Nếu như thị trường chứng khoán ở nhiều nền kinh tế phát triển đã trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn đắt lực cho nền kinh tế thì tại Việt Nam hiện 97% nhu cầu vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng. Tuy nhiên, vì đáp ứng được 3% nhu cầu vốn cho nền kinh tế đều được các chuyên gia đánh giá là thành công lớn nhất của thị trường chứng khoán.
Ông Trương Hiền Phương – Giám đôc chi nhánh TPHCM, Công ty CK KIS Việt Nam – cho biết: “Với nền kinh tế mới nổi và phát triển như Việt Nam, việc phục thuộc quá nhiều dòng vốn ngắn hạn từ ngân hàng và với các điều kiện khá chặt chẽ đôi khi là khó khăn từ phía ngân hàng. Việc doanh nghiệp tiếp cận vốn cho việc sử dụng trung và dài hạn là một vấn đề khó vì vậy sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam là lời giải tốt nhất cho vấn đề tạo vốn cho nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp. Tôi cho đó là cái được lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Ông Phạm Ngọc Bích – Giám đốc phụ trách khách hàng tổ chức, Công ty CK SSI – cho biết: “Và từ từ thị trường chứng khoán sẽ phát triển, trong thị trường chứng khoán thì có thị trường cổ phiếu trái phiếu, khi những doanh nghiệp lớn mạnh hơn có thể huy động nhiều hơn trên thị trường trái phiếu. Căn cứ trên lịch sử hay căn cứ trên lộ trình phát triển của các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore… thì hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp lớn của các nước này đã huy động được vốn cả trên thị trường trái phiếu cũng như cổ phiếu và phụ thuộc ít hơn vào hệ thống ngân hàng”.
Tất nhiên, trên chặng đường 13 năm qua thị trường chứng khoán cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết gây bức xúc cho nhà đầu tư như hiện tượng làm giá cổ phiếu, tin đồn thất thiệt hay giao dịch nội dán và sự mạnh tay của cơ quan chức năng khi đưa ra qui định hình sự hóa vi phạm chứng khoán có vẻ đang phần nào phát huy tác dụng.
So với các thị trường hàng trăm năm tuổi như Mỹ thì thị trường Việt Nam mới chập chững những bước đầu tiên, sự kỳ vọng của giới đầu tư vì vậy vẫn còn ở phía trước.
Ông Phạm Ngọc Bích cho biết thêm: “Nên mở cửa thị trường chứng khoán nhiều hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua được tới 49% vốn điều lệ của các công ty niêm yết và đối với ngân hàng chỉ 30%. Khi hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm hơn vì họ không có hàng để mua. Những công ty tốt thì đã hết room và họ không mua được thì sẽ sang đầu tư các nước khác”.
Ông Trương Hiền Phương cho biết thêm: “Hiện nay sức cầu trên thị trường phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân cũng như các quỹ đầu tư, được gọi là các nhà đầu tư tổ chức, việc nâng cao thêm cơ chế giúp cho các quỹ đầu tư có thể hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ, tạo ra cơ chế quỹ mở hoạt động, tạo ra cơ chế quỹ hưu trí có thể hoạt động trong tương lai thì sẽ giúp cho nhiều nhà đầu tư lớn mang tính tổ chức sẽ tìm đến Việt Nam và sẽ gia tăng đầu tư. Như vậy, chúng ta gián tiếp tạo nên “cái cầu” cho thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Nhất là những kỳ vọng ở thì tương lai, những ngày này chứng khoán đang có cơ hội sôi động trở lại khi các kênh đầu tư truyền thống ngày càng mất đi sức hấp dẫn.
TS Trần Du Lịch – TV Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia – cho biết: “Lãi suất giảm thì nghịch biến với kinh doanh chứng khoán, lãi suất giảm là cơ hội để dòng tiền chảy qua chứng khoán nhiều hơn”.
13 năm tuổi, đây là thời điểm thị trường chứng khoán đang vào ngả rẽ mới với rất nhiều tham vọng từ sáp nhập sở giao dịch, tổ chức lại các công ty chứng khoán, bổ sung thêm nhiều sản phẩm phái sinh thay cho các hàng hóa truyền thống chỉ là cổ phiếu và trái phiếu. Và đến nay con đường tái cấu trúc chỉ mới bắt đầu.
Theo FBNC