FED đối mặt với sức ép sau quyết định giữ nguyên lãi suất

23/09/2015 11:36

FED đối mặt với sức ép sau quyết định giữ nguyên lãi suất

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất, bà chủ tịch Janet Yellen đang đối mặt với những câu hỏi của các chính trị gia Mỹ và giới đầu tư toàn cầu.


Sức ép lên bà Yellen trong bối cảnh bà đang cố lèo lái một ủy ban đầy chia rẽ giữa một bên là những ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ đã đủ lành lặn để tăng lãi suất, và một bên lo ngại kinh tế suy yếu sẽ làm mất đà hồi phục và tăng trưởng.

 

Thứ năm tuần trước, FED viện lý do các rủi ro từ Trung Quốc và thế giới cùng sức ép lên nền kinh tế Mỹ do đồng USD, hàng hóa tăng giá khiến cơ quan này quyết định không tăng lãi suất. Tuy nhiên, 13/17 nhà hoạch định chính sách của FED lại muốn gia tăng lãi suất trong năm nay.

 

“Chúng tôi rất lo về cái vòng luẩn quẩn, trong đó sự bất ổn của thị trường khiến FED hoãn tăng lãi suất, và ngược lại sự trì hoãn càng làm tăng bất ổn

Nhà kinh tế 
Roger Aliaga-Diaz

 

Nhiều chỉ trích

 

Bà Yellen dự kiến phải giải thích thêm một lần nữa cho rõ nhận định của FED khi phát biểu tại Massachusetts vào ngày 24-9. “Tôi nghĩ bà ấy sẽ cố làm rõ mọi thứ, bằng cách này hay cách khác, vì tôi không thể tin họ không biết về vấn đề họ đang đối mặt” - ông Roberto Perli, cựu quan chức FED, nhận định.

 

Những ý kiến chỉ trích không nhắm trực tiếp vào bà Yellen, nhưng cho rằng trong vài tháng gần đây FED đã góp phần khiến thị trường thêm bất ổn.

 

“Tôi không nghĩ chúng ta đi ngược với thị trường. Nhưng các khuynh hướng chính sách không ổn định của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) rõ ràng đang góp phần làm vào sự bất ổn chung vốn hình thành từ giữa tháng 8-2015” - Reuters dẫn lời lãnh đạo FED tại Atlanta Dennis Lockhart.

 

Còn nhà chiến lược thị trường Michael Block của Rhino Trading bi quan hơn: “FOMC và tất cả chúng ta đều mắc kẹt”.

 

Theo giới đầu tư và phân tích, hành động và lời nói của FED luôn mâu thuẫn và gây bối rối trong thời gian qua.

 

Ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này tuyên bố thị trường không nên tác động lên chính sách tiền tệ, nhưng sau đó họ lại phản ứng theo thị trường; họ khẳng định chính sách không phụ thuộc vào dữ liệu nhưng rồi viện lý do tỉ lệ thất nghiệp 5,1% là chưa đủ và cần phải giảm thêm trước khi tăng lãi suất.

 

Ngoài ra, không rõ các thành viên của FED có cùng quan điểm khi nhìn vào cùng một dữ liệu và các mục tiêu của FED về lạm phát và thất nghiệp.

 

“Đây có lẽ là bài kiểm tra lớn nhất mà bà Yellen phải đối mặt” - cựu giám đốc nghiên cứu David Stockton của FED nhận định. Không chỉ đối với kinh tế Mỹ, một bước đi sai thời điểm của FED khi tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế thế giới trì trệ sẽ kéo tuột kinh tế toàn cầu, do giới đầu tư điều chỉnh theo động thái của FED và rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

 

Con tin của thị trường?

 

Động thái của FED cũng khiến giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu có phải thị trường chứng khoán mới chính là chủ tịch của FED?

 

Khi bà Yellen giải thích sự bất ổn của thị trường tài chính khiến FED tiếp tục giữ mức lãi suất thấp, giới đầu tư tin rằng các chính sách tiền tệ của Mỹ đang bị thao túng bởi các yếu tố bên ngoài chứ không phải các yếu tố cơ bản của kinh tế.

 

“Ngày nay, thị trường chứng khoán đang dọa nạt FED. Đây là một điều nguy hiểm khiến FED có thể trở nên bất ổn và khó đoán” - CNN nhận định. Thông thường các thị trường tài chính phải nhảy theo điệu nhạc của FED, nhưng nay FED đang làm điều ngược lại.

 

“Trong gần 50 năm phân tích về FED, tôi chưa từng thấy điều gì như thế này” - nhà kinh tế David Jones, chủ tịch Công ty tư vấn DMJ Advisors, nói. “Họ không chỉ bị bắt làm con tin. Họ thật sự tình nguyện trở thành con tin của thị trường” - nhà chiến lược David Kelly của JPMorgan Funds nói.

 

Giới phân tích hiện đang chờ đợi hành động của FED vào tháng 10 để kiểm soát lại tình hình và tăng lãi suất. “Bà Yellen nói tháng 10 sẽ quyết định, nhưng liệu có thể tin được bà ấy?” - ông Jones đặt câu hỏi.

 

Theo Tuổi Trẻ