Phóng viên: Thưa ông, theo Báo cáo môi trường kinh doanh Việt Nam 2014 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố thì mỗi năm, doanh nghiệp (DN) phải mất tới 872 giờ để làm thủ tục thuế, cao gấp 5 lần so với các nước ASEAN.
Thực tế này dường như đi ngược với chủ trương Nghị quyết 01 về tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất của Chính phủ?
- Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Trong Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) do WB thực hiện và công bố hằng năm, WB đưa ra một mô hình DN giả định có quy mô vừa và nhỏ để đánh giá, so sánh giữa các nền kinh tế. Về chỉ số “nộp thuế” trong báo cáo của WB cũng hơi khác so với cách hiểu về thuế thông thường. Trong báo cáo này, chỉ số “nộp thuế” gồm thuế và tất cả các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật mà chủ DN phải nộp như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Các thủ tục này được WB tính chung vào chỉ số “nộp thuế” nên tổng số thời gian thực hiện của DN mới mất 872 giờ, trong đó BHXH đã “góp” vào 335 giờ, thuế là 537 giờ. Tất nhiên, ngay cả con số 537 giờ nộp thuế một năm là rất cao so với các nước ASEAN, chưa đáp ứng được mong đợi của cộng đồng DN cũng như cơ quan thuế.
Trong thực tế, ngay từ năm 2009, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu về cách đánh giá của WB, mời chuyên gia của WB và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đến làm việc để lắng nghe các khuyến nghị của họ nhằm rút ngắn thời gian nộp thuế cho DN, cải thiện chỉ số nộp thuế của Việt Nam. Nếu xét trong cả một quá trình thì thời gian nộp thuế của Việt Nam đã giảm từ 1.050 giờ xuống 941 giờ và nay là 872 giờ. Trước tình hình này, tháng 3-2014, Chính phủ đã có Nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đến năm 2015 giảm thời gian nộp thuế của DN chỉ còn 171 giờ/năm, bằng mức trung bình trong khu vực. Tổng cục Thuế đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này.
Thưa ông, cơ sở nào để ngành thuế “cắt” được 701 giờ nộp thuế chỉ trong vòng 2 năm?
- Nhìn vào con số thì đúng là rất khó vì việc cải cách không phải chỉ thực hiện một sớm một chiều mà có ngay kết quả. Liên tục trong nhiều năm qua, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều hoạt động cải cách nhưng kết quả để phản ánh được vào trong Báo cáo môi trường kinh doanh theo cách xác định của WB thì thường có độ trễ 2 năm; nghĩa là những cải cách về thuế mà DN thực hiện trong năm 2013 sẽ được ghi nhận trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2015.
Biểu đồ so sánh thời gian doanh nghiệp làm thủ tục thuế mỗi năm giữa Việt Nam với các nước ASEAN Họa đồ: PHƯƠNG ANH
Đối với lĩnh vực thuế, trong năm 2013, nhiều chính sách thuế và quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành đã đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng DN, giảm cả thời gian và mức thuế phải nộp.
Về thời gian, DN có mức doanh thu đến 20 tỉ đồng/năm chỉ còn phải nộp thuế 4 lần/năm thay vì 12 lần. Đặc biệt là Tổng cục Thuế đã tập trung xây dựng và triển khai hệ thống thuế điện tử, từ năm 2009 đến nay đã có hơn 366.000 DN tham gia, chiếm khoảng 76% tổng số DN đang hoạt động; dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt 90% số DN tham gia. Chúng tôi cũng xác định đây là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để DN tiết kiệm chi phí, thời gian; thay vì DN phải mất cả buổi để đi nộp tờ khai, nộp thuế thì DN chỉ mất vài phút để hoàn tất thủ tục khai thuế, nộp thuế ngay tại trụ sở của mình.
Về thuế suất, thuế thu nhập DN đã giảm từ 25% xuống còn 20% từ ngày 30-7-2013 đối với DN có mức doanh thu năm trước liền kề là 20 tỉ đồng và đến năm 2016 chỉ còn 17%.
Những cải cách như trên sẽ được phản ánh vào Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2015 - 2016, chắc chắn khi đó thời gian làm thủ tục về thuế sẽ giảm đi rất nhiều.
Trong thời gian tới, việc cải cách thuế sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng cho ngành thuế về cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành thuế phải tăng tốc cải cách nhanh gấp 5 gấp 7 lần kết quả cải cách của giai đoạn 2011 - 2012, đặc biệt là cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành khác nữa.
Như tôi đã nói, khái niệm “nộp thuế” trong đánh giá của WB là theo cách nhìn của chủ DN, rộng hơn rất nhiều so với khái niệm thuế thông thường do cơ quan thuế quản lý. Vì trong hoạt động kinh doanh, tất cả các khoản phải nộp bắt buộc theo quy định, chủ DN bị mất đi họ đều gói chung vào một khái niệm là thuế. Trong tổng số 872 giờ “nộp thuế” nói trên, DN mất 335 giờ để thực hiện các thủ tục về BHXH, chiếm tới 38,42% trong tổng số thời gian. Cho nên muốn giảm được số giờ “nộp thuế” để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, đòi hỏi cả cơ quan thuế và cơ quan BHXH cùng vào cuộc một cách quyết liệt thì mới đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Thời gian xuất nhập khẩu cũng “đội sổ”
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của WB, Việt Nam không chỉ là quốc gia tiêu tốn thời gian cho nộp thuế cao nhất khu vực ASEAN và gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương mà trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Việt Nam cũng “đội sổ”.
Cụ thể, thời gian xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN là 14 ngày và nhập khẩu là 13 ngày. Trong đó, Indonesia là 17 và 23 ngày; Thái Lan là 14 và 13 ngày; Phillipines là 15 và 14 ngày; Malaysia là 11 và 8 ngày; Singapore là 5 và 4 ngày... Còn Việt Nam, thời gian xuất khẩu là 21 ngày và nhập khẩu cũng 21 ngày.
Ông Lê Văn Cành, Tổng giám đốc Công ty ARTEX SAIGON: Giải quyết việc văn bản thiếu thống nhất
Trong 4 năm liên tục, từ 2010 đến 2013, Công ty CP Xuất nhập khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn (ARTEX SAIGON, chuyên xuất khẩu sản phẩm mây tre lá, gốm, sơn mài…) đã nộp ngân sách tổng cộng 27,3 tỉ đồng, bình quân khoảng 6,8 tỉ đồng/năm.
Theo tôi, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đề ra, cũng như hỗ trợ DN rút ngắn thời gian phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế, trước hết, ngành thuế cần từng bước khắc phục các tồn tại mà người nộp thuế đang đối mặt như: văn bản pháp quy thiếu sự thống nhất, rõ ràng, khó thực hiện; một số văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật thuế ban hành chậm so với hiệu lực thi hành dẫn đến khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện...
Ông Khưu Lạc, Giám đốc Công ty Lạc Hưng: Thay đổi nhận thức trách nhiệm
Hiện nay, DN kê khai thuế GTGT 12 lần/năm, kê khai và nộp thuế thu nhập DN 4 lần/năm. Tuy cơ quan thuế đã cải tiến kỹ thuật bằng việc kê khai thuế qua mạng, từng bước giảm dần định kỳ nộp thuế nhưng đây chưa phải là yếu tố quan trọng.
Vấn đề chính là khi DN có những vướng mắc về thuế, các cán bộ trong ngành cần thay đổi nhận thức trách nhiệm để tránh tình trạng đùn đẩy nhiệm vụ cho nhau, cấp dưới chờ ý kiến chỉ đạo cấp trên làm mất quá nhiều thời gian của DN. Có như thế, ngành thuế mới nghĩ ra phương thức cải tiến, giảm bớt thủ tục, chứng từ… nhất là các chứng từ, thủ tục nhỏ nhặt liên quan đến quyết toán thuế để nhanh chóng cắt giảm thêm thời gian nộp thuế cho DN.