Warren Buffett vừa thực hiện thương vụ mua bán lớn chưa từng có
11/08/2015 02:45
Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã đồng ý mua lại Precision Castparts với mức giá kỷ lục 37,2 tỷ USD.
Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã đồng ý mua lại Precision Castparts (PCC) - nhà sản xuất thiết bị hàng không vũ trụ và công nghiệp năng lượng với mức giá 37,2 tỷ USD, bao gồm cả các khoản nợ.
Cụ thể, Berkshire Hathaway sẽ trả 235 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt. Con số này cao hơn 21% so với mức giá cổ phiếu tại phiên đóng cửa vào ngày thứ 6 của Precision Castpart. Trước đó, cổ phiếu của công ty này đã giảm 17% liên tiếp trong 12 tháng vì giá năng lượng sụt giảm.
Đây được xem là một trong những thoả thuận mua bán lớn nhất của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Ngoài ra, thoả thuận này cũng giúp giải phóng một phần khối lượng tiền mặt khổng lồ lên tới 66 tỷ USD của Berkshire Hathaway tính đến ngày 30/6.
Đánh giá về Precision Castparts, chuyên gia David Rolfe nói: “Đây là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều thập kỷ. Họ đã xây dựng được mối quan hệ lâu dài với nhiều khách hàng lớn”.
Công ty này sử dụng công nghệ tiên tiến để chế tạo các bộ phận công nghiệp kim loại dùng cho động cơ máy bay phản lực, nhà máy điện, cũng như đường ống dẫn sử dụng trong ngành dầu mỏ và khí đốt. PCC hiện có khoảng 30.000 nhân viên và tạo ra 2,6 tỷ USD lợi nhuận hoạt động trước thuế trên tổng 10 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái.
Tháng trước, Precision Castparts nói rằng họ hy vọng đạt doanh thu từ 10 - 10,4 tỷ USD và biên lợi nhuận hoạt động vào khoảng 27% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Năm ngoái, 70% doanh số bán hàng của công ty được tạo ra bởi ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và chỉ 17% từ thị trường năng lượng. Khách hàng của công ty bao gồm cả General Electric, Boeing và Airbus.
Trong thông cáo báo chí được gửi đi, Warren Buffett nói rằng: “Tôi đã ngưỡng mộ hoạt động của PCC trong một thời gian dài. Đây là lựa chọn nhà cung ứng hàng đầu trong ngành công nghiệp không gian của thế giới”.
Đại diện Berkshire cho biết họ hy vọng sẽ hoàn thành thoả thuận vào quý đầu tiên của năm 2016. Công ty này cũng nói rằng sẽ sử dụng khoảng 23 tỷ USD tiền mặt cho thoả thuận và đi vay gần 10 tỷ USD.
Như vậy, với PCC, Berkshire Hathaway đã lấn sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp nặng, giảm phụ thuộc vào ngành bảo hiểm và quyền chọn mua cổ phiếu - những mảng kinh doanh sinh lời cho Buffett trong suốt 50 năm nắm quyền. Berkshire Hathaway của ngày hôm nay có thể đã rất khác so với những năm 1990. “Những ngày đó đã qua rồi”, Lawrence Cunningham - giáo sư tại đại học George Washington và là tác giả của cuốn sách “Berkshire Beyond Buffett” nói. “Ngày nay nó thật sự là một tổ chức công nghiệp”.
Bản thân Buffett cũng đã thay đổi danh mục đầu tư vốn chủ sở hữu của mình. Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra vào đầu năm nay, ông nói rằng “mua các công ty có triển vọng lâu dài là ‘hình thức nâng cao giá trị’ mới thay vì đầu tư vào cổ phiếu. Hiện chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn 2”.
Trong năm 2010, Buffett đã bỏ 26,5 tỷ USD “mua đứt” công ty xe lửa lớn nhất nước Mỹ Burlington Northern Santa Fe (BNSF). Berkshire cũng đồng ý tiếp nhận cả khoản nợ 10 tỷ USD của công ty này. Tuy nhiên, Jeff Matthews - một nhà đầu tư từng viết sách về Buffett nói rằng có lẽ thương vụ mua lại Precision Castparts sẽ không tốt đẹp như BNSF. Chính vì vậy, ông này đang cân nhắc tới việc có nên bán cổ phiếu tại Bershire Hathaway hay không. “Tôi chỉ cảm thấy không thoải mái khi tiêu một cục tiền vào một doanh nghiệp như vậy trong một thị trường như thế”.
Vào thứ 6, Berkshire cũng tuyên bố kết quả kinh doanh quý 2 trong năm nay tính đến ngày 30/9 của thương vụ sáp nhập Kraft Heinz Co có thể tạo ra lợi nhuận trước thuế khoảng 7 tỷ USD. Trong khi đó, mảng kinh doanh bảo hiểm ghi nhận mức thua lỗ 38 triệu USD trong quý thứ 2 so với lợi nhuận 411 triệu USD vào đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình hoạt động tái bảo hiểm của công ty diễn biến theo chiều hướng xấu.
Bản thân tỷ phú Buffett cũng đã nhận thức rõ được điều này và từ nhiều năm nay ông luôn nhấn mạnh nỗ lực rời xa mảng bảo hiểm. Thay vào đó, ông sử dụng cụm tử “5 trụ cột” vào năm 2012 để miêu tả về BNSF, mảng kinh doanh năng lượng, scar, Lubrizol và Marmon - những "cỗ máy in tiền" cho Berkshire Hathaway.
Việc "kết nạp" thêm Precision Castparts có thể giúp chuyển đổi thành "6 trụ cột", Cunningham nói. “Một thương vụ mua bán lớn như thế này đã củng cố ý tưởng cho rằng Berkshire là một tập đoàn công nghiệp”.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg