Tổng quan về hệ thống ngân hàng tại Việt Nam

05/09/2014 10:14

Tổng quan về hệ thống ngân hàng tại Việt Nam


VBR xin tổng hợp các yếu tố nhân sự, phòng giao dịch, tổng vốn, tổng tài sản của các ngân hàng tại Việt Nam. (cập nhật đến T06.2014)


Vốn điều lệ của 37 ngân hàng Việt hiện nay ra sao?

Trong số 37 ngân hàng vẫn có 13 ngân hàng vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ, trong đó 6 ngân hàng vốn tròn 3.000 tỷ. Vietinbank có vốn điều lệ cao nhất với hơn 37.200 tỷ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến đầu tháng 7/2014, tổng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng đạt hơn 428,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,21% so với cuối 2013. Trong đó nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước có vốn điều lệ 130.634 tỷ đồng, ngân hàng TMCP là 190.314 tỷ đồng, tổng cộng chiếm 75% vốn của toàn hệ thống.

Số liệu của các ngân hàng cập nhật cùng thời điểm thì cho thấy Vietinbank hiện là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ với hơn 37.200 tỷ đồng, cao hơn trên dưới chục nghìn tỷ so với 3 ngân hàng ở vị trí tiếp theo là Agribank, BIDV và Vietcombank.

Trong số 37 ngân hàng vẫn có 12 ngân hàng vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ, trong đó có 6 ngân hàng vốn tròn 3.000 tỷ - tối thiểu theo quy định của NHN – đó là BaoVietBank, KienLongBank, NamABank, PGBank, VietcapitalBank và VietBank.

Trong năm nay, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn như BaoVietBank có kế hoạch tăng vốn lên 5.200 tỷ; VPBank muốn tăng tiếp lên 7.325 tỷ; NamABank và SaiGonBank muốn tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng; DongABank kế hoạch tăng lên 6.000 tỷ; LienVietPostBank muốn lên 6.647 tỷ đồng.

Nhóm các ngân hàng lớn hơn cũng có kế hoạch tăng vốn như MB lên 15.500 tỷ; Sacombank lên gần 13.500 tỷ; SCB lên gần 14.300 tỷ…

Dưới đây là tình hình vốn điều lệ của các ngân hàng cập nhật tại thời điểm đầu tháng 7 (tổng hợp từ báo cáo tài chính, các số liệu ngân hàng công bố), trong đó đồ thị có đỏ là ngân hàng sau sáp nhập bao gồm SHB(SHB+Habubank), SCB (Ficombank+SCB+TinNghiaBank), PVcomBank (WesternBank+PVFC), HDBank (HDBank+DaiABank). Đơn vị tính sử dụng là nghìn tỷ đồng.

 

Vốn điều lệ của 37 ngân hàng Việt hiện nay ra sao? (1)
 

Xếp hạng tổng tài sản của các ngân hàng hiện nay ra sao?

Tổng tài sản của MDBank hiện đang nhỏ nhất hệ thống khi đạt chưa đầy 7 nghìn tỷ đồng. Cùng với SaiGonBank thì đây là 2 ngân hàng duy nhất có tổng tài sản dưới 20 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm 30/6, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 5,96 triệu tỷ đồng, tăng gần 206 nghìn tỷ tương đương 3,74% so với cuối năm 2013. Trong đó, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước là hơn 5,16 triệu tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Vietinbank đang dẫn đầu hệ thống với hơn 597 nghìn tỷ đồng, theo sau là BIDV với 579 nghìn tỷ và Vietcombank hơn 504 nghìn tỷ đồng.

3 ông lớn ngân hàng này cũng bỏ khá xa tài sản của các ngân hàng cổ phần nhóm sau với quy mô gấp hơn 2 lần.

Tổng tài sản của MDBank hiện đang nhỏ nhất hệ thống khi đạt chưa đầy 7 nghìn tỷ đồng. Cùng với SaiGonBank thì đây là 2 ngân hàng duy nhất có tổng tài sản dưới 20 nghìn tỷ đồng.

Dưới đây là dữ liệu về tổng tài sản của các ngân hàng tại thời điểm đầu tháng 7/2014 (ĐVT nghìn tỷ đồng). Trong đó đồ thị có màu xanh lá cây biểu hiện ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán, màu vàng là các ngân hàng đã và đang tái cơ cấu bằng sáp nhập.

Còn một số ngân hàng chưa được cập nhật ở đây do số liệu quá cũ (từ 2010) như là GPBank, VietBank, BaoVietBank...

 

Xếp hạng tổng tài sản của các ngân hàng hiện nay ra sao? (1)
 
 

Hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng Việt lớn thế nào?

Agribank đang có số lượng chi nhánh, phòng giao dịch khổng lồ tới trên 2.300 điểm trải rộng khắp cả nước, tiếp đến là Vietinbank với hơn 1.150 điểm.

Số liệu chúng tôi tổng hợp từ báo cáo tài chính và giới thiệu của các ngân hàng cho thấy, đến thời điểm đầu quý 3 năm nay, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam (tính cả Agribank) có hơn 9.200 chi nhánh, phòng giao dịch trải khắp cả nước, một số ngân hàng có chi nhánh nước ngoài như Sacombank, Vietinbank…

Trong đó, riêng lượng chi nhánh, phòng giao dịch của Vietinbank và Agribank chiếm trên 1/3 tổng số chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống. Số chi nhánh và phòng giao dịch của MDBank (ngân hàng Mê Kông) là thấp nhất hệ thống khi chưa đạt con số 30.

Những năm trước, việc phát triển hệ thống mạng lưới được các ngân hàng rất chú trọng và cũng không quá khắt khe, tuy nhiên kể từ khi Thông tư 21 quy định về mạng lưới hoạt động của các ngân hàng có hiệu lực vào 21/10/2013, NHNN đã siết chặt hơn rất nhiều việc mở mới các chi nhánh, khiến cho các ngân hàng gặp khó về mở rộng mạng lưới, đặc biệt là với các ngân hàng nhỏ và vốn thấp.

Theo quy định hiện hành, mỗi nhà băng chỉ được mở tối đa 10 chi nhánh trong nội thành Hà Nội và TP HCM. Để được mở thêm chi nhánh, ngân hàng phải kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước liền kề, đồng thời nợ xấu của năm trước liền kề không được vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quy định của Thống đốc. Tỷ lệ vốn tối thiểu cho mỗi chi nhánh là 300 tỷ đồng.

Đồ thị dưới đây biểu thị số chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại. Số liệu của Agribank, Vietinbank và Vietcombank là ước tính của các ngân hàng này. Đường màu đỏ biểu thị các ngân hàng đã sáp nhập, trong đó SHB sáp nhập với Habubank, HDBank sáp nhập DaiABank, SCB sáp nhập giữa SCB, Ficombank và TinNghiaBank, còn PVcomBank sáp nhập WesternBank với PVFC.

 

Hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng Việt lớn thế nào? (1)
 
 

Tình hình nhân sự của các ngân hàng hiện nay

Trong nhóm ngân hàng cổ phần, Sacombank hiện đang có lượng nhân sự dồi dào nhất với gần 12.000 người, tiếp đó là ACB với hơn 9.000 người.

 

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính và số liệu công bố rộng rãi của các ngân hàng, hiện trong hệ thống có khoảng gần 200.000 nhân sự làm việc cho các ngân hàng trong nước (không kể đến Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Phát triển VDB, Ngân hàng Hợp tác xã và các ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Trong đó, nhân sự của Agribank chiếm khoảng 20% tổng số lao động và cao gấp hơn 2 lần so với ngân hàng của Vietinbank, BIDV, Vietcombank và MHB. Cũng dễ hiểu bởi lẽ số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank lên tới hơn 2.300 điểm, trong khi đó Vietinbank chỉ có khoảng 1.150 chi nhánh, phòng giao dịch và các ngân hàng thương mại Nhà nước khác chỉ trên dưới 500. Tất nhiên, nhân sự của nhóm 5 ngân hàng này cao hơn nhiều so với các ngân hàng cổ phần.

Trong nhóm ngân hàng cổ phần, Sacombank hiện đang có lượng nhân sự dồi dào nhất với gần 12.000 người, tiếp đó là ACB với hơn 9.000 người. Nhân sự của Techcombank và VPBank tương đương nhau, ở mức trên 7.000 người.

Ngoài ra trong hệ thống còn rất nhiều ngân hàng có số nhân sự ít ỏi trên 1.000 người, cũng phù hợp với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch cũng như quy mô của các nhà băng đó. 

Dưới đây là tình hình nhân sự của các ngân hàng tại thời điểm đầu quý 3. Đơn vị tính: nghìn người.

 

Tình hình nhân sự của các ngân hàng hiện nay (1)
 
Theo Infonet