Quản lý, sử dụng giấy tờ cá nhân ở Việt Nam: Lạc hậu và lạc điệu với thế giới
16/07/2014 09:52
Việc đưa ra loại thẻ căn cước mới cho hàng chục triệu công dân, tốn hàng ngàn tỉ đồng, nhưng nếu không làm giảm bớt giấy tờ đính kèm trong các thủ tục hành chính, thì đó là thất bại, chưa kể đến lo ngại lớn về bí mật thông tin cá nhân được quản lý thế nào và tổ chức nào được độc quyền nắm giữ những bí mật đó, cũng dễ khiến cho thẻ căn cước công dân (CCCD) rơi vào tình trạng không được xã hội chấp nhận...” - đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi bàn luận về triển khai thực hiện thẻ CCCD.
Mỗi người “cả đống” giấy tờ mang theo, cất giữ suốt đời
Trên thế giới có lẽ không còn nhiều nơi như ở VN, mỗi một công dân luôn phải “mang vác” theo người, hoặc cất giữ trong nhà suốt đời rất nhiều các loại giấy tờ cá nhân. Những giấy tờ tùy thân được cất trong ví luôn để bên người, từ CMND, thẻ nghề nghiệp, thẻ ATM..., đến giấy phép lái xe, giấy tờ sở hữu xe, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu... Ngoài ra, còn một tá giấy tờ quan trọng khác phải cất giữ ở nhà - trong két sắt, mà nếu để mất là rất nguy hại và vô cùng phức tạp, như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, các loại quyết định, bằng cấp, chứng chỉ,... giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, hồ sơ cấp bằng lái xe, giấy mua bán, sang nhượng, hợp đồng thuê - cho thuê...
Nói phải cất giữ hoặc mang bên mình suốt đời là hoàn toàn không ngoa, bởi những thứ giấy tờ này luôn cần phải được trưng ra, xuất trình để giải quyết công việc bất cứ lúc nào. Đơn cử một ví dụ, theo quy định hiện nay thì dù người già tuổi cao đến đâu, thì khi đi làm giấy tờ nhà đất cũng đều bị yêu cầu xuất trình giấy đăng ký kết hôn. “Một nền hành chính quá chú trọng đến giấy tờ, văn bản ký kết, xác nhận... khiến cho mỗi cá nhân phải ôm giữ một đống giấy tờ tùy thân ngày một dày thêm trong quá trình tồn tại, phát triển mà không cái giấy nào thay thế được cái nào!” – TS xã hội học Trịnh Hòa Bình bày tỏ bực dọc khi nói về vấn đề giấy tờ tùy thân mà ông có lần không may bị mất cắp chiếc ví mất hết cả, phải cất công làm lại, hằng năm trời mới xong.
Nhìn ra các nước tiên tiến, mới thấy công dân của họ thật nhàn hạ, cả xã hội thông suốt và minh bạch nhờ nền hành chính đã được thẻ hóa, mã hóa. Một tiến sĩ người Việt nhập cư vào Australia kể rằng, khi anh đến ngân hàng vay tiền mua nhà trả góp, anh thông báo cho ngân hàng mã số thẻ công dân của mình, ngồi chờ ít phút, sau đó anh được nhân viên ngân hàng ra thông báo hạn mức được vay tiền “tối đa là 550.000 đôla”. Anh cho biết, việc nhanh chóng như vậy là bởi sau khi có mã số cá nhân thì chỉ cần một vài thao tác trên máy tính, ngân hàng lập tức biết được đầy đủ tình trạng của người vay tiền: Từ thu nhập hằng tháng của gia đình, số tài sản hiện có, nghề nghiệp, gia cảnh thế nào: Phải nuôi dưỡng những ai, đang nợ, phải trả góp những món nào?... Và dựa vào dữ liệu tình trạng đó, ngân hàng đã tính toán đưa ra con số đáp ứng khách hàng, như kể trên.
Rõ ràng “cung cách giấy tờ tùy thân ” của ta không chỉ lạc hậu, chậm tiến mà đã trở nên lỗi nhịp, lạc điệu với các nước tiên tiến trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề càng trở nên phức tạp vì như vậy khó có thể “khớp nối”, khó “đi cùng” với thế giới.
Không cẩn trọng, thất bại sẽ gây lãng phí lớn!
Trước thực tế phiền hà vì giấy tờ cá nhân đã trở thành nỗi bức xúc trong xã hội, vấn đề về dự án Luật CCCD, trong đó việc triển khai cấp thẻ CCCD được xã hội đồng thuận với đề nghị cần phải bắt tay ngay vào thực hiện. Thực tế, vấn đề này đang chi phối nhiều lĩnh vực khác trong quá trình phát triển đất nước; từ việc chống lãng phí, tới minh bạch xã hội, văn minh xã hội, hơn nữa là cho công cuộc phòng, chống tham nhũng và sự nghiệp hội nhập quốc tế... Ủng hộ vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của QH - bà Trương Thị Mai - đã đề nghị, ban soạn thảo cần phải nói rõ để cả xã hội biết đây là “một cuộc cách mạng, một sự thay đổi lớn”.
Mặc dù rất cần thiết phải triển khai xét về mặt khách quan và quyết tâm cũng đã rõ, nhưng còn rất nhiều vấn đề hóc búa khiến cho việc triển khai thực hiện thẻ CCCD rơi vào tình trạng lo ngại, băn khoăn về tính chất hữu hiệu. Theo các nhà phân tích, với “hạ tầng” giấy tờ cá nhân mênh mông bể sở như thế này, cùng với sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong quản lý, giám sát, thiếu minh bạch trong nhiều lĩnh vực của mỗi cá nhân (tài sản, sức khỏe, thu nhập...), thì công việc rất khó khả thi. Một vấn đề nữa nổi lên trong quá trình bàn thảo hiện nay là mỗi ngành (liên quan đến công việc này) đều đang có những áp đặt, đấu tranh cho chủ quan riêng của ngành mình khiến cho “tư lệnh” của khâu “đột phá cải cách ” này là QH vẫn cân nhắc, bởi chưa biết như thế nào cho phải, cho đúng, cho đầy đủ.
Việc tung ra loại thẻ căn cước mới cho hàng chục triệu công dân, tốn hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nếu không làm giảm bớt giấy tờ đính kèm trong các thủ tục hành chính, thì đó là thất bại, chưa kể đến lo ngại lớn về bí mật thông tin cá nhân được quản lý thế nào, và tổ chức nào được nắm giữ độc quyền đó cũng khiến cho thẻ CCCD không được xã hội chấp nhận... Dự án Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ tháng 7.2015 nếu được thông qua. Tuy nhiên, hiện UBTVQH vẫn còn nhiều băn khoăn, nhất là khi câu hỏi lớn nhất là: Làm xong luật này sẽ loại bỏ được bao nhiêu giấy tờ và còn tồn tại mấy loại giấy tờ, thì vẫn chưa có câu trả lời.
Chấp nhận một quy trình "ngược". Quy trình này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra từ quy định của hai dự thảo luật là việc người dân phải đi đăng ký khai sinh, song mới đi xin cấp số định danh và làm thẻ CCCD, trong khi theo chiều thuận thì người dân chỉ cần có giấy chứng sinh, đến cơ quan có thẩm quyền lấy số định danh là được cấp thẻ CCCD và cập nhật thông tin đăng ký khai sinh. Nhưng trong điều kiện hiện nay "buộc phải chấp nhận" – Chủ tịch Quốc hội thừa nhận.
Song, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, đây là bước đổi mới về thể chế quản lý dân cư nên quan trọng phải làm rõ các vấn đề, tính khả thi và mối quan hệ giữa các yếu tố liên quan để "đổi mới phải chắc chắn, nếu trục trặc thì không phải là đổi mới”, tránh tình trạng có luật mà không thi hành được.Cơ quan nào "nắm giữ" cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?
Trước những tranh luận trong Thường vụ QH về việc cơ quan nào "nắm giữ" cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, về nguồn thông tin của CSDLQG này, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - cho rằng, nếu quy định để các cán bộ như cán bộ hộ tịch trực tiếp cập nhật thông tin lên CSDLQG về dân cư thì "sẽ không còn tình trạng nặng nề bộ nào làm, bộ nào cấp, quản lý CSDLQG về dân cư".
Việc bảo mật thông tin cá nhân. Làm rõ thêm về mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) về hộ tịch và CSDLQG về dân cư, trong đó có việc bảo mật thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, CSDL về hộ tịch chứa khoảng 85 trường thông tin, được cập nhật trong suốt cuộc đời, từ khoảng 10 trường thông tin ban đầu. CSDL về hộ tịch sẽ chia sẻ khoảng 20 trường thông tin có thể công khai trong CSDLQG về dân cư, các thông tin khác chỉ được cấp cho người có thẩm quyền.
D.L (Theo website Bộ Tư pháp)
Theo Lao động