Việt Nam & xu hướng thanh toán bằng thẻ NFC
11/11/2015 01:52
Với những tuyến tàu điện trong thành phố, dòng thẻ NFC được kỳ vọng sẽ phổ biến như một công cụ thanh toán nhỏ lẻ hàng đầu trong tương lai.
TP. HCM có tàu điện ngầm vào năm 2020
Một trong những dự án giao thông công cộng tốn giấy mực nhất của báo chí trong thời gian qua chính là Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thiết kế ban đầu, hệ thống tàu điện ngầm TP.HCM có tổng chiều dài 54 km, 22 nhà ga và 4 tuyến. Mục tiêu của hệ thống metro nhằm thay thế 25% lượng xe gắn máy lưu thông trên đường đến năm 2020, giúp TP.HCM từng bước giải quyết vấn đề giao thông công cộng.
Hệ thống hạ tầng công nghệ, dịch vụ đi kèm tuyến đường sắt này cũng được quan tâm mà trong đó điểm nhấn là giải pháp thẻ tàu điện để tiết kiệm thời gian cho người dân. Việc sử dụng thẻ thông minh cho các giải pháp giao thông công cộng không còn mới trên thế giới và tại Việt Nam cũng đã đưa vào thử nghiệm trước đây cho phương tiện xe buýt.
Hồi tháng 3/2010, Sở GTVT TP.HCM đã thử nghiệm thẻ xe buýt thông minh trên hai tuyến xe buýt số 1 và 27. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thử nghiệm, kết quả không được như mong đợi. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng thói quen người tiêu dùng và thiếu chính sách hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng thẻ thông minh dẫn đến kết quả thử nghiệm, từ đó chưa thể đánh giá hết khả năng của loại hình công nghệ thẻ thông minh này.
Thất bại trong thử nghiệm nhưng đồng thời mở ra những giải pháp mới trong tương lai bởi sử dụng thẻ thông minh cho giao thông công cộng là xu hướng tất yếu tại Việt Nam.
Khi hệ thống tàu điện ngầm được đưa vào khai thác tại Hà Nội và TP.HCM, sử dụng thẻ thông minh NFC để thanh toán mua vé sẽ là phương thức phổ biến và tiện lợi nhất.
Thẻ thông minh nào cho hệ thống tàu điện ngầm tại Việt Nam
Thẻ thông minh với giao tiếp không cần tiếp xúc đã trở nên ngày càng phổ biến trong các ứng dụng thanh toán và mua vé, điển hình là lời giải cho bài toán bán vé vận tải công cộng.
Hiện có 4 loại công nghệ thẻ thông minh lớn được áp dụng phổ biến trên thế giới và từng được ứng dụng tại Việt Nam, đó là RFID, NFC, FeliCa và Mifare. Trong số đó, NFC được nhắc đến nhiều hơn tất cả khi công nghệ này song hành cùng với xu hướng smartphone, còn công nghệ Mifare đến từ châu Âu thì gặp khá nhiều về vấn đề bảo mật trong thời gian dài dẫn đến tính khả thi trong ứng dụng là không cao.
Gần đây nhất, Sony đang lên kế hoạch đưa công nghệ thanh toán FeliCa áp dụng vào hệ thống xe buýt tại Hà Nội sau khi triển khai tại Indonesia.
Trước đây, công nghệ chuẩn ISO/IEC 14443 này đã được áp dụng thành công tại Nhật Bản và Hồng Kông, nhưng hiện nay hệ thống FeliCa cũng trang bị công nghệ NFC. Theo số liệu ước tính, trên thế giới có khoảng 890 triệu chip FeliCa đang được sử dụng. Hiện tại, FeliCa đang đưa vào thí điểm trong hệ thống xe buýt ở Hà Nội, và chính phủ Nhật Bản cũng đã viện trợ cho Việt Nam 200.000 thẻ.
Ngoài ra, FeliCa còn được đề xuất là hệ thống thẻ thanh toán cho các tuyến đường sắt tại Việt Nam.
FeliCa còn được biết đến với dịch vụ thanh toán đa năng Octopus được sử dụng trong việc thanh toán phí giao thông công cộng, chi phí dịch vụ mua sắm, ăn uống tại Hồng Kông. Đặc biệt, Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công công nghệ NFC vào việc thanh toán ở quy mô lớn với dịch vụ FeliCa Network của nhà mạng NTT Docomo.
Lý giải cho sự thành công của FeliCa, anh Trần Quân - Trưởng dự án thẻ thông minh của công ty Payteck - cho rằng thời gian xử lý là yếu tố quyết định, thẻ FeliCa của Sony có khả năng xử lý giao dịch trong khoảng 1 giây. Ngoài ra yếu tố bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin là điều đáng quan tâm khi RC-SA00 - thế hệ chip FeliCa mới nhất được phát triển bởi Sony là chip không tiếp xúc đầu tiên trên thế giới với phần mềm nhúng đạt chứng nhận EAL6 +, tiêu chuẩn quốc tế cao nhất cho các tiêu chí đánh giá an ninh CNTT lĩnh vực dân dụng.
Mua hàng bằng thẻ giao tiếp gần NFC
Tương lai của thẻ NFC tại Việt Nam
Tại Việt Nam, đối với việc lựa chọn công nghệ để xác thực định danh ở các hệ thống điện tử thì thẻ giao tiếp gần là một trong những lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên đó chỉ là một trong những chức năng mà thẻ thông minh mang lại. Trên thế giới, thẻ thông minh còn được dùng như một “ví tiền điện tử” nhờ khả năng lưu trữ, bảo mật dữ liệu. Tuy nhiên, thói quen của người dùng Việt Nam đối với thẻ thông minh còn khá xa vời khi tiền mặt vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Để có thể thuyết phục người dùng sử dụng thẻ thông minh thì các tổ chức, từ ngân hàng cho đến doanh nghiệp, ngoài việc đầu tư công nghệ cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để tạo nên hiệu quả và tiện lợi nhằm thu hút người dùng cuối. Những hình thức tuyên truyền phổ biến tính tiện ích của thẻ thông minh đến với người dùng vẫn là cách đưa ứng dụng thẻ tham gia phục vụ cuộc sống ngày một nhiều hơn. Mô hình thẻ thông minh đã trở thành một phương thức thanh toán không thể thiếu trên thế giới và sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ tham gia vào xu hướng chung này.
Hiện tại, Việt Nam chỉ mới có 1 đơn vị duy nhất ứng dụng công nghệ thẻ thanh toán NFC dành cho các dịch vụ nhỏ lẻ, đó là Payteck. Đơn vị này đã triển khai thành công thẻ định danh sử dụng công nghệ NFC dành cho trường THPT Phạm Ngũ Lão (TP.HCM). Ngoài chức năng định danh, thẻ thông minh này còn là một ví điện tử, trong đó cho phép học sinh có thể thanh toán các khoản chi phí từ in ấn cho đến ăn uống trong căng tin. Đây là một hình thức thẻ thanh toán trả trước vốn được ứng dụng khá nhiều tại các cửa hàng ăn uống hay cửa hàng tiện lợi.
Ông Nguyễn Hoàng Ly - đồng sáng lập công ty dịch vụ thanh toán Paytek cho rằng “Xu thế trả trước đang phát triển tại các chuỗi bán lẻ với việc phát hành thẻ riêng của họ. Ngoài ra việc sử dụng thẻ trả trước khá tiện dụng cho người dùng trong việc thanh toán giống như tiền mặt khi không có phải chịu phụ thuộc vào một tài khoản ngân hàng nào. Điều này đã tạo thành mô hình thanh toán mới với đặc trưng là nhanh, nhỏ lẻ và trả trước.”
Việt Nam hiện chưa có nhiều ứng dụng hay dịch vụ thanh toán tuy nhiên với điểm khởi đầu là tuyến tàu điện trong thành phố thì điều này mang đến số lượng người dùng rất lớn. Để đến thời điểm tuyến tàu điện đi vào sử dụng thì loại thẻ thông minh NFC có thể đã được dùng trong các trường học như Trường THPT Phạm Ngũ Lão hay tại các ngân hàng, trung tâm y tế bởi vì hệ thống những doanh nghiệp này đòi hỏi yêu cầu cao về vấn đề xác thực, định danh tin cậy, đồng thời ứng dụng của các nơi này đòi hỏi sự bảo mật dữ liệu cho mỗi khách hàng.
Công nghệ NFC NFC (Near-Field Communications) là công nghệ kết nối không dây phạm vi tầm ngắn trong khoảng cách 4cm, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau. NFC hoạt động ở dải băng tần 13,56MHz và tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 424Kbps. Do khoảng cách truyền dữ liệu khá ngắn nên giao dịch qua công nghệ NFC được xem là an toàn. Một giao dịch diễn ra trên NFC tuần tự theo các bước: phát hiện (Discovery), xác thực (Authentication), trao đổi (Negotiation), truyền dữ liệu (Transfer) và xác nhận từ phía nhận dữ liệu (Acknowledgment). Trong một số tác vụ cần truyền tải những gói dữ liệu lớn, NFC kích hoạt các kết nối khác như Bluetooth hay Wi-Fi để giúp việc trao đổi dữ liệu nhanh hơn. Thiết bị được trang bị NFC thường là điện thoại di động, có thể giao tiếp với các thẻ thông minh, đầu đọc thẻ hoặc thiết bị NFC tương thích khác. Ngoài ra, NFC còn được kết hợp nhiều công nghệ sử dụng trong các hệ thống công cộng như bán vé, thanh toán hóa đơn… |
Công nghệ RFID RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Là một phương pháp nhận dạng tự động dựa trên việc lưu trữ dữ liệu từ xa, sử dụng thiết bị thẻ RFID và một đầu đọc RFID. RFID đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ khi được kì vọng thay thế hoàn toàn mã vạch hay ứng dụng trong y tế với khả năng giám sát nhằm chăm sóc người già hoặc trẻ sơ sinh… Ngoài ra công nghệ này được sử dụng nhiều trong hệ thống an ninh, ngành công nghiệp vận chuyển, tuy phần lớn những ứng dụng thường không thỏa mãn được kì vọng và chịu lép vế trước nhiều cuộc cách mạng công nghệ khác như mạng xã hội hay giải trí streaming luôn được ca tụng… Hiện tại RFID dường như đã bước vào kỷ nguyên thứ 2 của mình khi trở thành một phần thiết yếu của xu hướng Internet kết nối vạn vật (IoT) và tạo ra cuộc cách mạng trong môi trường tương tác hiện nay. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng RFID đã có quãng thời gian tồn tại không giống như sự kỳ vọng ban đầu của nó nhưng công nghệ này đang chuyển mình trở thành vai trò chủ đạo và tạo ra một tương lai vô hạn. |
Theo PC World VN