Giám đốc tài chính, lương cao nhưng hiếm

18/04/2014 12:07

Giám đốc tài chính, lương cao nhưng hiếm Sinh viên tham gia khóa đào tạo giám đốc tài chính Trường đại học Kinh tế Quốc dân, TP HCM Giám đốc tài chính - CFO (Chief Financial Officer) được mệnh danh là cánh tay phải của lãnh đạo doanh nghiệp, là “bác sỹ”, chuyên chẩn đoán “sức khỏe” công ty rồi kê “đơn thuốc” với những dự báo tài chính dài hạn, ngắn hạn. Nhưng hiện tại CFO người Việt chỉ... đếm trên đầu ngón tay.

Phạm Văn Bằng, CFO của Tập đoàn P&G được giới tài chính đánh giá là một “tay” có chuyên môn giỏi. Ba năm qua, bằng những hoạch định ngân quỹ cho chiến dịch mở rộng thị phần đến các vùng sâu, vùng xa, anh cùng đồng sự đã nâng doanh thu phát triển trung bình của doanh nghiệp lên 30-35%/năm (thay vì 10% thời gian trước).

Anh cũng từng là nhân viên Việt Nam đầu tiên trong công ty được cử ra nước ngoài làm việc với lời dặn dò: “Nếu thành công sẽ mở ra con đường thuận lợi cho xuất khẩu thế hệ sau của công ty”. Khi sang Philippines phụ trách một ngành hàng cho khu vực châu Á, Australia, bốn tháng đầu Bằng làm việc liên tục 14 tiếng đồng hồ/ngày, có rất nhiều điều phải học, từ cách suy nghĩ đến quan hệ với đồng nghiệp...

Sau hơn một năm làm ở Philippines, Bằng chuyển sang Singapore làm thêm một năm rưỡi nữa. “Khi về lại Việt Nam, tôi tự tin lên nhiều về kỹ năng quản lý con người, phân tích tài chính...”, anh nói.

Giống như Bằng, Trần Quốc Hưng hiện đang là CFO Công ty Gannon nhớ lại những ngày “xa xưa” của mình ở Nestle. Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 4 giờ sáng hôm sau, có lúc anh tranh thủ nằm ngủ trên giấy báo ở văn phòng, sáng mai lại tiếp tục đi gặp khách hàng. Nhận mình tham vọng, Hưng luôn đắn đo: “Nếu ở vị trí cao hơn, mình sẽ phải làm gì...”.

Anh âm thầm học từ nhiều lãnh đạo kỹ năng quản lý, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ... và Hưng là người Việt Nam duy nhất trong Tập đoàn Nestle được công ty mẹ bên Thụy Sỹ chứng nhận có đủ trình độ đi nhiều nước giảng dạy đào tạo cho nhân viên trong hệ thống tập đoàn này...

Vượt qua những ứng viên các nước khác, cho công việc CFO ở Gannon, Quốc Hưng thuyết phục tổng giám đốc bằng danh sách 10 điểm tư vấn: đơn giản hóa cơ cấu pháp lý, thiết lập lại quy trình báo cáo tài chính về công ty mẹ, cải cách quan hệ với hệ thống ngân hàng cải tổ toàn bộ cấu trúc các bộ phận...

Theo giới chuyên môn, để có được một CFO Việt cần khoảng trên dưới 10 năm. Người Việt Nam hiện tại chủ yếu ở các vị trí báo cáo trực tiếp cho CFO: kiểm soát tài chính (Financial Controller - FC), phân tích tài chính (Financial Planning - FP) - thử thách cuối cùng để đến đích CFO. Cử người ra nước ngoài làm việc thường là một trong những chiến lược đào tạo CFO.

Vị trí hiện nay của Thúy Anh, giám đốc kế hoạch tài chính (Financial Planning Associate Director) của Pepsi tại Trung Quốc, vẫn chưa là một CFO, nhưng nguyên nhân khiến CFO tập đoàn này “làm lơ” nhiều ứng viên chuyên gia về tài chính khác lúc đó, chỉ “đòi” bằng được Thúy Anh vì phát hiện cô nhanh nhạy, có khả năng tổ chức, tinh thần hỗ trợ các phòng ban hiệu quả và khoa học. Ở những công ty quy mô càng lớn, CFO lại càng là vị trí không dễ ngồi vào.

Đồng hành với nhu cầu thị trường, Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế TP HCM cũng tiến hành mở lớp đào tạo CFO. Tiến sỹ Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển cho rằng: “Thật ra chúng tôi mở lớp chỉ mang tính tình thế, bởi đây là việc đào tạo lại chứ không phải là đào tạo một cách bài bản (chức năng này thuộc về chương trình đại học)”.

Nhận xét về vấn đề này, Phạm Văn Bằng cho rằng, đầu ra của sinh viên tài chính kế toán bắt đầu có chất lượng, khả năng Anh ngữ tốt hơn và bạn trẻ cũng tự tin hơn dù hiện nay những người được tuyển dụng gần đây đa số thuộc đội ngũ trẻ học tập ở nước ngoài.

Tham khảo tiêu chí CFO trong các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, ông Hòa An, Giám đốc Công ty phát triển nhân lực AQL, nhận xét: “Thường là người tốt nghiệp đại học, cao học hoặc du học chuyên ngành có kinh nghiệm, có chứng chỉ nghề nghiệp được quốc tế công nhận, đặc biệt phải có đầu óc phân tích, khả năng đọc số liệu nhạy bén, khả năng làm việc trên hệ thống, khả năng kinh doanh để hỗ trợ giám đốc...”.


Theo VnExpress