Nhân viên của bạn có học hỏi được gì từ công việc ?
15/06/2014 10:47
Khi giao những công việc mang tính thử thách, người quản lý cần biết nhân viên mình học hỏi được gì qua công việc đó.
Khi giao những công việc mang tính thử thách, người quản lý cần biết nhân viên mình học hỏi được gì qua công việc đó. Nếu những bài học đó được chính nhân viên thừa nhận là bổ ích, “không sách vở nào dạy được” thì vai trò của người quản lý càng có tác dụng và là không thể thay thế trong đào tạo năng lực cho nhân viên.
Trên blog của mình, Sheri Mazurek - một chuyên gia về đào tạo và quản trị nguồn nhân lực, đã chia sẻ chính trải nghiệm của mình trong những dịp học hỏi qua công việc như vậy: “Sự nghiệp của tôi khởi đầu từ rất lâu rồi. Có cả may mắn, tính thời điểm và nhữngmối quan hệ giúp tôi có được sự khởi đầu.
Trên con đường ấy, thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều, có cả những thất bại lặp đi lặp lại. Và từ đó thì tôi học hỏi được rất nhiều so với việc nghe giảng bài hoặc đọc sách”. Với những bài học được nhận diện qua công việc, bà cho biết: “Theo thời gian, tôi học được những bài học cực kỳ giá trị từ công việc. Một trong số đó là hiểu được quyền hạn và ảnh hưởng của một người lãnh đạo tốt đối với sự thành công của doanh nghiệp ra sao”.
Việc nhận diện những nhược điểm của bản thân cũng là một bài học đáng giá. Theo Sheri Mazurek, việc ngộ ra những điều này không phải vào những lúc đạt được thành công, mà là lúc thất vọng khi mình gặp thất bại. Nhiều thất bại xuất phát từ tính không ổn định trong thành quả của công việc. Lúc đến từ yếu tố tài chính, lúc là những yếu tố trong điều hành, có lúc lại là từ sự tập trung vào khách hàng chưa thỏa đáng.
Nhưng điều nghiêm trọng nhất, theo Sheri Mazurek, là những thất bại trong lối làm việc với con người. Nhận diện về nguyên nhân thất bại là một bài học khác, cũng thú vị không kém.Sheri Mazurek cho biết: “Tôi nhận ra rằng các vấn đề mình gặp phải không phải xuất phát từ những vấn đề ấy, mà do chính con người tôi.
Lúc đó, tôi có một người lãnh đạo rất tuyệt và đang nỗ lực phát triển tố chất lãnh đạo của mình. Cũng may lúc tôi nhận ra nhược điểm từ mình cũng là lúc tôi được dự một hội thảo ngắn hạn về cách tạo dựng được kết quả thông qua người khác. Chuyện đó không mới, nhưng hôm ấy tôi thấy mình tập trung nghe nhiều hơn, ghi chép kỹ và còn nảy sinh những ý tưởng mới”.
Đã học hỏi là phải hành động ngay. Sheri Mazurek chia sẻ cách mà mình đã làm sau khi học hỏi: “Khi quay về với công việc ở cửa hàng, tôi triển khai ngay một số ý tưởng. Tôi nhận ra sự thay đổi, thay đổi xuất hiện trong nhân viên của tôi dẫn đến thay đổi trong kết quả công việc của chính tôi”. Cả tập thể đều cùng chia sẻ thành quả ấy, xuất phát từ việc thay đổi hành vi của một con người. Khi đó thì thành quả không còn là của một cá nhân nữa.
Theo Sheri Mazurek, một bài học nữa, “người lãnh đạo là người đầu tiên cần mở lối đi cho những người khác quanh mình”. Nội dung chia sẻ tuy là từ một blog cá nhân, nhưng chứa đựng những nét khái quát mà người quản lý có thể hiểu và biết tác dụng của những bài học từ công việc có vai trò quan trọng ra sao trong việc nâng cao năng lực của nhân viên và của tổ chức.
Theo TRƯƠNG CHÍ DŨNG
Giám đốc R&D - Công ty L&A
Doanh nhân Sài Gòn