Chuyện không của xứ người
Lâu nay-đặc biệt là từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu (năm 2008) mọi người vẫn hay nghe các thông tin về cắt giảm nhân sự liên tục, ồ ạt của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động sa thải này không chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp nhỏ mà còn ở những tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Báo cáo của Gray & Christmas, Inc (Mỹ) mới đây còn thống kê ra 14 doanh nghiệp nổi tiếng đã tiến hành cắt giảm nhân sự dữ dội nhất trong năm 2011. Đó là HSBC với kế hoạch sa thải 25.000 nhân viên do HSBC đã dừng các hoạt động kinh doanh tại Hà Lan và Nga, bán 195 chi nhánh, phần lớn là tại New York. Công ty dược Merck thì công bố kế hoạch tiếp tục cắt giảm chi phí bằng cách giảm 13% nhân sự, tương đương 13.000 nhân viên cho đến năm 2015. Tập đoàn kinh doanh bán lẻ sách lớn nhất thế giới tuyên bố đóng cửa gần 400 cửa hàng và sa thải 10.700 nhân viên. Cisco Systems, Inc. giảm 9% lao động toàn thời gian, tương đương 6.500 nhân viên….
Những tưởng “cơn sóng thần” cắt giảm nhân sự chỉ quét qua các doanh nghiệp ở Mỹ, Anh hay một quốc gia nào đó nhưng trên thực tế, cơn sóng này đã diễn ra mạnh mẽ ở VN. Rùm beng nhất có lẽ là câu chuyện CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã cho nghỉ việc hàng loạt nhân sự từ cấp cao đến nhân viên. Theo số liệu công bố thì nhân sự ở SBS tính đến cuối quý I/2012 chỉ còn 199 người, giảm 185 người tương đương 48% tổng nhân sự so với thời điểm đầu năm 2011. Hay mới đây, vào ngày 1/6/2012, Công ty cổ phần viễn thông di động toàn cầu Gtel Mobile - đơn vị điều hành mạng di động Beeline Việt Nam đã chính thức sa thải 148 nhân viên
Không riêng người trong cuộc, bất cứ ai nghe các tin này cũng hết sức ngỡ ngàng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng TP.HCM đã có 10.626 DN ngưng, nghỉ, giải thể; Hà Nội có 7.745 DN hay Đồng Nai có 961 DN giải thể trong 6 tháng đầu năm nay và dự báo còn tăng, chắc chắn những câu chuyện như ở SBS, Beeline VN sẽ còn diễn ra. Theo thống kê của Cục Việc làm-Bộ LĐ-TB&XH thì năm 2011, số người đăng ký thất nghiệp đã tăng lên hơn 330.000 người. Và chỉ trong quý I/2012, có đến 116.000 người đăng ký thất nghiệp, tăng hơn 70% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, sa thải nhân viên không còn là chuyện xa lạ và người lao động nên có sự chuẩn bị lẫn những ứng phó cần thiết.
Làm gì?
Khi đi làm, nhất là đã làm quen, có sự ổn định và gắn bó với công việc, không ai muốn nghĩ tới tình huống một ngày nào đó nhận một lá thư từ công ty đề nghị tự nguyện nghỉ việc. Tuy nhiên, trước những khó khăn và rủi ro trong hoạt động, trước tình thế doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động thì những động thái cắt giảm nhân sự nhằm tinh gọn bộ máy được dự báo sẽ phổ biến. Người lao động làm việc trong những công ty này cần chuẩn bị 2 tình huống: ngoài danh sách và trong danh sách gọi tên.
Ngoài “danh sách đen”
- Nếu doanh nghiệp triển khai hoạt động cắt giảm nhân sự mà vẫn giữ lại bạn, điều này có nghĩa doanh nghiệp vẫn cần bạn. Có thể do bạn có thâm niên trong công ty, do bạn có năng lực làm việc tốt, do bạn tạo được ấn tượng tốt. Nhưng cũng có thể, đó là do bạn may mắn thuộc các phòng ban chưa bị buộc phải tinh gọn. Dù là lý do nào thì người lao động được khuyên nên tìm hiểu chính xác. Vì chỉ có biết rõ lý do, bạn mới hiểu được ví trí của mình tại công ty có lâu dài không. - Các doanh nghiệp thường biết rõ, không nên sa thải hàng loạt lao động vì như vậy sẽ tạo hoang mang cho người ở lại. Nhưng tại sao họ vẫn làm? Bởi họ không còn cách nào khác. Và nếu như khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp, chắc chắn sẽ còn nhiều đợt sa thải khác. Theo dõi tin tức, nắm rõ tình hình tài chính, kinh doanh của công ty sẽ giúp người lao động biết nên phòng bị như thế nào để không rơi vào thế bị động.
- Cắt giảm nhân sự, nhất là cắt giảm nhiều nhân sự sẽ kéo theo những thay đổi trong tổ chức công việc, quản lý…Liệu trong sự thay đổi đó, bạn có bị điều chuyển hay chịu sức ép mới về công việc và tâm lý không? Và bạn đón nhân sức ép mới với tâm thế sẵn sàng, hào hứng hay mệt mỏi? Tìm hiểu để biết khả năng thích nghi và chấp nhận với hoàn cảnh mới của bạn.
- Thực tế, vẫn có nhiều DN xem sa thải như một động thái sàn lọc chất lượng nhân sự. Trong trường hợp này, doanh nghiệp giữ bạn vì đánh giá cao năng lực của bạn. Vì thế, , bạn cần trao dồi, học hỏi thêm để phát triển sự nghiệp bản thân.
Trong “danh sách đen”
- Không ai vui nổi khi đột ngột biết tin bị sa thải. Bởi đi cùng thôi việc là vô vàn nỗi lo. Nếu bạn không tích lũy được gì trước đó, bạn sẽ lo lấy tiền đâu trang trải cuộc sống? Lo tình trạng mất việc này kéo dài lâu không?Lo thiên hạ đánh giá mình ra sao nếu biết bị buộc nghỉ việc chứ không phải tự xin nghỉ?... Nếu lo lắng nhiều bạn sẽ trở nên bi quan và mất tự tin. Tìm hiểu lý do của việc sa thải do khách quan (như công ty thua lỗ, kinh doanh trì trệ, lãnh đạo muốn tạo phe cánh…) hay do bản thân sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần.
- Nếu bạn bị sa thải vì doanh nghiệp không đánh giá cao bạn, bạn chưa cần buồn vội. Vì có thể bạn bị đánh giá sai, có thể môi trường ấy chưa phù hợp và chưa biết khơi dậy khả năng của bạn. Một sự tự đánh giá lại bản thân, về điểm mạnh lẫn điểm yếu là cần thiết nhất lúc này. Khi đã biết mình đang ở đâu, thiếu gì, cần bổ sung gì, muốn gì, bạn sẽ tiếp tục có định hướng mới.
- Bạn cần tích cực tìm việc, qua nhiều nguồn khác nhau. Nếu bạn có năng lực và hoạt động trong ngành có nhu cầu tuyển dụng tương đối cao, bạn sẽ tìm được việc trong thời gian sớm. Ngược lại, bạn không nên tự ti chán nản. Bạn cần tìm cách cải thiện năng lực bản thân qua cách tham gia các khóa học đồng thời tìm việc làm phù hợp với bản thân hơn như làm ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, ít điều kiện hơn, chấp nhận mức thu nhập thấp hơn…Nếu vẫn chưa tìm được việc chính thức, bạn có thể tìm các việc bán thời gian hoặc tự tạo việc cho mình. Làm việc sẽ giúp bạn duy trì được sự tự tin và thấy bản thân vẫn có giá trị. Khi đó, cơ hội sẽ đến nhiều hơn.
Hà Thy - CareerLink.vn