Tinh thần doanh nhân
05/09/2014 11:20
Doanh nhân có vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế trong nước và đưa đất nước hội nhập với quốc tế. Họ là người có định hướng rõ ràng cùng với sự nhiệt tình sáng tạo để có thể nhìn thấy các cơ hội còn tiềm ẩn và nắm bắt tận dụng chúng một cách triệt để.
Kinh tế toàn cầu luôn ẩn chứa sự biến động khôn lường, khiến cho các Cty luôn gặp khó khăn trong quá trình dự đoán và đối phó với tình hình. Những rủi ro trong kinh doanh vì thế cũng tăng lên nhiều hơn, nhất là trong thời kì suy thoái kinh tế đang có xu hướng domino, không chỉ diễn ra ở một đất nước riêng biệt mà còn lan ra các nước khác trên toàn cầu. Nhưng chính trong những lúc như thế này này, tinh thần doanh nhân mới có cơ hội được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
Dũng cảm
Trong kinh doanh, rủi ro là điều không bao giờ có thể tránh khỏi. Các doanh nhân phải đối mặt với sự cạnh tranh liên tục của các đối thủ, cập nhật hơn về mặt công nghệ, giá thành sản phẩm cũng như cách tiếp cận khách hàng. Vì vậy, yếu tố đầu tiên để có thể thành công được trong kinh doanh chính là sự dũng cảm đương đầu với rủi ro bất ngờ có thể xảy đến. Kurma Birla Mangalam, Chủ tịch Tập đoàn Aditya Brita Group của Ấn Độ cho rằng: “Rủi ro là điều kiện cố hữu của quá trình kinh doanh. Không một nhà lãnh đạo nào có thể áp dụng những ý tưởng sáng tạo với sự đảm bảo tuyệt đối, không có rủi ro nào”. Vấn đề là phải học cách khắc phục và chấp nhận những rủi ro đó. Còn Tom Adams, Chủ tịch Tập đoàn Rossetta Stone, người đạt giải thưởng EY Entrepreneur Of The Year (EOY) Thế giới năm 2009 chia sẻ bí quyết thành công lớn nhất của tập đoàn, chính là ý tưởng sáng tạo tiên phong khi chưa ai dám nghĩ tới. Với ý tưởng dạy các ngôn ngữ qua phần mềm máy tính một cách dễ hiểu bằng những câu chuyện cười, ông đã lường trước được rằng khả năng khách hàng không tiếp nhận sản phẩm cũng như khó khăn trong việc phát triển thị trường đối với một mặt hàng mới như vậy là rất lớn. Thế nhưng thay vì bỏ cuộc, Tom vẫn tiếp tục công việc của mình, từ những bước nhỏ nhất, cố gắng hoàn thiện sản phẩm, tiến hành quảng cáo với các Cty bạn, để tạo nên vị thế vững vàng trên thị trường.
Thực tế, rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Thời kì kinh tế thoái trào, lại chính là thời kì có nhiều DN được thành lập nhất vì các doanh nhân khi ấy, thường có xu hướng tìm tòi để cố gắng thoát ra khỏi những khó khăn khủng hoảng. Còn chính trong giai đoạn ổn định, người ta thường có xu hướng bình ổn và không có đủ động lực để sáng tạo và phát triển những cái mới. Hugh Courtney, tác giả của cuốn “20/20 tầm nhìn xa: định hướng trong một thế giới không ổn định” khuyến khích các doanh nhân trong việc loại bỏ dần việc đặt ra các kế hoạch quá lâu dài. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo nên tìm ra lối đi phù hợp với biến động của thị trường trong từng thời kì và biến đổi cách thức kinh doanh cũng như tìm ra những mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu nảy sinh của khách hàng. Ông khẳng định rằng: với việc dám chấp nhận rủi ro, các Cty có thể thu được những kết quả bất ngờ trong kinh doanh.
Một người lãnh đạo với tinh thần doanh nhân kiên cường, sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ mà sẽ tìm được ra phương hướng điều chỉnh, để thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện. Đó chính là tiêu chí kinh doanh của Darlin Larsen, Chủ tịch & người sáng lập tập đoàn Mona Vie, doanh nhân đoạt giải EOY trong các ngành công nghiệp mới nổi” năm 2009.
Đổi mới, sáng tạo
EY tiến hành khảo sát nhỏ với các doanh nhân đã từng tham gia Giải thưởng EOY trên thế giới và nhận ra rằng, đa phần các Cty trong thời kì suy thoái đều có xu hướng tìm kiếm và xây dựng 1 nền tảng kinh doanh vững chắc, để phát triển trở lại. Vì vậy, các doanh nhân thành đạt là những người không e ngại sự đổi mới, phá vỡ những khuôn phép cũ để vươn tới những thành công mới, những lĩnh vực mà chưa có ai chạm vào. Hơn nữa, các vị trí đứng đầu luôn luôn bị cạnh tranh và có nguy cơ được thay thế bởi những DN với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và có xu hướng chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, đổi mới, không chỉ trên phương diện kinh doanh mà còn cả cách thức quản lý, là một phần tất yếu giúp DN có thể đứng vững trên thị trường. Matthew Szulik, Chủ tịch tập đoàn Red Hat, doanh nhân đoạt Giải thưởng EOY Thế giới năm 2008 khẳng định rằng một DN thành công là một DN không hề bị gò bó bởi những ý niệm truyền thống. Bởi sự truyền thống ấy sẽ làm mất đi tính sáng tạo, những khuôn khổ sẽ gò ép ý tưởng, tạo nên một sự dập khuôn trong suy nghĩ, và lối mòn trong hành động.
Sáng tạo là một phần trong tính cách của các doanh nhân. Chính trong thời kì càng khó khăn, họ càng cố tìm cách để thoát ra. Họ thường cân nhắc đổi mới trên 4 lĩnh vực chính:
Thứ nhất, công nghệ: các doanh nhân với tư tưởng đổi mới thường tìm cách để tận dụng triệt để các công nghệ sản xuất mới, từ đó nâng cấp chất lượng và năng suất sản phẩm cũng như các dịch vụ tới khách hàng.
Thứ hai, các mô hình kinh doanh: họ có thể tìm cách biến đổi và nâng cấp các mô hình kinh doanh chiến lược sao cho phù hợp với thị trường và khách hàng mới.
Thứ ba, thị trường toàn cầu hóa: đây là thị trường mà các doanh nhân rất quan tâm. Nhờ toàn cầu hóa, họ có thể đổi mới mô hình DN, mở rộng sang các thị trường xung quanh với ít khó khăn hơn.
Thứ tư, các lĩnh vực khác nhau trong kinh doanh: những nhà lãnh đạo có định hướng chiến lược và tầm nhìn xa hơn, thường mở rộng định hướng kinh doanh của Cty mình sang các lĩnh vực kinh tế khác, nơi tập trung những tiềm năng lớn hơn, mang lại những tiềm năng tốt hơn cho DN. Stefan Thomke, giáo sư của Đại học Havard đã chỉ ra rằng đổi mới phương thức kinh doanh là cách phát triển an toàn và mang tính lâu dài nhất mà một DN có thể xây dựng. Sự cách tân này trước hết là giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng của Cty, sau là giúp Cty có thể đề ra một cách tiếp cận khách hàng tốt hơn, giúp những khách hàng này có được chất lượng phục vụ tốt nhất.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp