Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu?

02/08/2014 09:44

Năng suất lao động Việt Nam: Thấp do đâu?


Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore, Nhật và Hàn Quốc lần lượt là 15 lần, 11 lần và 10 lần.


Ngay cả so với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan.
 
Đáng chú ý là hiện tốc độ tăng của năng suất lao động đang giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2%/năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%/năm.
 
Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, thể lực người lao động kém, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp v.v...
 
Theo đó, để cải thiện năng suất lao động thì phải khắc phục những mặt yếu kém này, ví dụ phải củng cố nguồn nhân lực, tăng cường thể chất, kỹ năng và trình độ người lao động, áp dụng kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến.
 
Tuy nhiên theo người viết, mọi chuyện đều không đơn giản, đúng hơn là không thẳng tuột như thế!
 
Để tìm đúng nguyên nhân năng suất lao động thấp trước tiên cần hiểu đúng khái niệm năng suất lao động. Theo định nghĩa chung nhất, năng suất lao động đo lường lượng hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong một giờ lao động.
 
Vì không thể đo lường năng suất lao động của những người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau tạo ra những sản phẩm và dịch vụ khác nhau, nên người ta sử dụng một đại lượng chung, đó là giá trị GDP ròng, hoặc giá trị gia tăng (đo bằng đơn vị tiền tệ), tạo ra trong một giờ lao động.
 
Với khái niệm và cách đo lường năng suất lao động như trên, có thể nói một cách khái quát rằng năng suất lao động tỷ lệ thuận với tổng GDP của cả nền kinh tế và tỷ lệ nghịch với tổng số giờ lao động tiêu tốn trong cả nền kinh tế để làm ra từng đó GDP.
 
Như vậy, với cùng quy mô dân số và lao động (giả thiết là cùng một cơ cấu dân số) thì nước nào có GDP lớn hơn sẽ có năng suất lao động cao hơn nước kia.
 
Trở lại với kết quả so sánh năng suất lao động nói trên của ILO. Không có gì đáng ngạc nhiên khi năng suất lao động của Việt Nam lại quá thấp so với những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có GDP bình quân đầu người đều cao tới hơn chục lần so với Việt Nam. Cũng tương tự nếu so với Malaysia và Thái Lan.
 
Do đó, để giảm chênh lệch này thì đương nhiên phải lấp đi khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người. Mà để giảm chênh lệch thu nhập bình quân đầu người thì phải tăng tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cũng lý giải thực trạng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam chậm lại kể từ 2008 đến nay: tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tụt giảm đáng kể so với giai đoạn tăng trưởng cao 2002-2007.
 
Để nâng tốc độ tăng trưởng GDP nhằm tăng năng suất lao động, chúng ta cần giải được bài toán khó vốn đang là đề tài nổi cộm hiện nay mà vì thế mới phải có những việc lớn như tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân và FDI, tăng cường hòa nhập với nền kinh tế thế giới v.v...
 
Trên thực tế, việc nâng tốc độ tăng trưởng GDP và tăng năng suất lao động cũng giống như chuyện con gà và quả trứng. Vì tăng năng suất lao động cũng là giải pháp chính để cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP.
 
Để tăng GDP hay tăng năng suất lao động thì đều cần phải có vốn tư bản (tiền để đầu tư mua máy móc, công cụ làm việc, càng nhiều tiền thì càng mua được máy móc, công cụ tốt), công nghệ mới (tự động hóa có thể giảm được số người làm việc), và vốn con người (người lao động có kiến thức và kỹ năng tốt thì mới sử dụng và làm chủ được công nghệ mới, thiết bị mới, mới tổ chức được sản xuất một cách hợp lý...).
 
Nhưng bản thân công nghệ mới và vốn con người, suy cho cùng lại đều phụ thuộc vào vốn tư bản - có tiền thì mới có khả năng đầu tư cho công nghệ cao, hiện đại, đầu tư vào giáo dục, đào tạo nhân lực v.v...
 
Tuy nhiên, có tiền mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải tiêu số tiền đó ra sao cho hợp lý và đúng đắn nhất. Lời giải cho bài toán, xem ra, nằm ở đó.
 
 
TS. PHAN MINH NGỌC

Doanh nhân Sài Gòn