Toàn văn bài phát biểu lay động lòng người của Tổng thống Mỹ Obama tại Hiroshima, Nhật Bản
30/05/2016 12:14
Chúng ta không bao giờ được quên ký ức của buổi sáng ngày 6/8/1945. Ký ức đó dù đau thương nhưng nó sẽ là động lực giúp chúng ta luôn gìn giữ đạo đức, tạo ra sự thay đổi.
Tổng thống Mỹ đã có một bài phát biểu lay động lòng người khi đến thăm Hiroshima, Nhật Bản hôm 25/5 vừa qua. Dưới đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị bản dịch toàn bộ nội dung bài phát biểu của ông Obama.
71 năm trước đây, vào một buổi sáng trời trong không có mây, cái chết giáng xuống từ bầu trời và thế giới thay đổi hoàn toàn. Một tia sáng và bức tường lửa phá hủy thành phố, nó cho thấy loài người có công cụ tự hủy diệt mình.
Vậy tại sao chúng ta lại cùng nhau đến Hiroshima ngày hôm nay?
Chúng ta đến đây để cùng nhau nhớ rằng ở một thời điểm cách đây không lâu, đã có một sức mạnh hủy diệt hàng trăm nghìn người. Chúng ta đến để tưởng nhớ về hơn 100 nghìn người Nhật, trong đó có rất nhiều người già, phụ nữ và trẻ em, hàng nghìn người Hàn Quốc và rất nhiều binh lính Mỹ. Linh hồn của họ nói với chúng ta. Họ nhắc chúng ta hãy tự nhìn vào nội tâm mình, suy nghĩ xem mình là ai và mình sẽ trở thành người như thế nào.
Chiến tranh đã tồn tại trong lịch sử nhân loại từ rất lâu trước sự kiện Hiroshima. Ngay khi loài người bắt đầu có mặt trên thế giới này, họ đã biết mài đá làm vũ khí và chặt cây chuốt thành giáo mác, không phải chỉ để đi săn mà còn để tiêu diệt lẫn nhau. Ở bất kỳ châu lục nào, lịch sử của các nền văn minh cũng đều phải chứng kiến các cuộc chiến tranh, có thể để giành nguồn thực phẩm, vàng.
Cuộc chiến có thể có nguyên do từ lòng yêu nước hay niềm tin tôn giáo, nhiều đế chế đã trỗi dậy và rồi sụp đổ, con người bị cầm tù rồi được giải thoát. Và ở bất kỳ giai đoạn chuyển đổi nào như thế, không thể đếm xuể bao nhiêu người vô tội đã mất đi tính mạng nhưng tên tuổi của họ lại bị bụi thời gian xóa mờ.
Cuộc chiến tranh thế giới có cái kết đầy đau thương tại Hiroshima và Nagasaki là cuộc chiến giữa các nước giàu có và quyền lực nhất thế giới. Nền văn minh của họ đã mang đến cho thế giới những thành phố, công trình nghệ thuật tuyệt vời; họ cũng đang mang lại cho thế giới nhiều ý tưởng tiến bộ về sự công bằng, trật tự và tôn trọng sự thật. Thế nhưng chiến tranh vẫn nổ ra bởi những tham vọng chinh phục và thống trị, điều đó cũng không khác là mấy so với động cơ của các cuộc xung đột giữa các bộ lạc nguyên thủy trước đây.
Tham vọng cũ được thực hiện với những công cụ mới và được hiện thực hóa trên quy mô toàn cầu. Chỉ trong vài năm, 60 triệu người bị đánh đập, bị cầm tù, bị bỏ đói, bị giết hại. Họ cũng là con người như chúng ta, nhưng chúng ta được sống yên bình còn họ thì không.
Lịch sử thế giới đã ghi lại rất rõ ràng về cuộc chiến này, những câu chuyện về sự hy sinh và lòng can đảm của những người lính và cả những bạo tàn trong cuộc chiến. Nhớ lại đám mây hủy diệt hình nấm, chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn lại sự đối nghịch trong chính mỗi con người.
Tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ, khả năng sáng tạo, khả năng thống trị thiên nhiên và biến thiên nhiên phục vụ tốt nhất cho lợi ích của con người - tất cả những yếu tố đó đã làm nên sự phát triển của loài người, nhưng rồi lại chính loài người sử dụng nó để hủy diệt nhau.
Sự tiến bộ của loài người đã khiến chúng ta nhiều khi trở nên mù quáng. Chúng ta dễ dàng dùng những mục đích cao cả để bao biện cho bạo lực.
Bất kỳ tôn giáo lớn nào trên thế giới cũng luôn mang đến cho chúng ta niềm hy vọng vào tình yêu, hòa bình và sự công bằng. Không một tôn giáo nào cho phép người ta dùng niềm tin tôn giáo để giết hại người khác.
Lịch sử của các quốc gia luôn dạy con người phải biết hy sinh và đoàn kết nhưng chính những bài học đó lại nhiều khi bị lạm dụng để trấn áp và tước đi quyền làm người căn bản của những ai dám khác biệt.
Khoa học giúp chúng ta có khả năng giao tiếp xuyên lục địa, giúp chúng ta bay lên bầu trời, chữa bệnh và hiểu được cả không gian vũ trụ. Nhưng cũng chính những phát minh đó cũng có thể bị biến thành cỗ máy giết người.
Các cuộc chiến tranh thời hiện đại mà cụ thể là cuộc chiến tranh thế giới với cái kết Hiroshima đầy đau đớn đã làm chúng ta thấm thía bài học đó.
Tiến bộ về khoa học và công nghệ nếu không đi cùng với những tiến bộ về nhận thức con người sẽ có thể hủy diệt chúng ta. Cuộc cách mạng khoa học dẫn đến khả năng phân tách của nguyên tử cũng cần phải đi kèm với cuộc cách mạng về đạo đức.
Vì thế chúng ta đến đây, cùng đứng với nhau trong thành phố này và cùng hồi tưởng lại khoảnh khắc quả bom đã bị ném xuống. Chúng ta tự buộc mình phải nghĩ đến sự khiếp đảm của những đứa trẻ khi chúng chưa kịp lớn để hiểu điều gì đang xảy ra. Chúng ta lắng nghe tiếng khóc thầm đau đớn vọng đến từ một nơi nào đó.
Chúng ta nhớ đến tất cả những người vô tội đã phải chết bởi các cuộc chiến tranh đã diễn ra và những cuộc chiến tranh có thể sẽ đến. Không một từ ngữ nào có thể tả xiết nối đau mà họ phải chịu đựng. Chúng ta có trách nhiệm phải nhìn thẳng vào lịch sử và tự hỏi cần phải làm gì để ngăn thảm kịch thương đau tái diễn.
Đến một ngày nào đó, tất cả hibakusha (nạn nhân của các vụ đánh bom tại Hiroshima và Nagasaki) cũng sẽ trút hơi thở cuối cùng, họ không còn có thể đi cùng chúng ta trong vai trò chứng nhân lịch sử.
Nhưng chúng ta không bao giờ được quên ký ức của buổi sáng ngày 6/8/1945. Ký ức đó dù đau thương nhưng nó sẽ là động lực giúp chúng ta luôn gìn giữ đạo đức, tạo ra sự thay đổi. Và trên thực tế, từ cái ngày định mệnh đó, chúng ta đã rất cố gắng để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Mỹ và Nhật đã thành đồng minh thân cận, quan hệ hữu nghị và hợp tác đã mang đến lợi ích vượt trội hơn rất nhiều so với việc chúng ta đối đầu bằng những cuộc chiến. Những chiến trường tại châu Âu nay trở thành mảnh đất của tự do thương mại. Nhiều dân tộc, quốc gia thuộc địa trên thế giới đã được sống trong độc lập.
Cộng đồng quốc tế đã chung tay lập nên nhiều tổ chức và ký kết nhiều hiệp ước để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh và đẩy lùi sự phát triển của vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, ở rất nhiều nơi trên thế giới vẫn còn những cuộc chiến cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Vấn nạn khủng bố, tham nhũng, bạo lực và áp bức chưa bị đẩy lùi. Nó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Có thể chúng ta sẽ không thể nào ngăn được hành vi tồi tệ của con người vì thế chúng ta cần phải liên minh với nhau để tự bảo vệ.
Con người khác loài vật có lẽ cũng bởi lòng bao dung và sự tha thứ. Chúng ta sẽ không lặp lại những sai lầm của quá khứ, chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra hướng đi. Chúng ta sẽ kể cho con cháu chúng ta những câu chuyện khác nhân văn hơn, ít bóng dáng của chiến tranh hơn và mọi hành vi bạo tàn không được chấp nhận.
Những hibukasha đã làm được điều đó. Đó là người phụ nữ tha thứ cho phi công Mỹ lái máy bay ném bom Hiroshima bởi bà khẳng định cái bà căm hận là chiến tranh, chứ không phải người đàn ông đó.
Lịch sử của nước Mỹ bắt đầu với tuyên ngôn rất đơn giản: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”
Để tuyên ngôn trên thực sự đi vào thực tế là điều không đơn giản, kể cả ngay chính tại nước Mỹ và với chính người Mỹ. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi tuyên ngôn đó. Nó xứng đáng là một lý tưởng để mọi quốc gia tôn trọng để không một sinh mạng nào trong gia đình toàn cầu của chúng ta phải mất đi.
Vì thế chúng ta cùng đến Hiroshima, chúng ta cùng nghĩ về người mà chúng ta yêu thương, nụ cười trên môi con trẻ mỗi buổi sáng, cái ôm ấm áp từ người bạn đời và tình yêu thương mà cha mẹ dành cho ta.
Không có ai trong chúng ta muốn chứng kiến thêm các cuộc chiến tranh. Chúng ta muốn thành tựu của khoa học phải được phục vụ cho cuộc sống của con người chứ không phải hủy diệt nó.
Lãnh đạo mỗi quốc gia, mỗi dân tộc khi đưa ra lựa chọn hãy luôn nhớ đến điều đó, và như vậy có nghĩa là thông điệp từ Hiroshima đã được truyền tải đầy đủ. Hãy cùng chung tay bảo vệ hòa bình, cho chúng ta và con cháu chúng ta.
Chúng ta có thể chọn tương lai cho chính mình, khi chúng ta nhìn nhận thảm họa Hiroshima và Nagasaki không phải là khởi đầu cho một kỷ nguyên chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân mà là sự khởi đầu của sự thức tỉnh lương tri loài người.
Theo Ngọc Thanh
CafeBiz/Trí thức trẻ