Thomas L.Friedman: Đừng tìm việc mà hãy sáng tạo ra công việc
24/05/2014 08:58
“Với sự phát triển của công nghệ, những công việc cần người có năng lực trung bình, khả năng trung bình sẽ không còn nữa. Đối với những công việc này, ông chủ có thể dùng người máy làm thay con người” - Thomas L. Friedman chia sẻ trong buổi giao lưu với học viên chương trình Mini MBA và MBA của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) thuộc ĐH FPT.
Thomas L. Friedman - “cha đẻ” của tác phẩm “Thế giới phẳng” cho biết, hiện nay trong nhiều nông trường bò sữa tại Mỹ người ta đã sử dụng robot vắt sữa bò. Như vậy, công nhân không còn giá trị tại các nông trường áp dụng công nghệ nữa. Họ chỉ cần những người để điều hành robot. Đây là sẽ là xu hướng phát triển của thế giới hiện đại cùng với sự đi lên của công nghệ.
Theo Thomas L. Friedman, thời của ông sau khi tốt nghiệp đại học, hành động đầu tiên là tìm việc làm, còn ngày nay, các bạn trẻ ra trường có thể không cần tìm việc nữa mà sẽ là những người sáng tạo ra công việc. Giờ đây, thế giới đã đi từ kết nối đến siêu kết nối. Trong thế giới đang dần “phẳng” hóa, một cá nhân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và một thẻ thanh toán cũng có thể lập một công ty sau một đêm.
Ông khuyên những bạn trẻ mới ra trường nếu đi tìm việc thì hãy sáng tạo, tìm ra những tính năng mới, nâng cao năng suất,… Các ông chủ sẽ không quan tâm trong đầu bạn có những kiến thức gì vì giờ đây Google có thể trả lời tất cả. Họ cần biết bạn làm được gì, tạo ra giá trị gì từ những tri thức mà bạn có. “Trong quá trình viết sách, tôi có dịp thăm Mehico, Ấn độ có trình độ tương tự Việt Nam. Nhiều bạn trẻ Ấn Độ, Mehico dùng công nghệ tạo ra những sản phẩm, ứng dụng giá rẻ để giải quyết vấn đề lớn của quốc gia như y tế, giao thông, an ninh năng lượng… Đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam dùng công nghệ để làm những việc có ích cho đất nước. Nếu bạn không làm thì ai đó trên thế giới sẽ làm” - Thomas L. Friedman chia sẻ.
Không chỉ là tác giả cuốn sách khiến cả thế giới phải xôn xao năm 2005 - “Thế giới phẳng”, Thomas L. Friedman còn có một loạt tác phẩm thuộc hàng Best Seller khác. Trong tất cả các cuốn sách, ông đều đưa ra những khái niệm, ý tưởng và nhận xét mới mẻ đối với công chúng. Năm 2000, Khi thế giới còn đang tranh cãi về việc nên hay không nên tiến hành toàn cầu hóa thì ông đã xuất bản “Chiếc Lexus và cây Oliu”, khẳng đinh toàn cầu hóa không phải là một trào lưu thời thượng mà là một thực tế khách quan, trực tiếp hay gián tiếp tác động đến mọi mặt, đặc biệt là kinh tế của hầu như mọi quốc gia trên thế giới. Năm 2005, khi thế giới mới bắt đầu chập chững bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, sự hội nhập giữa các nền văn minh mới chỉ ở trong thời kỳ manh nha, ông đã chứng tỏ được sự quan sát tinh tế và sức phân tích nhạy bén bằng việc phát kiến ra khái niệm "Thế giới phẳng" gây tiếng vang lớn. Gần đây nhất, trong cuốn sách “Đã từng là nước Mỹ” xuất bản năm 2011, ông đã vượt lên trên những định kiến, phân tích 4 thách thức lớn nhất của nước Mỹ và chỉ ra sự tê liệt trong hệ thống chính trị, sự xói mòn của những giá trị Mỹ là những nguyên nhân chính khiến nước Mỹ không thể thực hiện những biện pháp cần thiết để giải quyết những thách thức này.
Với khối lượng tác phẩm đồ sộ về những chủ đề phong phú, Thomas L.Friedman đã chứng tỏ tài quan sát sắc sảo, nhạy bén cùng với khả năng làm việc không ngừng nghỉ. Ông đã từng 3 lần đoạt giải Pulitzer, 2 lần cho mảng Phóng Sự quốc tế “International Reporting” (1983,1988) và 1 lần cho mảng Bình luận “Commentary” (2002). Kể từ năm 2004, ông là thành viên của Hội Đồng Giải Thưởng Pulitzer.
Đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam sau gần 2 thập kỷ nhằm mang đến những góc nhìn mới mẻ, hiện đại cho những nhà quản trị Việt Nam, giúp thế hệ trẻ của Việt Nam cùng nắm bắt những cơ hội mới.
Lê Hà (Theo DĐDN)