Sách giấy sẽ song hành cùng sách điện tử

24/10/2014 04:45

Sách giấy sẽ song hành cùng sách điện tử


Sách điện tử ngày càng chiếm thị phần lớn trên thị trường, là xu thế tất yếu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, loại sách này sẽ không thể thay thế hoàn toàn sách giấy truyền thống.


Đó là ý kiến của ngài Lorenzo Angeloni - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Italy tại Việt Nam cũng như các khách mời tại buổi tọa đàm “E-book và những chân trời mới trong xuất bản.” Chương trình do Đại sứ quán Italy tổ chức tại Hà Nội tối qua, 23/10.

Câu chuyện ở Italy

Ông Lorenzo Angeloni cho biết, sách điện tử chiếm 20% thị phần sách ở Italy. 1/5 tổng số người đọc ở quốc gia này sử dụng sách điện tử. Nếu xếp theo độ tuổi, số người đọc sách điện tử nhiều nhất thuộc nhóm 20-25 tuổi.

Theo ngài đại sứ, cùng với sự ra đời và phát triển của sách điện tử là cuộc tranh luận về tương lai của ngành xuất bản. Cụ thể, hiện nay, ở Italy, việc tranh luận này diễn ra khá gay gắt giữa hai trường phái.

Trường phái thứ nhất căn cứ vào lựa chọn của giới trẻ, cho rằng: Chỉ một vài năm tới, sách điện tử sẽ thống lĩnh thị trường sách.

Bên cạnh đó, trường phái thứ hai công nhận sự tồn tại và phát triển như một xu thế tất yếu của sách điện tử. Tuy nhiên, loại sách này sẽ không thể thay thế hoàn toàn được sách giấy trong đời sống.

“Bản thân tôi tin rằng, sách giấy vẫn sẽ tồn tại và vẫn luôn có chỗ đứng nhất định trong lòng người đọc,” ông Lorenzo Angeloni bày tỏ.

Tại buổi tọa đàm, ngài đại sứ cho biết, hiện nay, riêng thành phố Milan (Italy) có 600 nhà xuất bản, 280 nhà sách và 200 thư viện.

Ông cho rằng, sự khác nhau cơ bản trong việc sử dụng hai loại sách này nằm ở tốc độ, thời gian tiếp cận. “Để sở hữu và đọc một cuốn sách giấy, bạn phải trải qua nhiều công đoạn: đi tìm mua tại các cửa hàng, cất vào hành lý, vận chuyển nó về nhà rồi mới có thể đọc. Thế nhưng, với một cuốn sách điện tử, quá trình này được đơn giản hóa đi nhiều và diễn ra rất nhanh,” ông Lorenzo Angeloni chia sẻ.

Để minh họa cho điều này, ông kể câu chuyện, rằng: Cách đây vài năm, trong một lần đi nghỉ ở Áo vào Mùa Đông, ông và một người bạn có nói chuyện về một cuốn sách.

“Chi vài phút sau, tôi đã có thể tìm thấy và cuốn sách đó (dạng sách điện tử) ở trên mạng Internet. Giữa không gian lạnh giá, tuyết phủ trắng xung quanh đó, nếu tôi đi tìm mua bản in giấy của cuốn sách thì thật khó khăn,” ông hào hứng kể.

 

Gian hàng của Brazil tại hội chợ sách Frankfurt 2013. Ảnh: THX/TTXVN

 

“Cầm tay nhau” đi tiếp

Có cùng quan điểm trên, ông Trần Trọng Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến Vinapo) và tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sách Thái Hà) cho rằng: Sách điện tử thể hiện sự tiện dụng. Ở Việt Nam, loại sách này ngày càng phổ biến, thu hút sự chú ý của người đọc.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thời gian tới, sách giấy truyền thống và sách điện tử sẽ cùng đồng hành, “cầm tay nhau” đi tiếp trên thị trường xuất bản.

Vị tiến sỹ này cho biết, trước khi đến với buổi tọa đàm, ông có gửi một bảng câu hỏi cho 300 người và nhận được phản hồi, câu trả lời của 263 người. 71% trong số họ chọn phương án trả lời “Có” với câu hỏi “Các thiết bị điện tử có cần thiết với bạn không?”

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, khi đặt câu hỏi “Nhờ có thiết bị điện tử này, bạn đọc nhiều hơn loại sách nào,” ông thu được kết quả như sau: 27% số người trả lời chọn phương án “các loại sách khoa học-kiến thức,” 19% số người trả lời chọn phương án “tiểu thuyết.”

“Điều đó cho thấy xu thế tất yếu của sách điện tử trong xã hội hiện đại. Sự tiện dụng của nó giúp người đọc đọc nhiều sách hơn,” tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Bàn về xu thế đọc sách trong tương lai, ông Trần Trọng Thành cho rằng: “Trong khoảng 10-15 năm tới, người ta sẽ đối xử với sách giấy như với đồ lưu niệm; tức là, người vẫn sẽ mua, trân trọng nó nhưng mức độ sử dụng, phổ biến không cao.”

Ông Thành cho biết, tham dự Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2014 (diễn ra từ ngày 8-12/10 vừa qua tại Đức), ông nhận thấy, nhiều quốc gia (ví dụ như Italy) có những cuốn, bộ sách giới thiệu về ẩm thực, dạy nấu ăn được in rất đẹp và thu hút sự chú ý của độc giả.

“Đây là một cách làm hay để giới thiệu văn hóa của mình. Việt Nam cũng có văn hóa ẩm thực rất độc đáo và chúng ta cũng nên có những bộ sách như vậy. Tuy nhiên, nếu in bằng sách giấy như họ thì sẽ rất tốn kém. Vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn nếu xuất bản dưới dạng sách điện tử,” ông Thành nói.

Chia sẻ quan điểm của những khách mời tham dự tọa đàm, ông Lorenzo Angeloni cho rằng: Sách giấy và sách điện tử là một cặp song hành, không có cái nào mất đi trong đời sống. Đó đều là phương tiện để đưa câu chữ, kiến thức đến với người đọc.

Ngài đại sứ cho rằng, xu thế phát triển của thị trường sách cũng giống như của thị trường âm nhạc. “Sau một thời gian tiếp cận với những hình thức nghe nhạc hiện đại, người ta thích thú tìm lại những chiếc cassette hay những chiếc đĩa CD cổ điển. Tôi tin, với sách cũng vậy. Sau khi đọc sách điện tử, người đọc sẽ tìm về với sách giấy truyền thống một cách trân trọng,” ngài đại sứ bày tỏ.

 

Vietnam+