Michael S. Dell là người Do Thái thành công

31/05/2014 07:37

Michael S. Dell là người Do Thái thành công


Xuất thân từ một gia đình Do Thái, từng rửa chén cho một tiệm ăn Hoa khi 12 tuổi và trở thành nhà lãnh đạo DN trẻ nhất trong Fortune 500 của những công ty lớn nhất của Mỹ ở tuổi 26.


Sinh ngày 23-2-1965 tại Houston, bang Texas (Mỹ), Michael S. Dell được xem là một trong những điển hình của sự vươn lên bằng ý chí và tự thân lập nghiệp. 

Ông khởi nghiệp năm 19 tuổi với công ty Dell rồi sau đó là tập đoàn Dell (Dell Inc.) hàng đầu trong ngành sản xuất máy tính. 

Ở tuổi 26, ông trở thành nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ nhất nằm trong danh sách Fortune 500 của những công ty lớn nhất của Mỹ. 

Đến năm 2005, ông đứng hàng thứ tư trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ và bốn năm sau đó là vị trí thứ 25 trong số những người giàu nhất thế giới. 

Nói đến Dell là nói đến một doanh nhân có óc thực tế và con người của hành động, thể hiện trong cả cách sống, cách kinh doanh và kỹ năng tiếp thị.

Xuất thân từ một gia đình Do Thái trung lưu, cha là bác sĩ chỉnh hình Alexander Dell và mẹ là một nhà môi giới kinh doanh, Michael đã thích kiếm tiền từ khi còn nhỏ. 

Năm 12 tuổi, cậu bé đã xin phụ việc rửa chén cho một tiệm ăn người Hoa. Từ những ngày đó cậu đã có ý tưởng đăng rao vặt trên tạp chí để bán những con tem sưu tập lấy 2.000 đô la Mỹ. Khoản dành dụm đầu tiên của cậu bé được sử dụng cho việc mua một chiếc máy vi tính để tháo tung nó ra nhằm thỏa mãn niềm khao khát được biết nó hoạt động thế nào. 

Sau đó, Michael xin một chân phát hành báo cho tờ Houston và tại đây khả năng về lĩnh vực tiếp thị của cậu đã có cơ hội để thể hiện. Michael khảo sát và lập danh sách các đôi tân hôn rồi gửi đến cho họ thông báo khuyến mãi trong hai tuần nếu họ đăng ký mua báo. Chiến dịch tiếp thị thông minh đó đã đem về cho cậu 18.000 đô la lúc mới 17 tuổi và cậu đã tự thưởng cho mình một chiếc BMW.

Con người của thực tế

Năm 18 tuổi, Michael thi vào khoa Sinh học trường Đại học Tổng hợp Texas để theo nghề y của cha. Lúc bấy giờ đang là cao trào nhiều sinh viên háo hức tiếp cận khám phá các máy tính cá nhân và Dell nhanh chóng nhận ra ở đó một cơ hội. Mỗi chiếc máy tính lúc đó bán ra từ 3.000 đến 4.000 đô la trong khi giá trị các bộ phận của máy chỉ vào khoảng 600 đô la. Hãng máy tính IBM sản xuất ra các bộ phận rời rồi chuyển chúng cho các công ty lắp ráp và giao lại cho đại lý với giá 2.000 đô la, đến lượt các nhà đại lý bán cho người tiêu dùng với giá trên dưới 3.000 đô la. 


“Tại sao chúng ta lại phải trả tiền cho đại lý mà không có quyền đặt hàng mà mình cần? Tại sao không bán máy tính thẳng từ nhà máy đến người sử dụng cuối cùng?”. Câu hỏi thực dụng đó trở thành nguyên lý làm việc và phương châm kinh doanh của Dell cùng cả tập đoàn cho đến tận hôm nay. 

Cậu sinh viên bắt đầu mua các bộ phận rời tồn kho của hãng IBM và ráp thành các kiểu máy tính cá nhân theo ý khách hàng ngay trong phòng ngủ của mình trên tầng 27 của ký túc xá đại học rồi đem bán với giá rẻ hơn 15% so với thị trường. Bác sĩ tư, các công ty luật và các doanh nhân rất ưa chuộng máy của Dell và doanh số khởi điểm lần lượt tăng từ 25.000 đô la trong tháng thứ nhất lên 50.000 đô la trong tháng tiếp theo.

Nhưng Michael Dell thực sự gây sốc khi xin phép cha mẹ bỏ học để bắt đầu kinh doanh ở tuổi 19. Sau những cố gắng thuyết phục không thành, gia đình đã chấp nhận theo ý Michael và công ty PCs Unlimited được thành lập ngày 3-5-1984 với khoản tiền 1.000 đô la do cha mẹ “cho mượn” với điều kiện sau một năm nếu không thành công thì phải trở lại trường học. 

Dell nhận các đơn đặt hàng rồi tìm mua các bộ phận rời để ráp thành máy và bán cho khách hàng đúng theo ý thích của mỗi người chứ không theo một mẫu hàng chung nhất. Tôn trọng yếu tố giá rẻ và ý thích cá nhân là chìa khóa thành công của PCs Unlimited, đến năm 1987 Michael tự hào đổi tên công ty do mình sáng lập thành Dell Computer Corporation. 

Từ 1984, doanh số tháng đầu của công ty đạt mức 180.000 đô la và sang tháng thứ hai lên 265.000 đô la. Số lượng máy tính bán trong năm đầu vượt quá con số 1.000 buộc Michael phải thuê một nhà quản lý chuyên nghiệp để phụ trách hai mảng tài chính và hành chính. Vào cái ngày lẽ ra Michael được nhận bằng tốt nghiệp đại học thì Dell Computer đánh dấu doanh số bán hàng trong năm đạt mức 70 triệu đô la.

Vào lúc này không ai trong số các đại gia kinh doanh máy tính chú ý đến những nguyên tắc cách mạng trong phương pháp tiếp thị của Dell. Chàng trai trẻ đã chinh phục thị trường bằng các việc làm hết sức cụ thể. 

Nếu ai trong số các khách hàng không vừa lòng với sản phẩm của Dell có thể đem trả để lấy tiền lại. Việc tư vấn cho khách hàng được thực hiện 24/24 mà sau này Michael cho biết 90% khách hàng thỏa mãn ngay chỉ sau 5 phút. 

Việc sửa chữa các máy hỏng hóc được công nhân của Dell tới thực hiện tại nhà. 

Việc đặt hàng khá đơn giản và 36 giờ sau khi nhận được yêu cầu kể cả qua điện thoại hay e-mail, máy được đóng gói và chuyển ngay đến địa chỉ người mua. 

Trong khoảng thời gian sôi động với hoạt động kinh doanh béo bở đó, người ta thấy xuất hiện nhãn hiệu máy tính Turbo PC không được lắp ráp từ các linh kiện của các hãng khác mà là sản phẩm chế tạo đầu tay của Dell, khởi đầu cho việc biến Dell Computer thành Tập đoàn Dell (Dell Inc.) vào năm 2004, vươn lên hàng đầu cùng với IBM và HP trong số những nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới.

Tiếp tục sáng tạo từ máy tính cá nhân

 

Gần ba thập kỷ kể từ 1981 là thời kỳ cực thịnh của dòng máy tính cá nhân vốn mang lại cho nhân loại diện mạo mới nhờ phổ cập sự hiểu biết và tiện nghi sáng tạo đến tận từng người. Trong sự tiến bộ tạo nên bước ngoặt chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức đó có sự đóng góp rất lớn của Dell. 


Trên thực tế máy tính cá nhân (PC – personal computer) hay máy vi tính (microcomputer) đã trải qua quá trình phát triển nhanh chóng với nhiều sáng tạo của bộ óc con người. Vào đầu các năm 1970 Ed Roberts, chủ nhân của hãng máy tính Micro Instrumentation Telemetry Systems (MITS), nhận ra nhu cầu của khách hàng trong việc sử dụng máy tính vào công việc gia đình và kinh doanh. 

MITS cho ra đời dòng máy Altair 8800 với giá 400 đô la mỗi chiếc. Thực ra đó chỉ là một hộp đựng những chi tiết rời mà khách hàng mua về ráp lại và tự viết phần mềm.

Năm 1975 các máy Altair đã trở nên nổi tiếng và hai chàng sinh viên năm đầu của trường Đại học Harvard là Paul Allen và Bill Gates tìm đến giới thiệu với Roberts về một phần mềm để điều khiển máy. Ngay sau đó một phiên bản chương trình có tên là BASIC được dùng cho dòng máy Altair. Khi MITS giải thể thì Gates và Allen tạo lập nên Microsoft mà chẳng bao lâu sau trở thành tập đoàn công nghệ phần mềm lớn nhất thế giới.

Vào năm 1973, Xerox khởi đầu sản xuất dòng máy Alto sử dụng con chuột điều khiển đồ họa theo lối chỉ-và-nhấp gọi là GUI. Nhưng phải đến 10 năm sau GUI mới trở nên thông dụng với các dòng máy tính Lisa và Macintosh của Apple. 

Năm 1977 tập đoàn công nghệ này cho ra đời kiểu máy Apple II sử dụng đồ họa màu và đĩa khởi động (disk drive), cùng lúc đó hãng máy tính Commodore cho ra đời Commodore 64 có bộ nhớ tốt hơn và sử dụng đĩa mềm (floppy disk) để lưu trữ tài liệu.

Theo sau sáng tạo của Dan Bricklin và Bob Frankston, cha đẻ của phần mềm VisiCalc, các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng phần mềm này vào việc tính toán kể từ năm 1979. Cùng năm đó phần mềm căn bản sử dụng bộ chữ gọi là WordStar ra đời cho phép thực hiện các chức năng liên quan đến văn bản kể cả in ấn. 

Có thể nói tổng hợp các công trình nghiên cứu sáng tạo nói trên trở thành tiền đề cho sự ra đời của dòng máy tính cá nhân đầu tiên gọi là IBM PC trong năm 1981. Đây là dòng máy tiên phong của các loại máy tính có cấu trúc mở tạo điều kiện cho máy tính của các hãng khác nhau có thể vận hành bởi một phần mềm chung. Cấu trúc này mở đường cho sự lớn mạnh của tập đoàn phần mềm Microsoft, phát triển ra MS.DOS rồi các thế hệ Windows cho đến ngày nay.

Cũng như các công ty máy tính và ngành công nghệ thông tin khác, Dell đã trưởng thành và lớn mạnh nhanh chóng nhờ vào kỹ nghệ máy tính cá nhân. Nhưng trong khi biên lợi nhuận từ việc sản xuất máy tính thu hẹp lại và nhiều tập đoàn giảm phần đầu tư vào máy tính thì Michael Dell không nghĩ như vậy.

Dell Inc. vẫn đầu tư mạnh mẽ vào việc sản xuất máy tính và dùng đó làm nền tảng để triển khai các loại hình dịch vụ thông tin vốn có biên lợi nhuận cao hơn. Phải chăng đây là một cách nhìn thực tế khác mà không phải ai ai cũng thấy?.

 

Theo Hoàng Xuân Phương

Thời báo kinh tế sài gòn