TGĐ General Electric Việt Nam và Campuchia: Tự tin là CEO người Việt
23/10/2015 01:03
Không cần suy nghĩ đến lần thứ hai để đi đến quyết định làm việc cho GE, sau gần 6 năm, Phạm Hồng Sơn trở thành người đứng đầu tập đoàn này tại Việt Nam.
Trong hành trình trở thành CEO của một tập đoàn công nghệ lớn như GE, Hồng Sơn cho rằng, mình đã được tự do nhất trong việc thể hiện khả năng của bản thân cũng như tính "địa phương", vì đấy là yếu tố then chốt đưa GE gần với khách hàng và thị trường nội địa. Đó cũng là yếu tố tạo nên sự tự tin và bản lĩnh của thế hệ người trẻ Việt Nam đang lãnh đạo những tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam trước những ngưỡng cửa mới của hội nhập.
* Việt Nam và 11 quốc gia khác vừa đạt được thỏa thuận TPP. FTA Việt Nam - EU cũng có thể sớm ký kết. Khi các hiệp định thương mại này được thực thi, đó có phải là một thử thách lớn đối với ông trên cương vị CEO của GE?
- Việc các quốc gia đạt được thỏa thuận TPP không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư, sản xuất của GE đang được tiến hành trên 175 quốc gia. Việc tham gia TPP, Việt Nam sẽ tạo ra những lợi thế nhất định trong việc thu hút đầu tư của Tập đoàn GE. Hiện nay, cùng với Indonesia, Việt Nam là một trong hai thị trường có tiềm năng phát triển lớn nhất của GE tại khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là một nước đang phát triển, hạ tầng về năng lượng, hàng không, y tế, dầu khí... chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh của GE. GE phát triển công nghệ nguồn, giới thiệu những sản phẩm làm bằng công nghệ mới nhất, đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho những công trình mà chúng tôi tham gia.
Hoạt động của GE ở Việt Nam có hai phần: thương mại và đầu tư. Thương mại chủ yếu ở thị trường nội địa, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, những lĩnh vực này phụ thuộc vào kế hoạch phát triển của riêng Việt Nam. Về nguyên tắc cơ bản, các dự án hạ tầng hầu hết được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế của Chính phủ Việt Nam, nên các cam kết quốc tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực này.
Nhưng lĩnh vực đầu tư có thể sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến thị trường xuất khẩu của GE. Hiện tại, các sản phẩm của GE sản xuất tại Hải Phòng chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, Canada và Mexico, những nước tham gia vào TPP, không có cạnh tranh trực tiếp với EU. Cho nên, hiện tại chúng tôi chưa nhìn thấy nguy cơ trực tiếp từ các tập đoàn của EU.
* Tham gia TPP, thể chế kinh tế của Việt Nam đang từng bước thay đổi để đáp ứng các cam kết, GE Việt Nam sẽ ứng xử với những điều chỉnh này như thế nào?
- Bây giờ, chúng tôi chưa thể đánh giá một cách đầy đủ về những ảnh hưởng trực tiếp từ việc thay đổi chính sách của Việt Nam đến sản xuất, kinh doanh của GE. TPP mới chỉ đạt được thỏa thuận và còn rất nhiều việc phải làm để hiệp định có hiệu lực thi hành, nhưng chúng tôi luôn ủng hộ việc thúc đẩy thị trường mở và thị trường cạnh tranh.
Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ có những điều chỉnh chính sách phù hợp với việc thực thi các cam kết thương mại và mở cửa sâu rộng hơn. Những điều chỉnh chính sách gần đây của Việt Nam hầu như không ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và đầu tư của GE tại Việt Nam.
* Cá nhân ông nghĩ thế nào về một hướng đi mới đủ sức tiếp nối thành công của GE tại Việt Nam?
- Thời gian trong 8 giờ tiếng đồng hồ hằng ngày tôi dành cho GE, với 20% cho phát triển con người, 30% cho giải quyết các công việc nội bộ và 50% cho đối tác và khách hàng.
Chúng tôi phải xây dựng được một đội ngũ đủ mạnh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đấy là ưu tiên số một. Lĩnh vực hoạt động của GE khá đa dạng, từ điện, dầu khí, hàng không, đến y tế, xử lý nước..., nên sự thành công của GE được làm nên không chỉ bởi một cá nhân mà là sự đóng góp của cả đội ngũ.
Do đó, tới đây, GE Việt Nam tiếp tục tập trung phát triển con người, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới. Tôi là người Việt Nam, mục tiêu của tôi là làm điều tốt nhất cho GE đồng thời mang lại lợi ích cho Việt Nam.
* Người ta có thể so sánh về cách xử lý công việc của ông với bà My Lan, người tiền nhiệm của ông. Ông nói gì về điều này?
- Chị My Lan với hơn 12 năm làm việc ở GE Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn. Đây là khoảng thời gian bản lề của GE trong việc xác lập dự hiện diện cũng như xây dựng chiến lược và định hướng cho phần phát triển tiếp theo của GE tại Việt Nam.
Trước khi trở thành CEO GE Việt Nam và Campuchia vào tháng 7/2015, tôi đã có gần 6 năm đồng hành cùng chị My Lan, đó là khoảng thời gian phát triển sôi động của GE tại Việt Nam. Rất nhiều thứ có tính kế thừa, trên nền tảng mà người tiền nhiệm tạo dựng, tôi sẽ phát triển GE Việt Nam mạnh hơn nữa bằng việc đưa ra những chiến lược kinh doanh mới trong thời gian tới.
* Công việc của ông, nếu nhìn vào việc phân bổ thời gian trong 8 tiếng đồng hồ, nó na ná công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam. Ông lý giải thế nào về điều này?
- Chia thời gian 20, 30 hay 50% của 8 tiếng đồng hồ là phân bổ về mặt hành chính, còn công việc thì nhiều khi phải tới 3 - 4 giờ sáng mới có thể hoàn tất. Ở GE, chúng tôi đề cao hiệu quả công việc, sự tôn trọng kỷ luật, thay vì quản lý nghiêm ngặt thời gian.
* Dưới góc nhìn của ông, tố chất nào làm nên một CEO có tầm và có tâm?
- Tôi nghĩ, một CEO phải làm được hai việc: quản lý và lãnh đạo. CEO phải quản lý được hệ thống, quy trình để đảm bảo đạt được kết quả công việc nhất định, bên cạnh đấy, CEO phải có khả năng dẫn dắt, định hướng và truyền cảm hứng để cấp dưới làm việc và mang lại hiệu quả cao nhất. Một CEO không quản lý được thì chưa có tầm, còn với một CEO không lãnh đạo được thì chưa thể nói là có tâm.
* Hình mẫu doanh nhân nào khiến ông ngưỡng mộ?
- Không có một người cụ thể, mỗi doanh nhân tôi thích một điểm, nhưng trước đây tôi ngưỡng mộ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, dù ông không phải là doanh nhân. Tôi rất ấn tượng cách ông ấy làm việc, cách truyền cảm hứng và cách ông ấy để lại dấu ấn sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ.
Tôi nghĩ, bây giờ, quyết định thành công trước hết không phải chỉ là sản phẩm hay dịch vụ mà phải là con người và mô hình kinh doanh. Facebook, Uber và một số tập đoàn mới khác gần như không có sản phẩm cụ thể, nhưng đã tạo ra môi trường kinh doanh dựa trên tính sáng tạo của cả cộng đồng và xã hội.
* Trở thành người của GE đã khó, trở thành CEO của GE càng khó hơn. Động lực nào thúc đẩy ông có được vị trí ngày hôm nay?
- Lãnh đạo GE cũng từng hỏi tôi như vậy. Tôi là một người sinh ra, lớn lên ở vùng quê nên đó có thể là động lực thôi thúc tôi phải thành công. Nhưng để có được thành công, tôi đã phải "chiến đấu" với chính bản thân mình, bởi trong con người luôn tồn tại hai nửa đối lập. Một nửa thúc giục tôi làm việc. Một nửa bảo, cứ để đấy, mai làm, có sao đâu.
Xã hội ngày càng phát triển, tôi có thể giỏi ở một vấn đề nào đấy nhưng vẫn luôn có nhiều người giỏi hơn tôi trong cùng lĩnh vực. Vì vậy, tôi đặt ra nguyên tắc, không chỉ dừng lại ở phạm vi công việc được giao.
Trước đây, khi làm kinh doanh hay marketing, tôi sẵn sàng tham gia những công việc liên quan đến luật, tài chính, kế toán, dịch vụ. Đó là cơ hội cho tôi học hỏi kinh nghiệm dù mất khá nhiều thời gian, công sức nhưng về lâu dài, đó là lợi thế khác biệt mà người khác không có.
Một nguyên tắc nữa, hoàn thành tốt nhất có thể công việc được giao, cũng được tôi chú trọng. Không bao giờ đặt câu hỏi tại sao tôi phải làm việc này, hay tôi có phải làm việc đấy không, bởi đặt ra câu hỏi đồng nghĩa với không muốn làm.
Một khi tôi không muốn làm thì sẽ không thể làm tốt nhất mà sẽ chỉ là làm cho xong. Không làm tốt công việc, tôi không thể tạo được sự khác biệt và như vậy không thể phát triển. Tất nhiên, việc nỗ lực làm tốt nhất có thể công việc đôi khi dẫn đến sự cầu toàn và cũng rất mệt mỏi.
* Sự đào tạo theo một nếp nhất định đó cũng có thể gây ra sự nhàm chán cho chính nhân sự của GE?
- Tôi không nghĩ như vậy. Giá trị cốt lõi đầu tiên của GE là khách hàng quyết định sự thành công của Tập đoàn. Điều này định hướng suy nghĩ, cách làm việc của từng nhân viên của GE, làm thế nào để mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng, còn công việc hằng ngày của chúng tôi là giải quyết những vấn đề của khách hàng, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và đưa ra những giải pháp cụ thể, thì tính tự do của từng nhân viên rất cao.
GE không mô tả cụ thể về một công việc, tự mỗi người sẽ phải viết kế hoạch cho mình. GE đề cao tính sáng tạo và cho chúng tôi một không gian sáng tạo rất cao, nên chỉ sợ thiếu sự sáng tạo, chắc chắn không có sự nhàm chán.
* Theo ông, thành công của GE có đủ sức làm mờ đi yếu tố bản địa trong bộ phận nhân sự người Việt?
- Tôi nghĩ hơi ngược lại một chút. Tôi đã làm việc ở môi trường trong nước, các công ty của Nhật Bản, của Đức và bây giờ là Mỹ. Tôi nhận thấy một điều, GE là nơi tôi được tự do nhất trong việc thể hiện khả năng của bản thân cũng như tính "địa phương" của mình.
Tôi nghĩ tính bản địa trong chúng tôi, những người Việt Nam làm việc cho GE vẫn rất cao, vì đấy là yếu tố then chốt đưa GE gần với khách hàng và thị trường nội địa. GE chỉ tạo ra môi trường và đưa ra những quy định, những điều kiện để làm việc, còn việc làm thế nào để thành công thì chúng tôi có độ tự do, sáng tạo trong quá trình thực hiện.
Mọi người trong GE Việt Nam hay ở Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới không có sự đối xử khác biệt, không có sự kỳ vọng khác biệt. Điều đó được thực hiện ngay khi GE tuyển nhân sự, GE sẽ đào tạo nhân sự được tuyển đạt cấp độ như GE kỳ vọng.
Nếu chị gặp một người của GE ở Việt Nam hay ở Mỹ sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng, từ cách trình bày kế hoạch, tiếp cận vấn đề, làm việc với khách hàng, tính kỷ luật và liêm chính. Và đấy là cái mà Tập đoàn đã dày công xây dựng.
* Ông có thể làm việc ở nhiều tập đoàn khác trên thế giới, tại sao vẫn chọn GE?
- Nói về điều này, phải trở lại thời gian gần 6 năm trước, thậm chí là xa hơn, từ 15 năm trước. Là một sinh viên Khoa Điện Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi biết về GE rất sớm, thông qua hình ảnh nhà bác học Thomas Edison - người sáng lập Tập đoàn GE - một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực điện và tôi ngưỡng mộ từ lúc đấy. Ra trường, đi làm và ngay khi có cơ hội gia nhập GE, tôi đã không cần suy nghĩ đến lần thứ hai để đi đến quyết định và cho đến thời điểm này tôi nghĩ là tôi đã có một lựa chọn đúng.
* Cảm ơn ông!
Theo DNSG