ta tin rằng mọi thứ không phải là thực do sợ những gì xảy ra khi bước vào công việc kinh doanh.
Khi tâm trí của bạn đã bị nhồi đầy nỗi sợ hãi, bạn bắt đầu cảm thấy không tự tin vào chính mình, bạn không tin vào khả năng của mình, thổi phồng rủi ro và bạn sẽ không dám hành động. Kết quả là bạn tiếp tục hành động theo cách mà mình vẫn làm bằng cách tự biện minh là hoàn cảnh hiện tại của bạn sẽ có thay đổi đột biến nào đó. Liệu điều đó có xảy ra không nhỉ? Tiếp tục mơ ước.
Ngược lại, khi bạn không thể nghĩ được bất kỳ điều gì khác và bị ám ảnh với quyết định bước vào công việc kinh doanh của bản thân, chúng tôi định nghĩa trường hợp này là “xu hướng”. Đó là khi bạn được thúc đẩy từ trong nội tại để có các hành động cần thiết nhằm đạt được mục tiêu khi bước vào công việc kinh doanh. Bạn sẽ không dừng lại cho đến khi bạn đạt được mục tiêu đó.
Khi bạn quyết định bước vào công việc kinh doanh, bạn đã lựa chọn một con đường - nơi mà bạn có niềm tin vào tài năng, kỹ năng và sự cần cù của bạn để tạo được một sự nghiệp thành công. Bạn phải có khát vọng cháy bỏng nội tại để thành công. Ông Napoleon Hill, tác giả của cuốn “Think and Grow Rich” đã trình bày một cách bao quát về đề tài này. Ông nêu ra một số điểm quan trọng để có một quan niệm về thành công, một trong số những quan điểm này bao gồm: phải định hình rõ mục tiêu; có sáng kiến cá nhân để hành động đối với mục tiêu của bạn; có thái độ tích cực; tin tưởng; kiên định; kỷ luật tự giác; và tập trung vào việc lập kế hoạch thời gian cũng như ngân sách một cách hiệu quả
Trải nghiệm như một nhân viên
Để đánh giá, một số hệ thống, chẳng hạn như McDonald’s và Dominos, yêu cầu những người mua quyền thương mại triển vọng làm việc như nhân viên trong một chương trình thử nghiệm trước khi mua quyền thương mại. Mặc dù tốn nhiều thời gian và khó khăn, phương pháp này gần như loại trừ được rủi ro thất bại khi trở thành người mua quyền thương mại.
Nếu bạn không có kinh nghiệm bán hàng và không quan tâm đến học hành kỹ năng này thì tốt hơn là bạn suy nghĩ lại về việc mua quyền thương mại.
Đừng để lỡ cơ hội nếu bạn có tố chất của một thương nhân thực thụ. Nhượng quyền phát triển khu vực rộng lớn, nhượng quyền chuỗi cửa hàng và nhượng quyền trên phạm vi quốc tế có thể phù hợp với các thương nhân. Những khuôn mẫu nhượng quyền thương mại này luôn mang đến những thách thức mới và một mức độ khiểm soát hầu như là ngang bằng với mức độ kiểm soát chủ thương hiệu.
Trải nghiệm sự thất bại
Trước khi quyết định đàm phán với chủ thương hiệu, bạn nên đề nghị họ sắp xếp cho bạn đi thăm những cửa hàng kinh doanh hiện tại. Nên nhớ rằng, thăm những cửa hàng kinh doanh thành công sẽ giúp cho bạn thêm tự tin và phấn khích về thương hiệu bạn dự tính gia nhập, nhưng những thông tin từ những cửa hàng không thành công có giá trị hơn, nó giúp cho bạn cẩn trọng trong quyết định, xác định lại mục tiêu cốt lõi của mình khi gặp khó khăn và là cơ sở để thảo luận thêm với chủ nhượng quyền về nguyên nhân không thành công của họ. Điều này không chỉ giúp bạn tự điều chỉnh chính mình mà còn giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về hệ thống. Nên ghi nhớ rằng, không bất cứ một chuỗi nhượng quyền nào cò thể đảm bảo cho bạn thành công 100%. Nên thu nhập những trải nghiệm của mình từ những cơ sở thành công lẫn thất bại. Hãy lên kế hoạch viếng thăm và trải nghiệm ít nhất 5 cơ sở. Nếu có 2 người khuyến khích bạn tham gia, 2 người không có ý kiến gì và một người phản đối, thì đây là tỷ lệ vàng của một hệ thống kinh doanh ổn định, lúc này bạn có thể ra quyết định cuối cùng.
Sau khi có được những trải nghiệm thú vị lẫn lo lắng, hãy dành cho chính bạn một tuần thư giãn và tĩnh tâm, tạo điều kiện để bạn tự hỏi chính mình, điều gì thôi thúc bạn nhất trong hành trình mới này. Câu trả lời thật lòng sẽ giúp cho bạn tự tin và sức mạnh vượt qua khó khăn trong tương lai.
Vân Anh (Tổng hợp)
Theo Nhượng Quyền Việt Nam