Người Nhật và tham vọng thoát "giáo dục nhồi nhét" ở Việt Nam

06/08/2015 04:51

Người Nhật và tham vọng thoát "giáo dục nhồi nhét" ở Việt Nam

“Phong cách giáo dục của Việt Nam hiện nay rất giống những gì Nhật Bản đã trải qua trong thời gian 20 - 30 năm trước”, ông Konno Yuji, Giám đốc Rensei Vietnam nói.


Tập đoàn giáo dục Renseikai (Nhật) - công ty mẹ của Rensei Vietnam, mới đây đã quyết định khai trương trung tâm giáo dục tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 31/8 tới. 

 

Là hệ thống trường giáo dục ngoài giờ, Renseikai được thành lập năm 1977, hiện có chi nhánh tại 26 thành phố với hơn 232 trung tâm giáo dục. Đối tượng là các em từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông với nhiều tầng lớp độ tuổi. Rensei Vietnam thành lập từ tháng 4/2015, với 100% vốn từ Renseikai. 

 

Từ góc nhìn của một người làm giáo dục lâu năm tại Nhật, ông Konno Yuji nhìn nhận:

 

- Từ tháng 4 năm ngoái, hầu như hàng tháng tôi đều đến Việt Nam để tìm hiểu và điều tra môi trường giáo dục tại đây.

 

Tôi nhận thấy môi trường giáo dục của Việt Nam chủ yếu là “thầy ghi trên bảng, trò chép theo”, cách này thực chất là “giáo dục nhồi nhét” hoặc là “giáo dục kiểu ghi nhớ”. 

 

Trước đây Nhật Bản cũng dùng cách giáo dục như vậy là chính. Nhưng sau đó chúng tôi chuyển sang hình thức và cải thiện phong cách giáo dục chú trọng “năng lực tư duy” cho đến nay.

 

Khả năng tư duy quan trọng hơn

 

Vì sao Nhật lại thay đổi phong cách giáo dục như vậy, thưa ông?

 

Trước đây Nhật là “xã hội của lý lịch học tập”. Để vào được trường tốt thì phải có điểm thi tốt, và để đạt được điều đó thì mô hình học của học sinh là cần phải cố gắng ghi nhớ càng nhiều càng tốt các nội dung có thể xuất hiện trong bài thi. 

 

Thế nhưng những kiến thức đã cố gắng nhồi nhét, cố gắng ghi nhớ để đối phó với kỳ thi lại nhanh chóng bị lãng quên, và rốt cuộc thì chẳng có kiến thức nào là của mình cả.

 

Hiện nay Nhật đã hiểu ra sự hạn chế trong xã hội của những người học để đối phó các kỳ thi, năng lực thực tế để sinh tồn trong xã hội hay nói cách khác đó là khả năng tư duy được chú trọng hơn, và chúng tôi đã chuyển sang cách giáo dục này. 

 

Trào lưu này liệu có đang bắt đầu tại Việt Nam không?

 

Nhiều bậc phụ huynh một cách căn cơ cho rằng có điểm thi tốt sẽ đỗ vào các trường đại học tốt, từ đó sẽ ra trường kiếm được công việc tốt và có cuộc sống tốt. Cách suy nghĩ như vậy vẫn còn rất nhiều trong xã hội. 

 

Tuy nhiên khi phân tích cặn kẽ cũng có nhiều người đặt nghi vấn, như vậy có thực sự tốt hay không?

 

Bên cạnh đó, khi hỏi ý kiến từ phía những người giáo viên, cũng có không ít ý kiến cho rằng thật sự cần có những đổi mới cho mô hình giáo dục kiểu nhồi nhét.  

 

Có nghĩa là ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu cho thấy việc thoát khỏi cách “giáo dục nhồi nhét”, từ quan sát của ông?

 

Ban đầu chúng tôi dự tính sẽ mở các trường dạy thêm theo mô hình lớp học bổ sung các bài học kiến thức phụ trợ trên trường. 

 

Tuy nhiên sau khi nghiên cứu môi trường giáo dục ở đây khoảng nửa năm, chúng tôi nhận thấy chúng tôi có thể cống hiến cho một nền giáo dục mà trong đó con trẻ được trang bị khả năng tự tư duy để dễ dàng tự chủ và thành công khi ra đời.

 

Vì thế, trung tâm giáo dục của Rensei Vietnam sẽ đi theo hướng khai phát năng lực của con trẻ,

 

Chắc là có nhiều phụ huynh sẽ cho rằng, mặc dù nói như vậy, nhưng nếu thành tích trong trường không tiến triển thì khó xử lắm, phải không thưa ông?

 

Nếu con trẻ cảm thấy có hứng thú với việc học thì các cháu sẽ có khả năng ghi nhớ vô cùng kinh ngạc. Năng lực mà chúng tôi mong muốn con trẻ tiếp thu nhất đó chính là năng lực làm sao để trẻ cảm thấy thật sự vui thích và tự mình biết quan tâm đến việc học tập. 

 

Nếu có hứng thú thì việc học sẽ có rất nhiều tiến bộ, không cần phải cưỡng chế, ghi nhớ một cách ép buộc mà các em sẽ biết cách tự mình ghi nhớ và hấp thu những kiến thức cần thiết cho bản thân. 

 

Với kết quả học tập theo chiều hướng như vậy, tôi tin chắc kết quả trong các kỳ thi trong trường của các em tại Việt Nam cũng cho ra được những  điểm số tốt nhất.

 

“Sáng tạo”, “Tương lai”, “Khoa học”

 

Cụ thể, xin ông cho biết làm sao để khơi gợi sự hiếu kỳ trong học tập ở học sinh, duy trì năng lực tìm hiểu của các em?

 

Tháng 8 sắp tới, chúng tôi sẽ có những buổi học thử nghiệm miễn phí, bạn cứ đến tham gia sẽ hiểu rõ hơn vì sao. Và bộ môn mà chúng tôi tập trung nhất là “Crefus”.

 

“Crefus” có nghĩa từ 3 từ vựng “Create = Sáng tạo”, “Future = Tương lai” và “Science = Khoa học” hợp lại. Đây là môn học mà trẻ có thể vừa lắp ráp robot vừa học cách viết lập trình, là phương pháp học tập mà theo chúng tôi, có thể giúp nuôi dưỡng khả năng tư duy logic tốt nhất.

 

Tài liệu giảng dạy sử dụng trong bộ môn “Crefus” chính là những khối, dụng cụ lắp ráp của hãng Lego, đã rất nổi tiếng trên toàn thế giới.

 

Phương pháp này đã có hơn 50.000 cơ quan giáo dục từ cấp trung, tiểu học cho tới đại học áp dụng trên thế giới. Tập đoàn Renseikai đã có những kinh nghiệm đáng kể trong việc tổ chức các lớp học “Crefus”, nên chúng tôi cũng mong muốn sẽ triển khai mạnh hơn về mô hình lớp học này tại Việt Nam.

 

Trong 6 bộ môn mà chúng tôi hiện đang triển khai tại Việt Nam thì môn “Crefus” là bộ môn có số học sinh đăng ký nhiều nhất. Đối tượng là các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

 

Những lớp học khác có lẽ cũng chưa từng có ở Việt Nam phải không, thưa ông?

 

Vâng. “Funex” - lớp học của Rensei Vietnam dành cho những thí nghiệm khoa học vui cũng rất được yêu thích. Hiện nay, trong trường học Việt Nam cũng có các phòng học chuyên dụng cho việc thực hiện thí nghiệm, tuy nhiên cơ hội để các em có thể làm các thí nghiệm thực tế thì vẫn còn bị hạn chế. 

 

Có thể tại Việt Nam cũng có những định hướng mong muốn đào tạo nên những nhân tài về khoa học, tuy nhiên cơ hội để có thể thực hiện các thí nghiệm còn quá ít, nên phải chăng điều này lại dẫn đến khuynh hướng khiến các em giảm đi sự hứng thú đối với việc học khoa học?

 

Hiện nay phương pháp học “Kumon” - phương pháp học hướng đối tượng và xây dựng khả năng tự học của Nhật - cũng đã thâm nhập nhiều vào xã hội rồi, nhiều lớp học của họ cũng đang phát triển…

 

Chúng tôi cũng có mô hình lớp học “Flens” giúp rèn luyện khả năng tính toán như “Kumon”. Tuy nhiên đặc trưng riêng của “Flens” tại trường chúng tôi là không chỉ sử dụng sách giấy học bình thường, mà chúng tôi còn sử dụng máy tính bảng. 

 

Từ đó, các em học sinh bên Việt Nam có thể tranh tài toán học với các em học sinh Nhật Bản, giúp các em có thể học tập hào hứng hơn với bộ môn toán học. 

 

Các ông cũng có khóa học về tiếng Nhật?

 

Khóa học tiếng Nhật của chúng tôi là “Japanese for Kids” (tiếng Nhật cho trẻ em) hướng đến các em lứa tuổi từ 6 đến 14. 

 

Hiện nay tại Việt Nam đã có rất nhiều chương trình dạy tiếng Nhật rồi, tuy nhiên chương trình dạy tiếng Nhật dành cho trẻ em thì chưa nghe thấy nhiều. 

 

Nếu biết thêm tiếng Nhật thì tương lai các em sẽ có thêm nhiều lợi thế khi đi làm. Chúng tôi rất ngạc nhiên là có nhiều bậc phụ huynh hơn chúng tôi nghĩ đã cho con em mình làm quen với tiếng Nhật ngay từ nhỏ. 

 

Xin cho biết những kỳ vọng trong tương lai của các ông?

 

Chúng tôi có kế hoạch trong 3 năm sắp tới sẽ mở 10 trường học. Đầu tiên chúng tôi dự định sẽ làm ở Tp.HCM, nơi có dân số đông nhất cả nước. Hiện nay chúng tôi đã chuẩn bị được địa điểm thứ hai ở đường Cách mạng Tháng Tám, địa điểm thứ ba ở đường Đinh Bộ Lĩnh. 

 

Trong khoảng thời gian cuối năm nay hoặc đầu năm sau, Rensei sẽ chính thức khai giảng trường tại hai chi nhánh này. 

 

Giáo dục quyết định tương lai của mọi đất nước. Chúng tôi mong muốn được đóng góp những kiến thức của mình trong việc phát triển đất nước Việt Nam qua con đường giáo dục lớp trẻ.

 

Theo Vneconomy