Vì sao một tập đoàn dệt may lớn chuyển hướng đầu tư từ Việt Nam sang Haiti?
23/10/2015 12:39
Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) tuyên bố mở nhà máy tại Haiti nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam xuống còn một nửa.
Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc), một trong những nhà sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới đang đưa ra chiến lược dựa vào Haiti nhằm tiến vào thị trường Mỹ, đồng thời giảm phụ thuộc vào Việt Nam.
Theo một thông báo bằng tiếng Hàn của Hansae, tập đoàn này cho rằng Haiti có lợi thế cạnh tranh hơn, bất kể các lợi ích từ TPP.
Hansae tuyên bố sẽ mở một nhà máy tại Khu công nghiệp Sonapi thuộc quản lý của chính quyền Haiti. Nhà máy này sẽ thuê khoảng 5.000 công nhân và bắt đầu đi vào sản xuất sớm nhất trong nửa cuối năm 2016.
"Với dự án tại Haiti, tỷ trọng nguồn gốc hàng hóa của Hansae sẽ thay đổi. Tỷ lệ 60% hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam sẽ giảm xuống còn 50%. Ngược lại, hàng dệt may sản xuất tại Indonesia và Trung - Nam Mỹ, vốn chỉ chiếm 20% cho mỗi khu vực, sẽ tăng lên 25%", Hansae cho biết.
"Chi phí nhân công tại Haiti hiện chỉ bằng một nửa so với Việt Nam, đồng thời, với chính sách cải thiện giáo dục và khả năng tự động hóa được nâng cấp, nhà máy tại Haiti hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với nhà máy tại Việt Nam", Hansae khẳng định.
Một yếu tố quan trọng khác là Mỹ hiện đã miễn thuế cho hàng dệt may sản xuất tại Haiti, theo quy định của Luật Ưu đãi Thương mại Vùng vịnh Caribê (CBTPA).
Tập đoàn Hansae cũng đang bàn thảo với nhà chức trách Haiti nhằm khắc phục một số hạn chế như chất lượng đường sá cộng với chi phí điện, vốn cao hơn so với các nước láng giềng như Nicaragua và Guatemala.
Hansae hiện có các nhà máy tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Quần đảo Bắc Mariana và Nicaragua. Tập đoàn này cho rằng, mặc dù TPP đã được 12 nước thông qua nhưng phải mất ít nhất 3 năm nữa thỏa thuận này mới có thể có hiệu lực.
Theo NCĐT