Bảo hiểm xã hội: tăng mức đóng do tăng lương tối thiểu
Theo lộ trình tăng tỷ lệ đóng BHXH quy định tại điều 42 và 43 Nghị định 152/2006/NĐ-CP thì đến năm 2014 mới tiếp tục tăng lên 26% (trong đó doanh nghiệp đóng 18% và người lao động đóng 8%). Tại thời điểm 2013, tỷ lệ đóng BHXH vẫn giữ nguyên theo mức của năm 2012 là 24% (doanh nghiệp: 17%, người lao động 7%). Tuy nhiên, do mức lương tối thiểu vùng đã tăng khoảng 18% theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP nên mức đóng BHXH năm 2013 vì thế sẽ tăng theo.
Bảo hiểm thất nghiệp: vẫn 2%
Luật BHXH không có quy định lộ trình tăng mức đóng cho quỹ BHTN nên tỷ lệ đóng vẫn giữ mức 2% theo quy định tại Điều 25 Nghị định 127/2008/NĐ-CP. Tỷ lệ đóng 2% BHTN được thực hiện từ năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện BHTN) đến nay.
Phí Công đoàn: Doanh nghiệp FDI tăng thêm 1%
Đối với các doanh nghiệp vốn trong nước thì phí công đoàn từ trước đến nay trích đóng theo Thông tư Liên tịch số 119/2004/TTLT-BTC-TLĐLĐVN ngày 08/12/2004 vẫn là 2%. Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì trước khi Luật Công đoàn có hiệu lực, mức đóng phí công đoàn theo Quyết định số 133/2008/QĐ-TTg ngày 01/10/2008 chỉ 1%.
Kể từ ngày 1/1/2013, Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 sẽ có hiệu lực, thay thế Luật công đoàn số 40/1990/QH8 ngày 7/7/1990. Theo Luật mới, phí Công đoàn áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp không biệt vốn trong nước hay vốn nước ngoài là 2%, tính trên tổng quỹ lương
Phí đường bộ: xe hơi đóng 2.160.000 đồng/năm
Các doanh nghiệp nếu có đăng ký sở hữu xe ô tô và xe máy từ năm 2013 sẽ phải chịu thêm phí đường bộ theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012.
Theo Biểu phí quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư số 197/2012/TT-BTC thì xe ô tô dưới 10 chỗ đăng ký theo tên của doanh nghiệp thì mức thu phí mỗi năm là 2.160.000 đồng/năm; nếu đăng ký tên cá nhân thì mức thu phí giảm còn 1.560.000 đ/năm
- Xe tải dưới 4 tấn: 2.160.000 đồng/năm
- Xe tải từ 4 - 13 tấn: 2.760.000 đồng/năm
- Xe dưới 25 chỗ: 3.240.000 đồng/năm
- Xe dưới 40 chỗ: 4.680.000 đồng/năm
- Xe trên 40 chỗ: 7.080.000 đồng/năm
Thuế môn bài: đóng theo mức cũ nếu không thay đổi vốn điều lệ
Thuế môn bài được xác định theo bậc, tương ứng với số vốn điều lệ của doanh nghiệp. Từ ngày 1/4/2003 đến nay, mức thuế môn bài vẫn được giữ nguyên theo biểu thuế quy định tại Điểm 1 Thông tư 42/2003/TT-BTC như bảng 1:
Riêng:
- Các chi nhánh hạch toán phụ thuộc, không xác định được vốn đăng ký, nộp thuế môn bài theo mức chung 1.000.000 đ/năm
- Các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu... trực thuộc doanh nghiệp hoặc chi nhánh xác định mức thuế môn bài theo doanh thu hằng tháng như quy định dành cho hộ kinh doanh tại điểm 2 Mục I Thông tư số 96/2002/TT-BTC. Mức thuế môn bài cao nhất đối với trường hợp này là 1.000.000 đ/năm dành cho thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên. Do đó, các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu... của doanh nghiệp hầu như phải nộp theo mức 1.000.000 đồng/năm
- Văn phòng đại diện và kho thuê chỉ để chứa hàng (không kinh doanh) được miễn nộp thuế môn bài.
- Đã nộp hồ sơ giải thể nhưng chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD vẫn phải nộp thuế môn bài.
- Ngừng kinh doanh trọn một năm thì được miễn nộp thuế môn bài cho chính năm đó (Công văn số 950/TCT-KK ngày 16/3/2012 của Tổng cục Thuế).
Việc kê khai thuế môn bài thực hiện ngay trong tháng được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD. Các năm sau đó nếu không có thay đổi về mức vốn đăng ký (tức vốn điều lệ) thì không cần kê khai lại.
Nếu có thay đổi thì kê khai trước ngày 31/12 hằng năm (Điều 15 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ). Tờ khai thuế môn bài sử dụng theo mẫu 01/MBAI đính kèm Thông tư 28/2011/TT-BTC.
Thời điểm nộp thuế môn bài là tháng 1 Dương lịch hằng năm. Đối với doanh nghiệp mới thành lập thì nộp ngay trong tháng bắt đầu kinh doanh (Điểm 1 Mục II Thông tư số 96/2002/TT-BTC ).
Theo Luật Việt Nam